Lũng Cú Hà Giang và những cột cờ nổi tiếng nhất Việt Nam

Nằm tại những địa điểm nổi tiếng ở Việt Nam, cột cờ Lũng Cú Hà Giang, Kỳ Đài Huế, Cột cờ Hà Nội… không chỉ là tọa độ check-in yêu thích của khách du lịch, mà còn là nơi lý tưởng để bạn khám phá lịch sử dân tộc.

Cột cờ Lũng Cú Hà Giang

Cột cờ Lũng Cú Hà Giang

Ảnh: Báo Dân Trí

Nằm trên đỉnh núi Rồng, cột cờ Lũng Cú là địa điểm nhất định phải check-in của hầu hết du khách du lịch Hà Giang. Công trình thiêng liêng nơi điểm cực Bắc đất nước này có lịch sử rất lâu đời và trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo có hình bát giác, cao 33.15m, xung quanh thân cột gắn hình tám mặt trống đồng Ðông Sơn, dưới chân cột cờ là tám tấm phù điêu minh họa cho các thời kỳ lịch sử của đất nước. Diện tích của lá quốc kỳ là 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam đang tung bay trong gió – biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Bước qua 839 bậc đá, đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt thấy cả một vùng giang sơn cẩm tú của Việt Nam. Một cảm giác đầy tự hào, xúc động đến khó tả khi được chạm tay vào cột mốc quốc gia nơi cực Bắc biên cương được mệnh danh là “Nóc nhà” của Việt Nam.

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội (hay Kỳ đài Hà Nội) là một trong những công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất thuộc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận năm 2010. Mang trong mình những dấu ấn lịch sử gắn liền với những ký ức hào hùng của dân tộc, di tích lịch sử, văn hóa này hiện đang là một điểm tham quan không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế mỗi khi du lịch Việt Nam, du lịch Hà Nội.

Toàn bộ cột cờ Hà Nội cao hơn 33m, tính cả trụ treo cờ thì là 44m. Ở đây được tham quan cả khu ngoài trời và trong nhà. Ở bên trong rất rộng rãi, thoáng mát, trưng bày súng và những tượng của những người anh hùng. Các tầng đế Cột cờ có hình vuông, nhỏ dần lên trên, chồng lên nhau, xung quanh ốp gạch. Bố cục cân đối ấy đã tạo lên những đường nét thẳng, vững vàng cho cột cờ Hà Nội.

Cột cờ Nam Định

Cột cờ Nam Định

Cột cờ Nam Định là di tích quốc gia ở TP Nam Định. Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh Nam Định, công trình được hoàn thành năm 1843 dưới thời Nguyễn, nằm ở trung tâm thành cổ Nam Định. Từng bị đạn bom phá hủy, Cột cờ Nam Định được phục dựng theo đúng nguyên trạng vào năm 1997. Đây là một trong 4 kỳ đài được xây dựng vào đầu thời Nguyễn, gồm Kỳ đài Kinh thành Huế (1807), Kỳ đài Hà Nội (1812) và Kỳ đài Thành Bắc Ninh (1838).

Trong 2 lần thực dân Pháp đánh chiếm Thành Nam vào các năm 1873, 1883, Cột cờ là nơi diễn ra những trận chiến đấu kiên cường của quân và dân Thành Nam; nhiều người con quê hương đã anh dũng hy sinh, trong đó có anh hùng liệt nữ Nguyễn Thị Trinh. Sau khi mất, bà được Vua Tự Đức và Vua Thành Thái truy phong “Tiết liệt anh phong”, “Giám thương Công chúa” – Bà Chúa coi kho”, nhân dân Thành Nam suy tôn là Bản Cảnh Thành hoàng và lập miếu thờ tại Kỳ đài. Năm 1945, Cột cờ Nam Định là nơi cắm lá cờ đỏ sao vàng, khẳng định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Nam Định. Cột cờ cao 23.84m, xây bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm có kích thước vì thế từ xa ta đã nhìn thấy vẻ uy nghi của công trình. Trong thân cột cờ có cầu thang xoáy trôn ốc, gồm 54 bậc đi lên vọng canh, được chiếu sáng bằng 32 ô cửa sổ hình hoa thị của tám mặt thân cột cờ. Trên đỉnh Cột cờ có thể nhìn thấy những vùng núi, sông, cánh đồng của tỉnh Nam Định và 3 tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình.

Kỳ Đài Huế

Kỳ Đài Huế

Gắn liền với biến cố thăng trầm suốt chiều dài lịch sử cùng với vẻ đẹp độc đáo về kiến trúc, Kỳ Đài là một trong những địa điểm du lịch Huế nổi tiếng thu hút rất nhiều du khách ghé thăm và là địa điểm check-in yêu thích của mọi du khách. Công trình kiến trúc này thuộc quần thể di tích Hoàng thành Huế và là biểu tượng quyền lực triều nhà Nguyễn.

Kỳ Đài nằm chính giữa mặt nam Kinh thành Huế, được xây đầu thời vua Gia Long. Theo tư liệu của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, công trình gồm 2 phần: đài cờ đồ sộ 3 tầng hình chóp cụt chồng lên nhau, cao hơn 17m; cùng cột cờ cao gần 40m.

Ngày nay, nhằm góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch Huế, nên Kỳ Đài thường diễn ra hoạt động “Thắp sáng Kỳ Đài” mỗi đêm sau 19h. Cụ thể, 1.000 chiếc đèn led với công nghệ hiện đại, đã được bố trí xung quanh Kỳ Đài Huế sẽ được bật lên, khiến không gian nơi đây trở nên lung linh và huyền ảo. Ngoài ra, các khẩu Thần công dựng trên Kỳ Đài Huế cũng sẽ được “tái” khai hỏa, mang đến những trải nghiệm thú vị cho các du khách đến đây tham quan.

Cột cờ Hà Nội đất mũi Cà Mau

Cột cờ Hà Nội đất mũi Cà Mau

Nằm giữa không gian bao la của những cánh rừng đước bạt ngàn, biểu tượng cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi Cà Mau sừng sững vươn mình ra biển lớn. Công trình này, không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử, thể hiện tình cảm gắn bó của người dân Thủ đô Hà Nội với quê hương Cà Mau mà còn là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, khi đặt chân đến điểm cuối cùng cực Nam của Tổ Quốc.

Kiến trúc của cột cờ gồm 3 tầng, phần đế và phần thân cột cờ mô phỏng về cơ bản cột cờ tại thủ đô Hà Nội, có chiều cao khoảng 45m, được xây dựng kiên cố, bền vững, có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của nước biển. Công trình có công năng sử dụng đa năng, có khu vực phục vụ biểu diễn lễ hội, có thang dẫn lên kỳ đài phục vụ khách tham quan du lịch, có khu vực trưng bày hiện vật và tư liệu lịch sử. Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau còn là bảo tàng thiên nhiên của Đất Mũi.

Nếu có dịp đi tour xuyên Việt khám phá 3 miền đất nước, bạn nhất định đừng bỏ qua các các cột cờ nổi tiếng này nhé.

Nguồn: travel.com.vn
Bài viết liên quan
Gọi ngay
Chat với chúng tôi qua Zalo

HOTLINE HỖ TRỢ

TOUR TRONG NƯỚC 085.863.88.66

TOUR NƯỚC NGOÀI 085.863.88.66

TOUR KHÁCH ĐOÀN 085.863.88.66

CHO THUÊ XE 085.863.88.66

VÉ MÁY BAY 085.863.88.66

TEAMBUILDING/EVENT 085.863.88.66