Sau mỗi chặng đường Phượt, tôi nghĩ về những điều đã qua, những gì đang diễn ra và điều gì sẽ đến.
Nhớ về cái thuở….
Khi tôi đi làm, tôi luôn tự hỏi mình một câu thế này : “Mày làm việc này thì có học được cái gì mới không?” “Hôm nay mày sẽ giải quyết thêm được việc gì?”. Xa hơn, tôi hỏi mình “Tháng tới, năm tới mày sẽ phát triển đến mức nào?”
Tôi sợ nhất một công việc dậm chân tại chỗ, sáng xách túi ra khỏi cửa, ngồi đồng 8 tiếng, làm cho xong việc và trở về nhà theo kiểu thoát khỏi ngục tù. Đó không phải là thứ tôi lựa chọn (tất nhiên, thời buổi khó khăn như hiện tại, có được việc làm, nuôi nổi bản thân và chút ít đóng góp cho gia đình thì bạn là người quá may mắn) – có thể là tôi quá tham lam, vừa muốn một công việc mình thích, lại vừa muốn có tiền (vâng, mục đích tối cao của việc đi làm).
Nhưng bản thân tôi ko chấp nhận việc hy sinh tất cả chỉ để kiếm tiền. Tôi muốn mình hoàn thiện hơn, đó là mong ước lớn nhất của bản thân. Tôi nghĩ rằng khi tôi hoàn thiện các kỹ năng của mình, thì tiền sẽ tự tìm đến sau đó. Cho nên tôi nghĩ đi làm cũng giống như đi học vậy. Mỗi ngày tôi sẽ cố gắng tìm ra một “mục đích” để làm và học hỏi ngày hôm đó, để duy trì cái say mê công việc. Tôi sợ mình bị ì nếu ngồi lâu quá, làm một công việc nhàm chán ngày này qua ngày khác rồi đâm ra khó tính cáu bẳn. Tôi sợ nhất và ám ảnh nhất về việc này.
Tôi đã gặp không ít người trẻ, như tôi, giỏi hơn tôi rất nhiều, nhưng họ bị nhét vào những công việc nhạt nhẽo, rồi chào buổi sáng bằng những cái ngáp, dăm cốc cà phê nguội, họ mất hết động lực để phấn đấu, phát triển. Trước đó họ từng nói với tôi: “Tao sẽ học thêm cái này, cái kia, dành tiền đi chỗ này, chỗ khác” nhưng rồi với cái nhịp đều đều lặp lại ngày này qua ngày khác, họ dần cũng chỉ như một cái bóng, chờ tiếng chuông reo báo hết giờ rồi về nhà, vạ vật vài vại bia, ăn bát cơm, lướt nét vài thông tin vô bổ rồi lại nằm ngủ. Họ không còn kể về những ước mơ vẫn cháy trong họ như trước nữa, thay vào đó, họ lo lắng về biên chế, đấu đá, cắt giảm ngân sách, xã hội thời cuộc rồi dần bất mãn với cuộc sống họ hiện có bây giờ.
Đó có lẽ là cái hoảng loạn tuổi hai mươi như tôi đọc ở đâu đó, tự nhiên dừng lại, ngơ ngác nhìn quanh, ko biết mình ở đâu, muốn gì, đi tiếp thế nào. Tôi đã từng như vậy, khoảng thời gian thất nghiệp gia đình nuôi cơm, trợ cấp – tôi thấm thía điều đó. Có những ngày tôi ngủ đến hết trưa, ăn vội một bữa ngoài đường, tạt ra làm cốc cà phê trên phố, đợi các anh em đến rồi đánh bi a đến tối mới mò về ăn bữa cơm qua loa cũng gia đình, ngày này qua ngày khác. Tôi nghĩ ra các thú tiêu khiển, các việc tiêu tiền, để cho mình cảm thấy bận rộn, và “đang sống” – mâu thuẫn ở chỗ tôi không làm ra tiền, không kiếm được tiền lúc ấy. Nếu không có chút ít bản lĩnh, tôi dám chắc tôi đã đánh mất mình vào những việc không hay trong những giây phút như vậy chỉ để có tiền tiêu, để say, để quên.
Nhưng có lẽ phải rất cảm ơn khoảng thời gian “mất phương hướng” đó, gia đình tôi nữa, những người chưa bao giờ đánh mất lòng tin vào tôi trong những khúc quanh của cuộc đời. Tôi quyết định thông báo việc mình thất nghiệp chứ chẳng giấu diếm lấp liếm nó nữa – tôi tự bảo mình phải nhìn thẳng vào vấn đề, rồi giải quyết nó, chứ đừng giả vờ như vấn đề ấy ko tồn tại, và có “phép màu” nào đó sẽ xảy ra với tôi.
