Có rất nhiều yếu tố bạn cần phải cân nhắc khi lựa chọn đâu là chiếc quần dài phù hợp để bạn sử dụng khi đi bộ leo núi. Bài viết dưới đây sẽ nêu ra một số những đặc điểm, những vấn đề bạn cần chú ý để biết được liệu một chiếc quần đi bộ leo núi có đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bạn.
Các loại quần dài đi bộ leo núi
Tất cả các loại quần dài được nêu ra dưới đây được thiết kế để bạn có thể sử dụng trong những chuyến đi bộ leo núi, dã ngoại dài ngày và trong nhiều dịp khác, chẳng hạn, đơn giản như khi đi cắm trại bằng ô tô, đi du lịch. Mặc dù vậy, nói chung, chúng ta có thể chia quần đi bộ leo núi thành một số loại dựa trên các thiết kế riêng biệt của chúng. Một trong số các tính năng chủ yếu bạn cần cân nhắc khi mua quần dài chuyên dụng cho đi bộ leo núi, đó là liệu có nên mặc một chiếc quần tháo ống, hoặc cuộn ống lên thành quần lửng, hay chỉ nên trung thành với quần dài hoặc quần short truyền thống. Có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau từ những người đi bộ leo núi có kinh nghiệm. Dưới đây, WETREK.VN sẽ đưa ra những mô tả chi tiết hơn, bao gồm ưu và nhược điểm của từng loại quần dài.
Quần dài cơ bản (Standard pants)
Quần dài cơ bản chính là loại quần bạn thường thấy. Chúng có 2 ống dài làm bằng chất liệu vải để có thể xỏ 2 chân vào, thường thì sẽ dài qua mắt cá chân một chút và có đai khá chặt ở quanh hông. Quần dài là một sự lựa chọn tuyệt vời cho việc đi bộ leo núi bởi nó sẽ giúp bạn giữ ấm tốt hơn là quần short và nó giúp bạn bảo vệ đôi chân khỏi bị cây cối hay đá làm trầy xước, khỏi ánh nắng mặt trời hay gió rét. Nhưng thường thì những chiếc quần dài thường không đáp ứng đủ sự linh hoạt trong cân bằng nhiệt cho người sử dụng. Cũng không có gì sai khi mặc một chiếc quần dài bình thường khi đi bộ leo núi, nhưng bạn cũng nên cân nhắc đến những chiếc quần khác dưới đây, chúng hữu ích hơn mà lại vẫn có cùng trọng lượng như vậy.
Quần dài tháo ống (Convertible pants)
Quần dài tháo ống là một loại quần dài có thêm một chiếc khoá kéo ở mỗi ống quần, thường ở trên đầu gối, nó cho phép bạn mở khoá và bỏ phần ống quần ở dưới ra để thành quần short. Có rất nhiều những người đi bộ leo núi ưa thích tính linh hoạt của những chiếc quần này thay vì khiến chiếc ba lô của mình nặng hơn. Trong những chuyến đi dã ngoại qua đêm, hiếm khi nào mà ta không cần đến một chiếc quần dài khi mà thời tiết buổi tối trở nên lạnh hơn. Phải công nhận rằng, những chiếc quần dài có thể chuyển đổi hình dáng có tính linh hoạt rất cao. Nếu phần dưới của ống quần bị bẩn, bạn có thể bỏ chúng ra và giặt mà không cần phải cởi cả chiếc quần dài ra. Tương tự như vậy, bạn cũng có thể kéo một nửa chiếc khoá để tạo ra lỗ thông hơi, hoặc có thể cởi phần ống quần dưới ra và quấn quanh mắt cá chân thay cho xà cạp.
