Khi dạo quanh phố, trên bãi biển, một cặp kính râm phong cách là một phụ kiện kết hợp giúp bộ trang phục của bạn thời trang hơn. Nhưng đối với những hoạt động vận động ngoài trời thì kính râm là vật dụng hết sức cần thiết. Kính râm đóng vai trò quan trọng bảo vệ đôi mắt khỏi tia UV. Cũng giống như làn da, mắt cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sức nóng của ánh sáng mặt trời, đặc biệt là giác mạc. Những tổn thương cho mắt mà ánh sáng mặt trời gây ra là gần như không thể khắc phục được, do đó, bạn nên cố gắng để bảo đôi mắt của mình bằng mọi giá.
Ngoài chức năng bảo vệ mắt khỏi bức xạ mặt trời, kính râm che chắn cho mắt, giúp mắt không bị mỏi do ánh sáng chói, đồng thời, giúp cản gió, bụi, côn trùng và các mảnh vỡ bay vào mắt. Trên hết, một cặp kính phù hợp thực sự có thể tăng tầm nhìn, tăng độ tương phản, màu sắc và giúp giảm độ chói.
BẠN CẦN LOẠI KÍNH NÀO?
Ở mức độ căn bản nhất, kính râm được phân loại theo chức năng, gồm kính râm thông thường và kính râm thể thao. Cả hai loại kính râm này đều có khả năng bảo vệ mắt rất tốt, nhưng khác nhau về trọng lượng, kích thước, kiểu dáng và công nghệ. Sẽ có nhiều yếu tố khiến bạn phân vân trong việc lựa chọn kính cho mình, nhưng bạn có thể dựa vào mục đích sử dụng chủ yếu là gì để biết mình nên bắt đầu từ đâu. Bên cạnh đó, số tiền mà bạn sẵn sàng bỏ ra là bao nhiêu, những tính năng bạn mong muốn và phong cách cá nhân cũng sẽ giúp bạn xác định loại kính bạn cần mua.
Kính râm thể thao được thiết kế để đeo khi bạn tham gia các hoạt động thể thao, vận động nhiều, che chắn cho mắt bạn khỏi ánh nắng mặt trời cũng như cản gió, mảnh vỡ khi bạn đạp xe hay đi bộ trên đường mòn nhiều bụi bẩn. Những cặp kính râm dành cho hoạt động chạy, đạp xe, trượt tuyết, hay các hoạt động thể thao tương tự sẽ có trọng lượng siêu nhẹ, ôm sát vào mặt, được sản xuất từ chất liệu chắc chắn để giữ cho kính cố định. Kính râm thể thao thường có mắt kính có thể thay thế được để cho phép người dùng sử dụng trong nhiều điều kiện ánh sánh khác nhau.
Kính râm thông thường, giống như tên gọi, là một phụ kiện sử dụng trong đời sống hàng ngày của bạn. Bạn có thể đeo chúng khi dạo phố, khi lái xe hoặc khi đi ra ngoài trời. Đối với các hoạt động hàng ngày, nhiều người tận dụng kính râm thể thao thay cho kính râm thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn là người chú trọng vấn đề thời trang hay muốn để dành cặp kính râm thể thao cho những hoàn cảnh phù hợp với nó hơn thì có lẽ bạn sẽ vẫn muốn tìm kiếm một cặp kính râm loại này cho mình.
QUYẾT ĐỊNH
Mọi cặp kính râm đều có chức năng bảo vệ mắt khỏi tia UV, nhưng khác nhau về chỉ số VLT (visible light transmission), lượng ánh sáng (không gồm tia UV) có thể đi qua mắt kính. VLT càng thấp thì kính mắt càng tối. VLT cũng thể hiện mức độ bảo vệ mà kính cần có.
