1. Tại sao cần phơi khô quần áo trong những chuyến leo núi, cắm trại
Có muôn kiểu lý do khiến áo quần của bạn bị ướt như đã nói trên, cho dù là vô tình, cam chịu hay cố ý thì ta vẫn phải làm khô áo quần trước trước khi xếp chúng vào balo, bởi 1 số lý do sau:
- Nếu quần áo ướt mà chưa kịp thay thì hãy làm chúng bớt nước trước khi tiếp tục di chuyển, vì chắc chắn bạn không muốn kéo lê một bộ trang phục đang nặng trịch nước, chưa kể còn có nguy cơ bị cảm lạnh nếu tình trạng ướt kéo dài.
- Áo quần ướt sẽ nặng, làm nặng hành lý của bạn, chưa kể nếu bao bọc không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến những món đồ đặt quanh nó trong balo.
- Áo quần ướt có lẫn mồ hôi, nếu để nó vẫn ướt hoặc ẩm và xếp vào balo thì sẽ dẫn đến một cái kết thật “có mùi”.
2. Cách phơi khô quần áo nhanh chóng khi đi trekking, leo núi
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ khô của áo quần, trong đó có 3 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là:
Độ ẩm không khí: Thường áo quần sẽ ướt sau những cơn mưa kéo dài, lúc này thì độ ẩm không khí sẽ tăng cao. Việc bốc hơi nước trên áo quần sẽ khó khăn hơn. Trường hợp này ta sẽ dựa vào 2 yếu tố còn lại để giúp quần áo nhanh khô hơn.
Nhiệt độ: Nhiệt độ tính cả nhân tạo và tự nhiên đều có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ khô của áo quần. Bạn có thể phơi áo quần vào 1 buổi chiều nắng, hoặc nhiệt độ nhân tạo như một đống lửa được đốt vào buổi tối.
Diện tích tiếp xúc bề mặt: Trải áo quần càng rộng, tốc độ khô càng nhanh – tất nhiên rồi. Đừng cuộn tròn áo quần ướt như một quả bóng rồi hỏi tại sao không khô nhé!
Vào những ngày mưa:
Vào những ngày “mưa dầm mưa dề” – mưa như đem mặt trời đi giấu thật kỹ. Sự thật thì khó mà có thể phơi khô hoàn toàn trang phục dã ngoại của bạn nếu thời tiết như thế này. Tất cả những gì bạn có thể làm là cố gắng làm cho chúng đỡ ướt nhất có thể.
Để có một không gian phơi đồ những ngày mưa thì bạn cần đem theo tăng che mưa, hoặc nếu cửa lều của bạn đủ không gian cho việc phơi áo quần thì đây cũng là một ý tưởng không tệ. Việc trời mưa dẫn đến độ ẩm không khí tăng cao, tiếp đó là sự ngưng tụ sương lúc về đêm. Chính vì thế một tấm tăng che là thật sự cần thiết nếu bạn không muốn áo quần của bạn trở nên ướt hơn vào sáng hôm sau.
Bạn có thể chọn phơi quần áo khi trời tạnh mưa, tuy không có nắng nhưng gió sẽ làm nó khô đi phần nào.
Bên cạnh đó đừng quên mang theo vài chiếc túi Zip, hoặc xịn hơn là túi khô chuyên dụng để chứa đồ nếu nó không kịp khô, việc này giúp đảm bảo áo quần và vật dụng khác trong balo không bị ẩm ướt khi để gần nhau.
Cũng đừng quên bảo vệ túi ngủ và những vật dụng không thể ướt như đồ điện tử, áo quần để thay,… khỏi nước mưa – sẽ thật tệ nếu cả túi ngủ mà cũng bị ướt đấy!
Vào những ngày may mắn với ánh nắng:
May mắn hơn là trời mưa nhưng nắng sẽ tới, hay bạn bị ướt bởi một dòng suối mát chứ không phải do trời mưa. Vậy thì quá dễ rồi, ánh nắng là điều kiện thuận lợi nhất để làm khô áo quần, hoặc cho dù khi nắng đã tắt thì việc độ ẩm thấp cũng tạo điều kiện cho quần áo của bạn khô nhanh – mặc dù phơi vào ban đêm. Tất cả những gì bạn cần làm là treo quần áo lên và đợi nó khô thôi.