Mặt khác, rất nhiều người nhận thấy rằng, ngay cả khi họ có chiếc quần dài tháo ống, họ vẫn luôn cất phần ống dưới trong ba lô mà không lấy ra dùng, bởi họ nhận thấy việc sự phiền phức trong việc mặc và cởi phần ống quần đó đôi khi còn lớn hơn lợi ích mà nó đem lại, đặc biệt là khi họ cũng phải cởi cả giày để thay đổi từ quần dài thành quần ngắn và ngược lại. Với những người đi bộ leo núi có xu hướng hoặc mặc quần dài hoặc quần short trong suốt cả chuyến đi thì quần tháo ống là không cần thiết. Bên cạnh đó, những chiếc khoá kéo cũng làm gia tăng trọng lượng. Một chiếc quần dài tháo ống có thể sẽ nặng hơn một chiếc quần gió hay quần short chuyên dụng cho đi bộ leo núi, vì vậy khiến cho tính đa năng trở nên không cần thiết. Những nhược điểm khác của chiếc quần này đó là dựa vào cấu trúc của một số loại quần, vạt khóa có thể bị phồng lên, khiến cho chiếc quần “trông như” hoặc có một đường may lồi lên dọc đùi, hoặc có một chiếc khóa ở mép dưới của chiếc quần short. Tùy theo từng nhà sản xuất mà vấn đề này có thể được xử lý khéo léo đến mức độ nào.
Quần dài xắn lên (Roll-up pants)
Một sự lựa chọn khác đó là, có rất nhiều loại quần đi bộ leo núi theo kiểu xắn hay cài cúc phần ống quần ở dưới lên để thành kiểu quần lửng. Điều này có lẽ chỉ có thể giúp xoa dịu bớt cái nóng, ít phiền phức hơn, và hầu như không làm tăng thêm trọng lượng. Phải công nhận rằng, cách này có thể dùng được bất kỳ loại quần dài nào bằng cách đơn giản là xắn mép quần lên vài nấc.
Kích cỡ, sự vừa vặn và tính di động
Bạn nên tìm kiếm những chiếc quần vừa vặn nhất, nhưng không phải là quá chật. Có một số người ưa thích những chiếc quần rộng, lỏng để không bị co thắt lại, nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi, một chiếc quần quá thùng thình sẽ làm cho những phần vải thừa phồng lên, bay phấp phới, và đó là một điều thực sự sẽ khiến bạn khó chịu khi đang đi trên một quãng đường dài. Mặc một chiếc quần quá chật lại có thể khiến bạn bị nén, ép lại và còn có thể khiến chân bạn bị trầy xước. Các mẫu quần có phần đầu gối và phần đệm ở đũng quần nối liền với nhau sẽ đem lại tính di động tốt nhất và thoải mái nhất khi đi bộ. Những chiếc quần được làm bằng chất liệu co dãn, chẳng hạn như có thêm một tỷ lệ phần trăm nào đó của chất liệu Spandex sẽ giúp bạn cử động dễ dàng hơn và cảm thấy vừa vặn, thoải mái hơn.
Một điều đáng chú ý đó là quần mặc trong đi bộ đường dài thường có xu hướng căng và dãn ra khi bạn mặc chúng hàng ngày, hết ngày này qua ngày khác trong chuyến dã ngoại, điều có có nghĩa là chúng sẽ ngày càng rộng ra hơn. Thêm nữa, nếu bạn mặc chúng liên tục trong nhiều ngày khi phải đi bộ một quãng đường dài, rất có thể rằng trong khoảng thời gian đó cân nặng của bạn sẽ dao động, và chiếc quần sẽ không vừa vặn một cách hoàn hảo như lúc bắt đầu chuyến đi nữa. Đây là lý do tại sao bạn nên tìm mua một chiếc quần có thêm thắt lưng, dây rút hoặc vòng đai, bạn sẽ có thể dùng chúng để điều chỉnh độ vừa vặn.
Khí hậu và địa điểm
Yếu tố cuối cùng đóng vai trò quan trọng trong việc cân nhắc khi lựa chọn quần dài chuyên dụng để đi bộ leo núi, đó là loại khí hậu ở nơi bạn sẽ thực hiện chuyến đi của mình, hoặc khí hậu ở đó sẽ như thế nào. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những điều bạn nên chú ý với những điều kiện khí hậu và thời tiết nhất định.