Chẳng có cái phép màu nào cả, phải tự bản thân đối diện và giải quyết vấn đề của chính mình. Quay cuồng với nó, bấu víu với những mối quan hệ, những cuộc điện thoại, rồi hàng giờ sửa CV, tìm những việc trên mạng rồi apply liên tục. Đúng vậy, khi bạn toàn tâm toàn ý vào một việc, kiểu gì cũng có đường để giải quyết – và đó mới thực sự là Phép Màu, do chính bạn mang lại cho bản thân.
Rồi cứ thế công việc cứ nối tiếp nhau tìm đến, một người anh giúp đỡ tôi, một người chị cần tìm người viết bài, tôi thoát ra được cái mông lung như đã nói ở phía trên. Nhưng do còn ám ảnh bởi chuỗi ngày thất nghiệp, tôi tự dặn lòng phải hoàn thiện hơn nữa, làm tốt hơn nữa. Tôi không ngại giả làm nhân viên bảo hiểm gọi điện vào số đối tác để kiểm tra thái độ rồi dò hỏi các thông tin, tôi chẳng ngại ngày biên mấy chục cái thư rồi đi chào từng khách hàng, chẳng ngán cái việc giữa trưa nắng gắt nhất có người gọi, có cơ hội, tôi nhảy ngay lên xe, bỏ cơm bỏ thời gian để đến với khách, chăm sóc nâng niu các mối quan hệ để khi cần có thể liên kết được lại với họ.
May mắn là sách giúp tôi thăng bằng lại rất nhiều trong những lúc khủng hoảng, tôi tìm đến sách, một nơi im lặng và tìm lại đam mê. Vừa khéo là hiện tại tôi được làm việc nhiều hơn với chúng, một công việc thêm nếm, nhưng đầy hạnh phúc. May mắn như tôi nói với các bạn của tôi, vì đó là việc tôi rất thích, được đọc và viết những cảm nghĩ của mình, được gặp những người cũng chung niềm đam mê như tôi, và biến nhiều nhiều dự định dở dang thành hiện thực.
Hiện tại, khi viết những dòng chữ này chia sẻ với mọi người ngày đầu tuần, tôi biết ơn cuộc sống và những bài học được ban tặng. Tôi thấy mình luôn là một người may mắn, gặp nhiều người tốt và cơ hội lớn. Và vì sợ thất nghiệp (luôn là vậy), nên tôi hay lảm nhảm mình phải chuyên nghiệp hơn nữa, nếu như tôi ngu dốt hơn người ta, thì tôi phải cố thêm gấp đôi gấp ba để bù lại cái thiếu hụt đó. Đặt cho mình nhiều mục tiêu mới phía trước để ép mình phải cố gắng, đặt ra các dead line chứ ko phải là timeline nữa để không được chây ỳ. Thành ra tôi bây giờ sinh ra cái tính cầu toàn đáng ghét, việc nào cũng muốn phải hoàn thành, và thực hiện nó tận tâm nhất có thể, có lẽ vì thế mà hiện giờ tôi Stress còn nhiều hơn thời gian trước, nhưng thôi, đó vẫn là cái Stress dễ chịu.
Chưa biết rồi mai này thế nào, tôi có thêm thắt được cái gì mới không, nhưng nếu để dừng lại ngó quanh một lần nữa vào lúc này, tôi biết mình phải làm gì, đi từ đâu, hoàn thiện thêm phần nào trong những thiếu hụt mà bản thân đang gặp. Tôi cũng nhìn ra tôi của 1 tháng tới, 3 tháng tiếp theo, và mục đích của 1 năm trước mắt là gì.
Tôi mong cho các bạn tìm được mục đích của những việc mình làm hiện giờ, và sức khỏe để thực hiện chúng. Hãy chăm chỉ, hãy dậy sớm hơn, ăn sáng đầy đủ, làm cho mình bận rộn nhất có thể! Hãy sống. Hãy đối diện với vấn đề của bản thân, nhìn thẳng vào nó, tôi tin rằng bạn sẽ có cách giải quyết, và tìm được một con đường cho riêng mình, dù ngắn hay dài để đi tới thành công.
Ngày hôm qua có một người chia sẻ trên tường của tôi đoạn viết này:
“Mới đây tôi quên mật khẩu Email. Câu hỏi bảo mật của tôi (đặt từ nhiều năm trước) là: “Lúc lớn lên bạn muốn trở thành ai?”.Tôi không thể nhớ nổi câu trả lời ban đầu của tôi…
Tôi tự hỏi là không biết bao nhiêu người đã lạc đường; và họ có bao giờ tìm lại được ước mơ của họ không?” Còn bạn thì sao? Ai cũng cần có những khoảng trống để nhìn lại trên mỗi chặng đường đi của mình.
HÃY PHƯỢT CÓ TRÁCH NHIÊM