1. Cháy nắng
Cháy nắng, đen da là mối băn khoăn của khá nhiều bạn, đặc biệt là những bạn mới bắt đầu với bộ môn leo núi, trekking này. Vì sợ cháy nắng, sợ đen, sợ xấu mà nhiều bạn ngần ngại không dám tham gia. Nhưng hãy yên tâm vì đây là điều thường gặp nhưng rất dễ phòng chống khi đi leo núi. Chỉ cần che chắn cẩn thận, thoa kem chống nắng (nếu sợ bạn có thể cứ cách vài tiếng thì thoa kem chống nắng 1 lần), ngoài ra bạn có thể xem xét sử dụng áo tay dài, hoặc bao ống tay chống nắng, mũ rộng vành,…..
2. Phồng rộp
Những yếu tố chính gây ra các vết phồng rộp là sự cọ sát, hơi nóng, ẩm ướt và bụi bẩn. Vết phồng rộp thường xuất hiện khi bạn đi bộ đường dài, leo núi, chạy bộ hay trượt tuyết,… Nguyên nhân chính thường là do chọn không đúng giày, không đúng cỡ giày cũng như chọn sai tất, tất cả điều này dẫn đến sự cọ sát liên tục giữa chân, tất và giày đồng thời do chân hoạt động liên tục và không được thả lỏng trong thời gian dài, từ đó tạo nên các vết phồng rộp.
Để hạn chế phồng rộp, bạn có thể ứng dụng một số biện pháp sau:
- Chọn đúng size giày
- Sử dụng tất/ vớ phù hợp
- Làm quen với giày trước khi chính thức bắt đầu chuyến trekking
- Giữ cho chân bạn luôn khô ráo
Nếu lỡ chân bị phồng rộp trong khi đi leo núi thì phải làm sao?
- Có những biện pháp như băng vết phồng bằng gạc êm mềm để bảo vệ vết phồng
- Sử dụng thuốc bôi hoặc phấn để giúp chân khô ráo và giảm ma sát
- Đặc biệt lưu ý đừng cố gắng làm vỡ vết phồng ra nhé, vì như vậy sẽ dễ bị nhiễm trùng, làm cho tình hình càng nặng hơn.
Nếu bạn là một người có thù với những vết phồng rộp, kỳ nào đi cũng không thoát khỏi nó thì hãy tham khảo cụ thể hơn ở bài viết sau nhé! – Mẹo hạn chế phồng rộp khi đi leo núi – trekking.
3. Côn trùng đốt – ong đốt
Đi vào rừng thì làm sao có thể tránh khỏi sự tấn công của côn trùng, sơ sơ thì là muỗi, xui hơn thì là ong. Mà muỗi rừng cũng không phải dạng vừa, có thể nói đó là những con muỗi “thành tinh”, vết cắn có thể gây ngứa và để lại trên da bạn vết cắn to đỏ – nếu không xử lý đúng cách thì nó có thể hằn lại một thời gian khá lâu.
Để hạn chế muỗi chích và tránh ong chích bạn cần biết vài mẹo sau: Đầu tiên là đừng đứng quá lâu 1 chỗ, tránh những nơi bóng tối và ẩm ướt. Sử dụng trang phục có màu sáng (Vì màu tối sẽ thu hút sự tấn công của côn trùng). Và hãy nhớ mùi cơ thể và mồ hôi cũng là một trong những nguyên nhân thu hút muỗi đấy nhé!
Để phòng chống thì giải pháp tốt nhất vẫn là che chắn cẩn thận, sau đó là sử dụng các biện pháp chống muỗi cơ bản như xịt đuổi muỗi, vòng tay chống muỗi, móc khóa chống muỗi, kem chống côn trùng và thuốc giảm đau đề phòng trường hợp ong đốt nhé!
Để xử lý vết ong chích: Đầu tiên bạn cần loại bỏ ngòi, sau đó sử dụng thuốc bôi chống ngứa hoặc thuốc giảm đau. Thật không may nếu bạn bị dị ứng với ong đốt, hãy đem thuốc dị ứng được kê theo đơn để phòng trường hợp này xảy ra nhé!
Để hiểu rõ hơn về côn trùng và cách xử lý những vết đốt, bạn có thể tham khảo tại đây nhé!