Khí hậu nóng và khô
Sa mạc hay ở những nơi độ cao thấp vào mùa hè
Đi bộ đường dài ở sa mạc hay vào mùa hè có thể sẽ làm bạn rất khó để biết được nên chọn loại quần dài nào cho phù hợp. Một mặt, đôi khi cái nóng đến tột cùng sẽ làm bạn nghĩ đến việc đơn giản là mặc quần short. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải bảo vệ đôi chân mình khỏi ánh nắng mặt trời và gió, chứ chưa nói đến việc rằng bạn rất có thể gặp phải rất nhiều những chiếc lá sắc, có nguy cơ làm xước xát chân bạn, đặc biệt là khi bạn đang đi du lịch trong nhiều ngày và rất khó để tìm được nguồn nước. Trong những trường hợp này, quần dài tháo ống là một lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn. Vải trọng lượng nhẹ hơn sẽ hữu ích cho việc bảo vệ đôi chân mà quần lại không bị quá nặng. Một điều quan trọng nữa là bạn cũng cần cân nhắc tính thoáng khí cũng như màu sắc của chiếc quần đó (sẽ được đề cập kĩ hơn ở phần dưới). Nói chung, chúng ta thường có xu hướng mặc quần short khi đi bộ đường dài một ngày trong điều kiện nhiệt độ cao và nắng gắt, nhưng hãy nhớ rằng quần dài là một vật dụng hết sức quan trọng khi bạn đi bộ đường dài trong nhiều ngày.
Khí hậu mát hoặc ôn đới
Những nơi ở trên cao hoặc vào mùa xuân/mùa thu
Khi đi bộ đường dài vào mùa xuân và mùa thu, hay ở những vùng cao, chúng ta thường có xu hướng mặc quần dài để bảo vệ đôi chân khỏi lạnh và gió. Trong khi sẽ có thể có những lúc (hay những ngày) mà chúng ta cảm thấy nóng, thì chúng ta có thể giải quyết bằng cách đơn giản đó là xắn mép quần lên. Mặc một chiếc quần dài đơn giản nghĩa là trọng lượng sẽ ít hơn, ít phiền phức hơn và phải mang ít đồ hơn trong ba lô. Sẽ không có gì sai nếu ta lựa chọn một chiếc quần tháo ống trong trường hợp này, nhưng việc sử dụng chiếc quần đó cũng không đặc biệt là cần thiết. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận sự thực rằng, vào mùa xuân và thu, ở những nơi cao, chúng ta sẽ có nhiều khả năng gặp phải thời tiết ẩm ướt khi đi bộ đường dài hay đi dã ngoại. Dự báo thời thiết là một thành tố thiết yếu trong việc lựa chọn trang phục của chúng ta. Nếu bạn gặp phải bão hay mưa lớn, bạn không thể xem nhẹ khả năng chống thấm nước của chiếc quần để nó vẫn luôn khô ráo. Có một lớp DWR tốt là cần thiết để chống thấm nước, và loại vải làm từ ni-lông sẽ ít thấm nước hơn loại vải có chứa cotton.
Ẩm ướt
Đối với khí hậu thực sự ẩm ướt, hay trong những chuyến đi mà dự báo thời tiết nói rằng nơi đó sẽ bị mưa bão, chúng tôi khuyên bạn nên mang theo một chiếc quần mưa. Đó là một vật dụng có vai trò hết sức quan trọng khi gặp phải thời tiết lạnh bởi lạnh và ẩm ướt sẽ làm bạn rất dễ bị hạ thân nhiệt.
Lớp DWR và sự bảo vệ cơ thể trước thời tiết
Về việc bảo vệ cơ thể trước thời tiết, chúng ta cũng nên đề cập đến lớp DWR trên các loại quần chuyên dụng cho đi bộ leo núi. Một lớp DWR (Durable water repellant) được rất nhiều các nhà sản xuất phủ bên ngoài của các loại quần áo cho hoạt động ngoài trời để giúp chúng chống thấm nước. Đặc biệt là trong trường hợp quần áo chống thấm nước như áo khoác hay quần Hardshell, lớp DWR là cần thiết để giữ cho nước không bám vào mặt vải và như thế quần áo sẽ thoáng khí. Nếu không được xử lý, những chiếc quần được làm từ các loại vải không chống thấm, sẽ giữ nước, khiến bạn ướt sũng trong cơn mưa bão. Điều đáng chú ý là lớp DWR sẽ bị mòn dần đi theo thời gian, đặc biệt nếu bạn mặc chiếc quần đó để hoạt động mạnh, dễ mài mòn. Chúng tôi nhận thấy rằng lớp DWR thường có xu hướng bị mòn đầu tiên là ở khu vực xung quanh đầu gối và phần đùi dưới, trên mông. Một khi lớp DWR bắt đầu bị mòn đi, bạn sẽ cần phải sử dụng các sản phẩm bổ sung lớp chống thấm này cho chiếc quần của bạn.
