Theo Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), để đạt được hiệu quả tối đa khi sử dụng kem chống nắng, hãy tuân theo chỉ dẫn trên nhãn sản phẩm như sau:
- Thoa kem chống nắng trước khi ra nắng 15 phút
- Thoa lại kem chống nắng (a) sau 40 hoặc 80 phút bơi lội hoặc đổ mồ hôi, ngay sau khi lau người bằng khăn và (c) sau tối thiểu mỗi 2 giờ.
Bài viết sau đây sẽ chia sẻ với bạn về cách sử dụng kem chống nắng sao cho hiệu quả. Để biết loại kem chống nắng bạn nên sử dụng, tham khảo tại bài viết: Hướng dẫn lựa chọn kem chống nắng
THỜI ĐIỂM VÀ LƯỢNG KEM CHỐNG NẮNG SỬ DỤNG
Khi nào bạn nên thoa kem chống nắng? 15 phút trước khi ra nắng. Theo Tiến sĩ John Wolf, trưởng khoa Da liễu, Đai học Y Baylor, Texas, “Khi để kem chống nắng bám chặt với da thì nó sẽ có tác dụng lâu hơn và rất khó bị trôi đi”.
Bạn nên sử dụng bao nhiêu kem chống nắng? Đừng tiết kiệm: Hãy thoa kem lên tất cả các vùng da tiếp xúc với ánh nắng với một lượng khoảng 28 gram – kích thước bằng khoảng quả bóng gôn. Thoa được lên một vùng da rộng bao nhiêu? Điều này tùy thuộc từng người. Người có thân hình cao khi mặc quần short có thể sẽ cần nhiều kem chống nắng hơn cho vùng chân tiếp xúc với ánh nắng (đặc biệt là đầu gối và bắp chân). Đừng quá tiết kiệm kem chống nắng. Nếu thoa kem quá mỏng sẽ làm giảm hiệu quả chống nắng của kem. Một lớp kem chống nắng SPF 30 quá mỏng có thể chỉ có tác dụng chống nắng như loại kem SPF 5 hoặc 10.
TS. Wolf chia sẻ thêm: “Tôi thường khuyên mọi người nên thoa một lượng kem đáng kể”. “Vậy lượng đáng kể là bao nhiêu? Tốt nhất là bạn nên dùng một lượng lớn kem và bôi dày, đó là những gì mà người Úc khuyên trong chiến dịch phòng chống khối u hắc tố (melanoma) [Một loại ung thư da phổ biến tại Úc]”.
Sau bao lâu bạn nên thoa lại kem chống nắng? Theo lời khuyên từ FDA: sau mỗi 2 giờ. Tuy nhiên, TS. Wolf phải thừa nhận rằng những người tham gia hoạt động ngoài trời rất hay bỏ qua bước thoa lại kem chống nắng sau một khoảng thời gian.
Ông cho biết “Có lẽ, hầu như không ai thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ như lời khuyên”. “Hầu hết mọi người đều thoa quá ít và thoa lượng kem không đủ”.
Tiến sĩ chia sẻ thêm: “Thực tế, da không bị rám nắng không có nghĩa là các tế bào DNA trên da sẽ không bị tổn thương.” “Cháy nắng chỉ là một bằng chứng về tổn thương da. Các Tia UVA có thể xuyên sâu vào da và có thể làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bạn”.
TRẺ NHỎ VÀ KEM CHỐNG NẮNG
Trẻ dưới 6 tháng tuổi? Che cho trẻ bằng bóng râm chứ không phải kem chống nắng. Các bác sĩ nhi khoa tin rằng làn da của trẻ sơ sinh quá dễ hấp thụ các thành phần của kem chống nắng.
Trẻ trên 6 tháng tuổi? Có thể dùng mọi loại kem chống nắng. Tuy nhiên, trẻ thường thích dạng xịt hơn là dạng thoa. Kem chống nắng cho trẻ em thường có mùi thơm để hấp dẫn các em nhỏ, nhưng công thức sảm phẩm sẽ khác nhau tùy theo các độ tuổi.
Cũng theo tiến sĩ Wolf, “Tôi đặt một giỏ mỹ phẩm chống nắng cạnh hồ bơi, và thấy rằng các em nhỏ thực sự rất thích dùng dạng xịt.” “Tuy nhiên, nếu dùng dạng xịt thì sẽ rất lãng phí. Một ngày nọ, tôi đã khảo sát vấn đề này và thấy cháu gái của tôi dùng xịt chống nắng, cô bé xịt rất nhiều đến nỗi trông cô bé như đang đứng trong đám sương mù. Chỉ một nửa bám vào da và một nửa thì bay vào không khí.”
