1. Mục đích của chúng ta khác nhau:
Mỗi người trước mỗi một cuộc đi xa đều có chủ đích và sở thích riêng của mình. Có người ưa thích những hoạt động mua sắm và có thể dành cả tuần trong các trung tâm thương mại, có người lại chỉ thích khám phá ẩm thực và văn hóa địa phương hay một số người khác lại muốn tìm đến những danh thắng đẹp để ghi lại những bức hình để đời. Mà trên thực tế, các địa điểm này lại khá xa nhau, họ không thể tự tách đoàn được và buộc phải đồng hành cùng nhau.
Nếu không có cuộc nói chuyện, thương lượng từ trước, những bất đồng tưởng như rất nhỏ nhặt này lại khiến chuyến đi của bạn thất bại một cách nhanh chóng khi các thành viên không tìm được tiếng nói chung. Dành ra một buổi cafe hoặc chat nhóm qua Facebook dành cho những người bận rộn để thảo luận về vấn đề này sẽ khiến bạn nhận ra đâu là “người anh em chung chí hướng”.
2. Kinh phí ư? Nó thật phức tạp!
Vấn đề kinh phí luôn là câu chuyện rất đau đầu, thường dễ gây ra bất đồng trực tiếp hoặc gián tiếp cho các nhóm phượt thủ và dường như cũng là vấn đề quan trọng nhất. Trưởng nhóm và các thành viên sẽ thường xuyên phải đắn đo xem chi phí nào thì nên chia đều, chi phí nào thì nên do một ai ứng trước để trả nhằm tránh phiền phức chia và đổi tiền lẻ. Bởi lẽ, trên thực tế, khi vào nhà hàng gọi đồ hay mua sắm những vật dụng nhỏ, sẽ rất phiền phức nếu phải đổi và trả đúng số tiền lẻ trong phần của mình.
Tuy nhiên, nếu những ai thường xuyên phải ứng tiền để trả sẽ có nguy cơ cao gặp phải những ức chế cho một thành viên, từ đó, gián tiếp gây ra những bất đồng lớn hơn.
Do đó, lời khuyên trong trường hợp này là bạn nên tìm hiểu kỹ các thông tin về chi phí trên các diễn đàn của những người đi trước và những thông tin chính thống từ các website chính nước mình sẽ tới. Từ đó, bạn nên cùng nhóm đồng hành họp bàn và lên kế hoạch chi tiêu một cách chi tiết nhất.
Theo kinh nghiệm của một số nhóm phượt, bạn nên chia đều các chi phí “cứng” có thể tính toán được trước như vé máy bay, vé tàu, tiền khách sạn, tiền làm visa. Sau đó, mỗi người góp thêm một khoản kinh phí dự trù (nếu đi theo nhóm lớn). Mỗi người nên có một cuốn sổ chi tiêu du lịch, cuối buổi hoặc cuối ngày sẽ cùng nhau “khớp sổ”. Với các khoản tiền lẻ như món ăn, đồ mua sắm nhỏ, con số cuối ngày cộng lại sẽ đảm bảo việc chi trả tiện lợi hơn khi con số có thể đã trở nên chẵn và đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người.
3. Liệu lều có đủ rộng?
Rất khó có thể nói trước việc ai đó có phải là người bạn đồng hành hợp nhất với mình hay không khi chuyến đi còn chưa bắt đầu, ngay cả khi đó có là người bạn thân nhất hay người họ hàng bạn yêu quý nhất. Bởi lẽ, từ trước tới giờ, bạn và những người đó chưa từng chia sẻ với nhau không gian sống 24/24h.
Ngay từ những thói quen nhỏ nhất trong cuộc sống như ở bẩn, hay quên, bừa bãi… ở đối phương mà ngày thường bạn không mấy để tâm cũng có thể khiến hai bạn xảy ra tranh cãi kịch liệt. Bởi sau những giờ miệt mài khám phá, đi bộ, mỗi người dường như đều trở nên mệt mỏi và dễ cáu gắt hơn ngày thường.
Để khắc phục điều này, cách duy nhất là luôn luôn phải mang theo mình “câu thần chú” rằng phải giữ bình tĩnh, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đừng khiến một chút bực bội của mình làm mất đi hòa khí trong chuyến đi hay tệ hơn là mất đi cả một người bạn thân thiết chỉ vì những lý do rất “trời ơi”.
4. Đôi lúc làm gì cũng phải nhìn nét mặt người đi cùng.
Tâm lý thực sự sẽ quyết định một chuyến đi có thành công hay không. Bạn luôn vui vẻ và hào hứng thì ngay cả khi gặp phải một chút rắc rối hay phiền phức cũng không thể làm bạn rã đám. Ngược lại, tâm trạng mệt mỏi, cáu gắt sẽ khiến chuyến đi thực sự là một thảm họa, có khi còn tệ hơn là ở nhà.
Có một thực tế là những người trong đoàn rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý lẫn nhau. Nếu bạn đồng hành của bạn ủ ê, sầu não và muốn lấy chuyến đi làm dịp để giải sầu thì bạn cũng nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Bởi một người luôn mang tâm trạng buồn bã có thể khiến cả đoàn chùng xuống, mất vui hay thậm chí là gặp những rắc rối do tâm lý bất ổn của thành viên đó gây ra.
5. Mọi chuyến đi đều không hoàn hảo theo 100% lộ trình.
Không thể phủ nhận những ưu điểm tuyệt vời của việc đi du lịch theo nhóm nhưng những bất lợi của nó bạn cũng nên tính đến. Một trong những trường hợp đó là việc dường như rất khó để có những bứt phá ngoạn mục do sự cao hứng của bạn làm nên.
Đôi khi, điểm đến trên thực tế lại không hấp dẫn như những gì trên mạng hay Facebook nói tới mà sự thú vị lại nằm ở một địa điểm không hề có trong lịch trình và chưa từng được tính toán đến. Nhưng nếu đi theo nhóm, việc thay đổi sang địa điểm mới thường khó được số đông “thông qua”.
Nếu đi một mình, hoặc đi với một người bạn hợp cạ, bạn hoàn toàn có thể thay đổi ngay tức khắc và nhiều khi việc làm mạo hiểm này lại mang tới những trải nghiệm bất ngờ. Trong trường hợp không tìm được người bạn đồng hành thích hợp thì thực sự là một điều đáng tiếc.
6. Bạn đồng hành đôi lúc khiến ta áp lực.
Chấp nhận sự khác biệt về tính cách của nhau là việc đương nhiên khi quyết định tham gia du lịch theo nhóm. Mặc dù vậy, bạn vẫn nên tránh những người đồng hành có một số tính cách không thực sự phù hợp. Trong đó, tuýp người dễ bị ái ngại hơn cả là những người có tính cách thích chỉ đạo.
Trước mỗi khó khăn, khúc mắc, khi mọi người đang cố gắng bàn bạc và đưa ra quyết định đúng đắn nhất thì những người này thường cố gắng có tiếng nói lớn hơn, muốn lấn át tất cả bằng ý định của mình và chỉ muốn làm những điều mình muốn. Điều này khiến các thành viên trong đoàn cảm giác dường như chuyến đi là của người đó chứ không còn là một chuyến đi của tập thể.