Hãy nhớ rằng, những chất liệu đó không tự nhiên chống bám nước, nên một lớp DWR là thứ duy nhất có thể giữ cho quần áo không bị ngấm nước mưa. Trong hầu hết các trường hợp, lớp DWR chống thấm nước rất tốt, nhưng tất cả các loại quần đều có thể sẽ bị ướt ở một mức độ nào đó.
Tỷ lệ UPF
Trong khi tất cả các loại quần áo đều có một chút tính năng bảo vệ làn da khỏi tia cực tím, 3 loại quần cho đi bộ đường dài trong bài viết này có tỷ lệ UPF cao hơn, hoặc là UPF 40 hoặc UPF 50. Đặc biệt khi đi bộ đường dài ở nơi cao, vào mùa hè, hay ở sa mạc, bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời là một trong số những ưu điểm chính của những chiếc quần chuyên dụng cho đi bộ đường dài thay vì mặc quần short. Những người có làn da đẹp, dễ cháy nắng thường có nhu cầu cần đến sự bảo vệ này rất lớn.
Sự khác biệt giữa UPF và SPF
SPF (Sun Protection Factor) đo lường khoảng thời gian da sẽ bị cháy, bạn có thể thường thấy chỉ số này trên các hộp kem chống nắng. Tỷ lệ UPF (Ultraviolet Protection Factor) là tỷ lệ của quần áo, đo lường lượng bức xạ UV hấp thụ vào da xuyên qua quần áo.
Tỷ lệ cho thấy điều gì?
Cũng giống như tỷ lệ SPF, quần áo có tỉ lệ UPF càng cao, càng có tính năng bảo vệ cao. Chẳng hạn, một chiếc áo sơ mi có tỷ lệ là 25 thì cho phép khoảng 1/25, hoặc 4% tia UV của mặt trời xuyên qua, và một chiếc quần có tỷ lệ UPF là 50 hoặc lớn hơn 50 sẽ cho phép ít hơn 2% tia UV xuyên qua. Quần áo với tỷ lệ UPF dưới 15 thì không được coi là có tỷ lệ UPF, nhưng để so sánh rõ hơn, thì một chiếc áo phông cotton màu trắng có tỷ lệ khoảng 5-8 UPF, cho phép khoảng 20% tia nắng mặt trời xuyên qua.
Sử dụng các chỉ số này như thế nào?
Quần áo có được tính năng bảo vệ UPF được thể hiện qua nhiều yếu tố khác nhau: cấu trúc, thuốc nhuộm và cách xử lý. Bằng việc lựa chọn cẩn thận loại sợi, chẳng hạn như ni-lông và polyester (cả 2 loại sợi này đều ngăn tia cực tím tốt), và dệt chúng một cách dày đặc, vải có thể chỉ cho phép một lượng nhỏ tia UV xuyên qua. Các loại thuốc nhuộm cũng sẽ ảnh hưởng tới lượng bức xạ có thể xuyên qua quần áo. Màu sắc sẽ không gây ảnh hưởng, nhưng thuốc nhuộm có thể được thiết kế để ngăn tia UV mặt trời. Cuối cùng, cách xử lý chất hoá học cũng có thể làm cho tỷ lệ trên tăng lên.
Liệu bạn có thực sự cần sử dụng quần áo có yếu tố UPF không?