Tất cả mọi người, cả người lớn và trẻ em, đều nên tránh hít phải sương từ các sản phẩm chống nắng dạng xịt.
TRANG BỊ CHỐNG NẮNG KHÁC
Quần áo? Hầu hết các bác sĩ da liễu đều cho rằng bóng râm và quần áo là “phương tiện” chống các tia UV hiệu quả nhất. Tuy nhiên, kem chống nắng là người bạn không thể thiếu được với da mặt, cổ và tay. Để tránh bị tác động nhiều nhất từ ánh nắng mặt trời, không nên đi dưới trời nắng từ 10:00 đến 14-16:00 và nên sử dụng:
Mũ: các loại mũ có vành. Mũ rộng vành có thể không phù hợp với phong cách thời trang của nhiều người nhưng nó sẽ giúp bảo vệ đôi tai của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử dụng khăn đa năng (khăn buff) chống tia UV.
Kính râm: Kính râm loại tốt có thể chặn 100% tia UVA và UVB. (Những loại kính rẻ tiền thường chỉ làm bằng nhựa tối màu và không có tác dụng chặn các tia UV). Kính mắt loại giúp bảo vệ mắt khỏi ánh sáng bên ngoài.
Trang phục chống nắng: Tất cả các loại vải có chỉ số UPF đều có cấu trúc vải chặt chẽ hoặc tối màu để bảo vệ làn da. Những người sống trên sa mạc đã tin dùng áo tunic và mũ trùm đầu trong hàng thập kỷ.
Son dưỡng (Lip balm): Đây là một sản phẩm chống nắng dạng sáp. TS Wolf cho biết: “Son dưỡng sẽ lưu lại trên môi lâu hơn kem.” “Ngoài ra, son dưỡng cũng có mùi thơm hơn.”
>>> Để biết thêm thông tin về trang phục chống nắng, tham khảo tại WeTrekology bài viết: Những kiến thức cơ bản về trang phục chống nắng.
VẤN ĐỀ VỀ DA VÀ CÁC LOẠI DA
Nếu bạn có một làn da nhạy cảm, gặp các vấn đề về da hay các chứng dị ứng da thì sao? Tốt nhất là bạn nên lựa chọn mỹ phẩm chống nắng khoáng chất (mineral sunscreen) (chứa oxit kẽm hoặc titanium dioxide). Ngoài ra, bạn cũng nên ‘tránh xa’ những sản phẩm chứa cồn hoặc nước hoa.
Tất cả các loại da đều dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, những người da trắng (chẳng hạn như người Scandinavian) càng phải chú trọng bảo vệ da của mình.
Có 6 loại da theo Hệ thống phân loại da của Fitzgerald:
Loại da | Ví dụ | Quá trình tiếp xúc với ánh nắng |
I | Da trắng; Người tóc đỏ, tàn nhang, người Ai-len/ Scot/ xứ Wales | Luôn luôn bị cháy nắng (sunburn). Không bao giờ bị rám nắng (suntan). Vô cùng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. |
II | Da màu trắng hoặc màu be; Người da trắng, tóc vàng, mắt xanh, người châu Âu | Dễ dàng bị cháy nắng. Rám nắng ở mức tối thiểu. Rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. |
III | Da màu be, màu trung bình | Cháy nắng ở mức trung bình Rám nắng dần dần thành màu nâu vừa. Ít nhạy cảm với ánh nắng mặt trời |
IV | Da màu nâu sáng; Người Châu Âu – Địa Trung Hải | Cháy nắng ở mức tối thiểu. Rám nắng tốt sang màu nâu vừa. Ít nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. |
V | Da màu nâu vừa; Người Trung Đông, một số gốc Tây Ban Nha, một số người Mỹ gốc Phi | Hiếm khi bị cháy nắng Rám nắng nhiều, chuyển sang màu tối. |
VI | Da màu nâu sẫm hoặc đen; người Mỹ gốc Phi | Không bao giờ bị cháy nắng, Rám nắng nhiều |
NHỮNG YẾU TỐ KHÁC
Những yếu tố khác ảnh hưởng đến các mức độ bảo vệ khỏi các tia UV:
- Độ cao: Càng lên cao thì bầu khí quyển càng mỏng (và càng ít các loại khí ức chế tia UV chứa trong bầu khí quyển). Ước tính bức xạ UV tăng 4% khi lên cao mỗi 300 mét. Do vậy, càng lên cào thì bạn càng phải thoa kem chống nắng và chịu khó thoa lại sau một khoảng thời gian.
- Vĩ độ: Cường độ ánh nắng mặt trời sẽ lớn hơn khi gần đường xích đạo hoặc gần hai cực trái đất. Ngoài ra, cường độ ánh nắng mặt trời cũng lớn hơn ở các khu vực gần vĩ độ trung vào mùa hè.
