1Giới thiệu đôi nét về Rượu cần
Nhắc đến Top 10 Đặc sản Bình Phước thì Rượu cần chính là cái tên mà bạn nhất định không được bỏ qua. Đối với người dân tộc S’tiêng, Rượu cần chính là món thức uống độc đáo và rất quý nên luôn được họ giữ gìn qua biết bao thế hệ. Không giống như Cơm lam Bình Phước hay nhiều món ăn khác tại đây, Rượu cần thường chỉ được bày trên bàn tiệc vào các ngày lễ đặc sắc hoặc dùng để mời khách đến nhà. Có thể nói rằng Rượu cần chính là một trong những món ăn tinh thần gắn liền trong đời sống hằng ngày của đồng bào S’tiêng.
Rượu cần được chế biến khá công phu qua rất nhiều giai đoạn. Ngày nay, vẫn còn rất nhiều hộ dân người S’tiêng thường xuyên chế biến rượu để thưởng thức trong các dịp lễ trọng đại của gia đình. Tại Bình Phước, Rượu cần được chia thành hai loại là Rượu cần đắng và Rượu cần ngọt. Tùy vào khẩu vị của mình mà bạn hãy chọn hương vị rượu phù hợp cho trải nghiệm thêm tuyệt vời nhé!
Xem thêm: Đặc sản Lá nhíp dân dã thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm người Bình Phước
2Rượu cần có gì đặc sắc?
Cùng với kỹ thuật cầu kỳ và công phu, kỹ thuật chế biến Rượu cần của người S’tiêng đã được chứng nhận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống. Mỗi nhà tại đây đều sẽ sở hữu một công thức chế biến riêng biệt. Tuy nhiên không vì vậy mà hương vị Rượu cần truyền thống mất đi. Thậm chí hương vị của Rượu ngày càng thêm đa dạng, đặc sắc nhưng vẫn giữ trọn vẹn được những nét đặc trưng của Rượu cần lúc ban đầu.
Để chế biến Rượu cần, bạn phải sử dụng rất nhiều nguyên liệu khác nhau và chế biến chúng sao cho ra lò một mẻ Rượu cần chất lượng nhất. Từ năm 2019, kỹ thuật chế biến Rượu cần của người S’tiêng đã được công nhận và trở thành một di sản văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Để làm được một mẻ Rượu cần đắng, người S’tiêng sẽ sử dụng vỏ cây hơmuônl làm men rượu. Sau khi phơi khô, giã nhuyễn, họ sẽ trộn thêm vào nhiều loại cây cỏ khác có tính lành, vị đắng vừa phải để cùng hòa với vỏ cây hơmuônl. Tiếp đến thì giã gạo thành bột và tiếp tục trộn cùng vỏ cây hơmuônl theo tỷ lệ đã được quy định. Đến khi tất cả đều quyện hòa thì mới đổ nước vào và trộn đều, vo thành các viên có kích cỡ bằng nửa nắm tay. Sau cùng mới xếp viên men vừa làm ra vào một cái nia phủ lá chuối và đặt ở chỗ kín gió từ 2 đến 3 ngày.
Đợi đến khi những viên men xuất hiện lớp phấn trắng bên ngoài và có mùi thơm nhẹ thì bắt đầu đem nắm cỏ tranh đi đốt những tơ nấm và phơi khô trước khi treo lên dàn bếp chừng một tháng. Để ủ được Rượu cần đắng, người S’tiêng sử dụng lá câu prareng giã nát và trộn cùng một ký gạo trước khi bỏ vào ống nứa để nấu thành cơm. Đợi đến lúc cơm chín, họ lại tiếp tục giã cơm thành bột và dùng bột men rải đều. Đến lúc này, người S’tiêng mới lấy cơm rượu cho vào ché và nén chặt, bịt kín. Một ché Rượu cần ủ từ 3 tuần đến 2 tháng tùy vào kích thước. Rượu cần đắng ủ càng lâu càng ngon. Khi uống vào sẽ cảm nhận được vị đắng trên đầu lưỡi và hậu vị ngọt ngào về sau.
Khác với Rượu cần đắng, Rượu cần ngọt sử dụng vỏ cây krai-đăng, lá ler hoặc dùng cả hai cùng lúc để làm men rượu. Cách làm Rượu cần ngọt cũng tương tự như Rượu cần đắng. Tuy nhiên do sử dụng khác nguyên liệu nên lá ler sẽ giúp cho vị rượu thêm ngọt, vỏ cây krai-đăng thì góp phần tạo nên hương thơm đặc trưng của Rượu cần. Nếu phối cả hai lại với nhau, Rượu cần ngọt sẽ đạt được đến mức độ hoàn hảo cả về hướng, sắc, vị. Ở một vài nơi tại tỉnh Bình Phước, người ta còn sử dụng thêm lá nhanh, lá côn, lá ớt rừng hoặc lá sấu để nấu Rượu cần ngọt.
Giống với Rượu cần đắng, Rượu cần ngọt có thời gian ủ và chế biến rượu tương tự. Thời gian ủ Rượu cần ngọt cũng tầm khoảng 3 tuần và để càng lâu thì rượu sẽ càng ngon. Ở đây, người ta không sử dụng trấu để làm cơm rượu vì sẽ khiến quá trình lên men bị thúc đầy nhanh hơn và khiến cho rượu có màu trắng đục, vị gắt dễ gây nên hiện tượng ngứa cổ, ho khan khiến mọi người khó chịu. Cùng ngồi lại thưởng thức Rượu cần và cùng bạn bè nhâm nhi Hạt điều rang muối sẽ mang đến cho bạn những giây phút tuyệt vời nhất trong chuyến đi.
Rượu cần được xem như một thức quà quý và thường được người S’tiêng đem ra mời khách hoặc thưởng thức trong các bữa tiệc, lễ hội long trọng. Qua nhiều công đoạn chế biến, hương vị của Rượu cần đủ sức khiến bạn say mê và mong muốn thưởng thức một lần nữa khi có dịp ghé lại Bình Phước. Vào các dịp lễ, Tết, món rượu này lại xuất hiện trên bàn tiệc và chung vui cùng với người dân nơi đây. Nếu bạn đang lên kế hoạch cho chuyến đi Bình Phước sắp tới, đừng quên ghi tên Rượu cần vào danh sách những đặc sản cần thử trong cuốn cẩm nang du lịch của mình nhé!