Ở một mức độ nào đó, tất cả các loại quần áo đều ngăn chặn tia nắng mặt trời để bảo vệ cơ thể bạn, và rất có thể bạn chưa từng bao giờ bị cháy nắng vùng da dưới chiếc áo sơ mi. Tuy nhiên, một số loại da nhất định, chẳng hạn như đối với những người có làn da trắng trẻo, sẽ tốt hơn nếu bạn sở hữu chiếc áo có thêm tỷ lệ bảo vệ UPF. Một số vùng nhất định trên thế giới có lẽ sẽ có nhu cầu về bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời cao hơn, chẳng hạn như những vùng gần đường xích đạo hoặc gần nước và bãi tuyết. Thêm nữa, những người thường ở lâu ở những nơi cao, khi ánh nắng mặt trời khắc nghiệt hơn, có thể sẽ có yêu cầu cao hơn về quần áo. Bạn không nhất thiết phải mặc quần áo có tỷ lệ UPF, nhưng mặc quần áo này sẽ giúp bạn hạn chế tiếp xúc với bức xạ hơn.
Màu sắc
Có những người có thể bỏ qua việc cân nhắc về màu sắc khi lựa chọn trang phục khi tham gia hoạt động ngoài trời. Hầu hết mọi người đều chọn màu quần hay các loại quần áo khác dựa trên phong cách, màu sắc họ ưa thích nhất, nhưng trong thực tế, việc lựa chọn đúng màu sắc cho trang phục để tham gia các hoạt động ngoài trời có thể tạo nên một sự khác biệt lớn đối với tính năng của các loại vải cũng như cảm giác của bạn khi mặc nó ở trong những điều kiện khác nhau.
Nói chung, chúng tôi thường khuyên mọi người nên mặc những chiếc quần được làm từ vải có màu trắng, nâu, be hay những màu sáng khác khi đi bộ đường dài dưới ánh nắng hay ở nơi có khí hậu ấm áp. Và bạn nên mặc quần màu đen hay những màu tối khác khi đi vào mùa lạnh hay ở những nơi cao. Màu sắc của chiếc quần bạn mặc sẽ ảnh hưởng rất lớn tới mức độ hấp thụ nhiệt dưới ánh nắng mặt trời, và trong nhiều trường hợp cũng ảnh hưởng tới thời gian mà quần sẽ khô trở lại nếu bị ướt trước đó. Màu trắng và những màu sáng khác sẽ phản chiếu ánh sáng, nên thường có xu hướng hấp thụ ít nhiệt hơn từ ánh nắng mặt trời, do đó sẽ giúp bạn cảm thấy mát mẻ hơn và ít đổ mồ hôi hơn. Màu đen và các màu tối hấp thụ ánh sáng, cũng như hấp thụ nhiệt từ mặt trời rất tốt, do đó sẽ làm bạn cảm thấy nóng hơn, dễ bị đổ mồ hôi hơn, nhưng cũng sẽ giúp quần của bạn khô nhanh hơn. Vận dụng nguyên lý này kết hợp với tìm hiểu về khí hậu nơi bạn sẽ thực hiện chuyến đi của mình sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn về mức độ thoải mái bạn sẽ cảm nhận được, và đó cũng là điều mà chúng ta luôn luôn cân nhắc đến khi chuẩn bị thực hiện một chuyến đi bộ đường dài. Chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn về cả quần áo tối màu lẫn quần áo sáng màu và có thể lựa chọn những bộ phù hợp với điều kiện và địa điểm nơi ta sẽ đến.
Đối với những người đi bộ một quãng đường rất dài mà bị hạn chế về không gian và khối lượng có thể mang theo, một vật dụng có thể dùng được vào càng nhiều mục đích thì càng tốt.
Nhìn chung, họ đều đồng ý rằng những yếu tố quan trọng nhất cần phải cân nhắc đến đó là lựa chọn một chiếc quần đủ bền để có thể mặc được trong nhiều tháng, với điều kiện khắc nghiệt và có thể điều chỉnh được sự dao động về khối lượng, như có thêm một chiếc thắt lưng hay dây rút, khô nhanh, và có thể thay đổi hình dáng được để thích ứng được với nhiều loại khí hậu.