4. Vết vắt-đỉa cắn hoặc vết thương ngoài da chảy máu
Thời tiết nóng ẩm, địa hình ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi của những loại hút máu như vắt, đĩa. Mùa mưa kéo dài, đất đỏ trơn trượt tăng nguy cơ trượt ngã, hay đôi khi bị cây quẹt phải cũng có thể tạo ra vết xước chảy máu.
Cách tốt nhất để phòng tránh những chấn thương này là bạn hãy cẩn thận hơn, đặc biệt cẩn thận trên từng bước đi. Đặc biệt là những địa hình ẩm ướt, trơn trượt, đá rong rêu.
Vậy để tìm hiểu rõ hơn về vắt – đỉa cắn, cách phòng tránh và xử lý vết cắn bạn có thể tham khảo bài viết Những điều cần biết và cach phòng chống vắt cắn khi trekking, leo núi.
Đồng thời một sự thật đau lòng rằng những vết thương do trượt ngã hay xước bởi cành cây gây ra không nhiều bằng những vết thương do bản thân tự gây ra do vô tình mở vỏ con dao rồi cắt luôn vào tay, nên hãy đặc biệt cẩn thận nhé!
5. Chuột rút – căng cơ
Chuột rút, căng cơ là những cơn đau đột ngột và thắt chặt các cơ, khiến cho bạn không thể cử động được hoặc cử động rất khó ở phần cơ bị căng. Đối với những trekker, tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm chậm tiến độ của cả đoàn.
Để hạn chế chuột rút – căng cơ bạn cần khởi động trước chuyến đi, đồng thời chế độ tập luyện trước chuyến đi cũng vô cùng quan trọng.
Một số biện pháp xử lý căng cơ – chuột rút khi đang đi leo núi – trekking:
- Kéo căng
- Xoa bóp
- Làm ấm
- Uốn cong chân
- Đi chân trần
Cụ thể từng phương pháp hãy tham khảo bài viết: Xử lý tình trạng chuột rút khi tham gia leo núi – trekking nhé!
6. Kích ứng da do ma sát
Đây cũng là một dạng chấn thương do ma sát, nguyên nhân chính là do phần da đó tiếp xúc ma sát liên tục với áo quần hoặc phần da khác. Dẫn đến tình trạng xuất hiện những mảng đỏ như phát ban, hơi sần lên. Hiện tượng này thường gặp ở khu vực cơ thể có nhiều nếp gấp, mồ hôi như nách, giữa 2 đùi,….
Sau khu sần đỏ nếu không được xử lý thì vết da kích ứng này sẽ tiếp tục được duy trì trong môi trường nóng ẩm, vi khuẩn dễ sinh sôi dẫn đến nhiễm trùng, sau đó là phồng rộp nặng hơn – sẽ khá là đau đấy!
Đối với loại chấn thương này thì việc ngăn ngừa sẽ dễ hơn xử lý rất nhiều. Để ngăn ngừa thì ta chỉ cần chọn áo quần phù hợp, thoáng mát, sử dụng chất chống mồ hôi. Hoặc nếu lỡ rơi vào trường hợp đã bị và cần xử lý thì bạn nên làm sạch vùng bị kích ứng, để kho sau đó sử dụng thuốc mỡ để giảm cọ sát.
7. Trật mắt cá
Nghe trật mắt cá bạn sẽ nghĩ tới việc bị trật khớp? – Sự thật thì không phải vậy, đây là một tình trạng tổn thương dây chằng, đứt (hoàn toàn hoặc không hoàn toàn) các sợi của dây chằng nối các xương ở khớp lại với nhau. Nguyên nhân là do di chuyển không cẩn thận, tiếp đất bằng chân sai tư thế khi tham gia các hoạt động thể thao, ở đây là đi leo núi, trekking. Việc trật mắt cá này rất dễ nhận ra, bạn sẽ đau buốt khi chấn thương bắt đầu, sau đó sưng và đau ở các vùng bị ảnh hưởng sẽ diễn ra nhanh chóng, kèm theo hoạt động của khớp bị hạn chế vì bạn sẽ cảm thấy đau trên từng bước đi.