- Mồ hôi: Mồ hôi do nhiệt độ, độ ẩm hoặc hoạt động mạnh có thể làm giảm tác dụng của kem chống nắng.
- Độ cọ sát: Thám hiểm rừng sâu (Bushwhacking) hay các cuộc leo núi thường đồng nghĩa với việc làn da của bạn sẽ phải cọ sát với các bề mặt khác. Ngoài ra, lau người sau khi bơi bằng khăn tắm cũng làm trôi lớp kem chống nắng. Hãy nhớ thường xuyên thoa/ xịt lại sau một khoảng thời gian.
- Chỉ số UV (Ultraviolet Index – UVI): UVI là một thang đánh giá – từ 0-2 (mức thấp; màu xanh lá trên thang màu UVI) đến 11+ (rất cao; màu xanh-tím) – cho biết cường độ các tia UV chiếu xuống trái đất. Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ – EPA có thể cung cấp các dự báo UVI theo khu vực.
- Kem chống nắng + thuốc chống côn trùng: Sử dụng cùng lúc hai loại sản phẩm này sẽ làm giảm tác dụng của cả hai sản phẩm.
- Mẹo: Thoa kem chống nắng 15 phút trước khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Dùng thuốc chống công trùng sau khi bắt đầu tham gia hoạt động.
THỜI HẠN SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN KEM CHỐNG NẮNG
Nhà sản xuất ghi hạn sử dụng kem chống nắng trên nhãn hoặc vỏ hộp sản phẩm. Bạn nên sử dụng kem chống nắng trong vòng 3-4 năm kể từ khi mua hoặc có thể lâu hơn nếu độ mịn của kem không bị thay đổi. Bảo quản kem chống nắng nơi khô mát. Nhiệt độ có thể làm giảm hiệu quả của các thành phần hoạt tính trong kem chống nắng. Tránh để ở cốp ô tô hoặc trong hộp kín vào mùa nóng.
CÁCH ĐIỀU TRỊ LÀN DA BỊ CHÁY NẮNG
Sau đây là lời khuyên của Viện Da liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology) và Tổ chức chống ung thư da (Skin Cancer Foundation):
- Tránh ánh nắng mặt trời. Nếu phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu, hãy che chắn làn da hoặc đứng dưới bóng râm. Da bị cháy nắng thường biểu hiện rõ sau 4 – 6 giờ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Làm mát. Hãy đi tắm. Phủ một chiếc khăn ẩm và lạnh lên vùng da bị cháy nắng vài lần một ngày.
- Làm ẩm da. Dùng kem dưỡng da chứa Lô hội, vitamin C hoặc vitamin E. Sử dụng kem dưỡng có cortisol tổng hợp (hydrocortisone) trong 1 – 2 ngày để giảm cảm giác khó chịu. Tránh dùng xịt hoặc kem chứa dầu (petroleum), benzocaine hoặc lidocaine (chất dễ gây kích ứng da). Có thể dùng kem chứa ibuprofen nếu vùng da bị rám nắng có cảm giác khó chịu.
- Uống đủ nước. Cháy nắng sẽ lấy đi độ ẩm của cơ thể thông qua làn da bên ngoài. Hãy nhớ uống đủ nước.
- Không ‘can thiệp’. Không được chọc thủng những vết phồng rộp trên da, nếu không bạn có thể sẽ bị nhiễm trùng.
LIỆU CÓ PHẢI CỨ TIẾP XÚC VỚI ÁNH NẮNG MẶT TRỜI LÀ KHÔNG TỐT?
Cơ thể con người cần Vitamin D, Vitamin D có thể được bổ sung từ khẩu phần ăn hằng ngày hoặc từ ánh nắng mặt trời. Ánh nắng mặt trời cũng là một cách kích thích quá trình sản xuất serotonin giúp thúc đẩy tâm trạng theo chiều hướng tích cực.
Joe Graedon, tác giả cuốn Hướng dẫn tự điều trị bằng thảo dược tại nhà (The People’s Pharmacy Guide to Home and Herbal Remedies), nói về lợi ích của Vitamin D và liệu chúng ta có nên hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời: “Vitamin D có thể làm giảm nguy cơ của nhiều loại ung thư, và rất hữu ích trong việc giảm nguy cơ viêm xương khớp. Vitamin D vô cùng quan trọng…. Bạn nên tắm nắng 10-15 phút khoảng 3-4 lần/tuần. Điều này không những không làm tổn hại làn da của bạn mà còn giúp cơ thể bạn hấp thụ đủ Vitamin D.”