Hoặc bạn có thể lựa chọn phơi quần áo lên balo trong lúc di chuyển, nhưng hãy phơi nó trên lớp áo mưa cho balo để đảm bảo nó không làm ướt balo, cũng như vật dụng bên trong.
Vào cả ngày mưa hay ngày nắng thì hong khô quần áo quanh đống lửa cũng là một biện pháp hiệu quả. Tuy nhiên cần chú ý mức độ cháy của lửa và khoảng cách phơi đồ. Khoảng cách tốt nhất là khoảng cách bạn có thể chịu được sức nóng của lửa khi ngồi đó. Gần quá thì sẽ có nguy cơ cháy xén, đồng thời ám mùi khói, ám mùi thức ăn gây cảm giác khó chịu.
Và điều cuối cùng là cho dù trời mưa hay nắng, độ ẩm thấp hay cao thì khi phơi áo quần bạn phải trải nó ra để diện tích tiếp xúc bề mặt là lớn nhất, chỉ như vậy quần áo mới khô được nhanh nhất.
Đồng thời nếu ướt áo quần thì đôi giày cũng sẽ cùng chung cảnh ngộ. Hãy tham khảo mẹo làm khô giày khi đi leo núi, trekking nhé!
3. Một số lưu ý khác
Ngoài ra còn có một số mẹo phơi áo quần, vài điều lưu ý để phơi khô áo quần khi đi leo núi, trekking:
- Đừng quên vắt thật khô áo quần trước khi phơi (Tức là vắt cho tới khi áo quần ướt không thể vắt ra nước nữa).
- Sử dụng áo mưa hoặc áo chống thấm trong những ngày mưa để hạn chế ướt áo quần.
- Quần áo dự phòng hãy bỏ nó vào túi khô hoặc túi Zip để đảm bảo nếu có lỡ rơi balo xuống suối thì cũng có quần áo để thay, và cả đồ dùng điện tử nữa nhé!
- Kiểm tra thời tiết trước chuyến đi để tránh những ngày mưa.
- Phải lưu ý khoảng cách nếu phơi quanh đống lửa
- Có thể sử dụng đá rửa sạch, để quanh đống lửa cho nóng sau đó chườm lên áo quần như một bàn ủi tự chế, lưu ý coi chừng bỏng tay nhé!
- Thay vì đá nóng bạn có thể sử dụng chai nước đổ nước nóng vào (bình phải chịu được nhiệt độ cao nhé), nhưng hiệu quả sẽ không bằng đá nóng đâu.
- Tương truyền rằng bỏ áo quần vào túi ngủ sẽ giúp làm ấm túi ngủ trong những ngày lạnh. Nhưng đừng dại dột mà bỏ áo quần ướt vào đí nhé.
- Sử dụng áo quần nhanh khô sẽ giúp bạn đẩy nhanh quá trình phơi khô của quần áo. Tốt nhất hãy sử dụng những loại áo quần nhanh khô chuyên dụng cho trekking, leo núi để bạn có thể phơi khô quần áo nhanh nhất. Nếu bạn không muốn đầu tư quá nhiều vào trang phục thì có thể chọn sẵn trong tủ áo của mình. Lưu ý rằng những loại vải tổng hợp luôn khô nhanh hơn vải len hay cotton. Độ dày của trang phục cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc phơi khô này.
- Bạn có thể sử dụng bread tags thay vì kẹp để phơi áo quần
- Đem theo dây dù để căng ra phơi áo quần nhé
- Cố gắng giăng áo quần rộng nhất, và cách xa nhau sao cho đủ thông thoáng để đẩy nhanh tốc độ khô áo quần.
- Vào 1 ngày nắng – phơi áo quần trên những tảng đá nóng cũng là một ý kiến không tệ.