Nói về cách xử lý khi bị trật khớp mắt cá sẽ rất khó, bởi đi thì tất nhiên phải dùng chân, bàn chân lại là bộ phận tiếp đất và chịu tác động của trọng lực cơ thể. Vì thế lỡ trật mắt cá thì đây quả thật là một chuyến đi địa ngục. Hãy về đích theo cách nhanh nhất có thể, nếu không có phương tiện thì hãy xử lý theo quy trình sau: Nghỉ ngơi một chút -> chườm lạnh nếu có -> Sử dụng băng hỗ trợ mắt cá để cố định và di chuyển một cách nhẹ nhàng cẩn thận dưới sự hỗ trợ của đồng đội.
Còn để phòng thì sẽ dễ hơn, đó là cẩn thận khi di chuyển, và nếu mắt cá của bạn yếu, có các bệnh lý từ trước thì hãy chuẩn bị một đôi băng hỗ trợ mắt cá để đảm bảo hơn nhé!
8. Chấn thương đầu gối
Khác với chấn thương mắt cá, việc chấn thương đầu gối ở đây không đề cập tới việc đứt dây chằng đầu gối, bởi chuyện đó rất khó xảy ra. Chấn thương đầu gối ở đây là việc yếu dây chằng đầu gối do di chuyển nhiều. Tức là hầu hết các bạn tham gia, đặc biệt là các bạn tham gia lần đầu và không có luyện tập thể lực trước thì sẽ gặp phải trường hợp này.
Ngày đầu tiên các bạn sẽ không cảm thấy gì, nhưng khi dần về cuối ngày cũng như ngày tiếp theo thì cảm giác mỏi và yếu khớp gối sẽ bắt đầu xuất hiện.
Để phòng chống và xử lý trường hợp này, ta cần có một chế độ luyện tập phù hợp trước chuyến đi một thời gian dài, tiếp theo đó là chuẩn bị cho mình một đôi băng hỗ trợ khớp gối (Hoặc một chiếc thôi nếu bạn chỉ yếu 1 bên), và gậy trekking – món phụ kiện hỗ trợ đắc lực để giảm áp lực trọng lượng lên đầu gối.
Và tất nhiên là bạn phải di chuyển cẩn thận rồi.
9. Mất nước
Hiện tượng mất nước sẽ thường gặp ở những chuyến đi có thời tiết nắng nóng. Bạn không uống đủ nước và bù đủ khoáng, mà cơ thể lại thoát nước nhanh làm bạn rơi vào tình trạng say nắng từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Các triệu chứng của mất nước bạn sẽ gặp là: Chóng mặt, buồn nôn, chuột rút, cảm giác mệt mỏi, uể oải.
Cách xử lý: Hãy tìm ngay bóng cây gần nhất và đề nghị mọi người nghỉ chân. Làm mát cơ thể bằng tất cả những gì có thể. Và đừng quên bổ sung khoáng để bù vào lượng đã mất.
Cụ thể hơn hãy tham khảo tại đây nhé: Hiện tượng mất nước khi đi trekking và cách xử trí.
10. Kiệt sức
Là một mức độ nghiêm trọng hơn của hiện tượng mất nước. Nhưng nó đến từ nhiều lý do hơn: Kiệt sức do thiếu nước, kiệt sức do đói và kiệt sức do không đủ thể lực.
Để giải quyết vấn đề này thì hãy đi từ nguyên nhân của nó, kiệt sức do mất nước thì xử lý như mục 9. Kiệt sức vì đói thì hãy bổ sung năng lượng ngay khi bạn muốn ăn nó, đừng đợi đến đói, cũng không cần đợi đến bữa, chỉ cần là bạn cảm giác mình muốn ăn thì hãy ăn để bổ sung năng lượng – và một gợi ý hoàn hảo đó là gel năng lượng, kẹo năng lượng, hay là socola chẳng hạn.
Cái khó giải quyết nhất là thiếu thể lực, nhưng lại dễ phòng tránh nhất. Chỉ cần bạn có một chế độ tập luyện hợp lý trước chuyến đi. Còn nếu lỡ lười rồi thì đừng cố gắng quá sức, đừng xung quá khi chỉ mới bắt đầu, hãy cứ từ từ di chuyển để còn chừa sức cho phía cuối hành trình.