Miền Tây được mệnh danh là xứ sở của sông nước. Với hơn 54.000km sông rạch tổng cộng, khởi thủy đời sống bà con nơi đây gắn liền với sông. Những ngày giáp Tết, các khu chợ nổi ở miền Tây lại nhộn nhịp vô cùng, không khí vui tươi ở đây thu hút rất đông khách tham quan, du lịch. Cảnh trên bến dưới thuyền đã được nhiều tác giả mô tả qua nhiều tác phẩm ảnh, sách, trong đó có Hồi ký Xứ Đông Dương – L’Indo Chine francaise của Paul Doumer.
Chợ nổi miền Tây rộn ràng những ngày giáp Tết
Độ từ 20 tháng Chạp trở đi (tức tháng 12 âm lịch), các chợ nổi nhộn nhịp hơn ngày thường. Âu cũng bởi nhờ không khí Tết, các ghe thuyền cũng tấp nập hơn để hàng hóa được tỏa đi các miền xa. Nếu ngày thường chỉ có các sản phẩm nông nghiệp như rau củ quả, thì vào những ngày cận Tết, chợ như một vườn hoa nổi trên mặt nước. Nhìn từ trên cao, chợ nổi chẳng khác những vườn thượng uyển với đủ các màu xanh đỏ tím vàng…
Những chậu hồng, cúc, vạn thọ như nét chấm phá đơn giản nhưng hiệu quả cho bức tranh chợ trên sông. Những cô gái điều khiển tắc ráng chở đầy hoa từ những con rạch nhỏ đi ra tập trung nơi chợ nổi, không chỉ chào bán các loại hoa nhà trồng thơm tho đẹp mắt, mà nụ cười lúng liếng của những cô gái miền Tây cũng tạo nên nét thiện cảm chân tình nơi những khách lãng du.
Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ
Chợ nổi Cái Bè Tiền Giang
Chợ nổi Phụng Hiệp Hậu Giang
Được hình thành từ năm 1915, do sức lan toả, tác động quá lớn, Phụng Hiệp trở thành đầu mối giao thông thủy lớn nhất Nam Kỳ, tác động mạnh đến thị trường nông sản miền Tây. “Ngôi sao Phụng Hiệp” – như người Pháp thường gọi – còn được dự kiến lập thành thương cảng cho cả vùng Hậu Giang mênh mông ngày trước. Với hệ thống hàng trăm chợ nổi đang tồn tại ở đồng bằng sông Cửu Long thì Phụng Hiệp được xem là chợ nổi độc đáo và lớn nhất. Chợ Ngã Bảy là chợ tổng hợp, có thể mua sỉ, bán lẻ; phong phú đa dạng đủ loại hàng hóa mang đặc trưng sắc màu cuộc sống Nam Bộ. Thời mở cửa, sản phẩm đồng bằng theo dòng nước lớn qua Ngã Bảy, ra tận đất Bắc, vượt biên giới đến với bạn bè năm châu.
Du khách tới đây sẽ cảm thấy bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Và ngày Tết thì cơ hồ là hoa, từ trên cao, chợ nổi Phụng Hiệp như bức tranh sơn dầu mà ở đó, vị họa sĩ tài ba đã vẽ nên cái hồn, cái cốt của một miền đất có trầm tích văn hóa lâu đời thông qua một ngôi chợ. Ở đây, mỗi phương tiện chỉ bán một loại trái cây, hay một loại sản phẩm nào đó, và sản phẩm đó sẽ được treo lên một cây sào cao, để “bẹo” hàng, tượng trưng như là để thông báo rằng: “tôi là nhãn”, “còn tôi là xoài”, mời anh chị ghé mua.