Mức bảo vệ | Điều kiện trung bình | VLT |
0 | Ban đêm/ Ánh sáng yếu | 100% |
1 | Ánh sáng yếu | 43-80% |
2 | Trung bình | 18-43% |
3 | Ánh sáng mạnh | 8-18% |
4 | Ánh sáng rất mạnh | 3-8% |
Lưu ý rằng mắt kính ở mức 4 không được khuyến khích sử dụng khi lái xe, vì chúng lọc ra quá nhiều ánh sáng dẫn đến hạn chế tầm nhìn.
Lượng ánh sáng đi qua mắt kính cũng bị tác động bởi màu sắc và lớp phủ đặc biệt của mắt kính. Màu mắt kính cũng làm ảnh hưởng đến ánh sáng khi bạn đeo kính và nhìn ra xung quanh.
Màu sắc mắt kính | Chức năng |
Vàng/Da cam | Làm nổi bật các sự vật, phù hợp cho điều kiện ánh sáng yếu |
Nâu/Hổ phách | Tăng độ tương phản, phù hợp cho điều kiện mây rải rác đến nhiều nắng |
Xám | Có thể sử dụng trong mọi điều kiện |
Xanh lá cây | Làm nổi bật màu xanh, phù hợp với các hoạt động trên cỏ như chơi gôn |
Hồng/Đỏ | Tăng cường chiều sâu, độ tương phản, giảm sự căng thẳng, phù hợp với hầu hết các điều kiện thời tiết hay khi lái xe |
Mắt kính phân cực hay không phân cực (polarized or non-polarized lenses)?
Nhiều mẫu kính râm bao gồm cả hai lựa chọn này. Bộ lọc phân cực là một bộ lộ đặc biệt, hoạt động với nguyên lí giống như một tấm mành cửa sổ, cho phép ánh sáng đi vào mắt dọc theo một trục, làm giảm độ chói của bề mặt phản xạ ánh sáng, giảm mỏi mắt và tăng tầm nhìn. Đối với việc sử dụng hàng ngày, hầu hết mọi người đều không cần đến mắt kính phân cực. Nhưng đối với nhưng người dành nhiều thời gian dài trên mặt nước, ngoài trời tuyết, hay thậm chí là dưới ánh sáng mặt trời quá mạnh, kính phân cực chắc chắn sẽ giúp giảm sự căng thẳng cho đôi mắt trong thời gian dài.
Công nghệ mắt kính thích ứng (Adaptable Lens Technology)
Tin tốt là bạn sẽ không phải lựa chọn mắt kính nữa khi đã có những cặp kính râm cho phép thay thế mắt kính hay mắt kính có thể đổi màu, như vậy, bạn có thể sử dụng cặp kính của mình trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
-
Mắt kính có thể thay thế (Interchangeable lenses)
Nhiều cặp kính râm có khung thiết kế đặc biệt để cho phép người dùng thay thế mắt kính cho từng điều kiện ánh sáng. Những cặp kính này thường đi kèm với ít nhất 2 mắt kính, một cho điều kiện ánh sáng yếu và một cho ánh sáng mạnh, ngoài ra, sẽ có những mắt kính thay thế bổ sung sẵn có trên thị trường cho nhiều mẫu kính râm. Kính râm có mắt kính thay thế được có tính linh hoạt cao, nhưng có một nhược điểm là để sử dụng tính năng thay đổi mắt kính, bạn bắt buộc phải mang theo một đôi mắt kính riêng.
-
Mắt kính photochromic (Photochromic Lenses)
Mắt kính photochromic được trang bị công nghệ làm biến đổi màu của mắt kính theo sự thay đổi ánh sáng của môi trường xung quanh. Tính năng tiện lợi này giúp kính mắt linh hoạt hơn, nhưng cũng khiến giá thành cao hơn. Tốc độ thay đổi màu sắc mắt kính có thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ thấp.
Kính râm và độ cao nơi bạn sử dụng
Nếu bạn sẽ dành nhiều thời gian hoạt động trên tuyết, cụ thể là ở những nơi có độ cao lớn và trong những tháng mùa hè, thiết kế của kính râm là một yếu tố bạn nên xem xét. Bạn có biết cường độ tia UV có hại tăng 6% với mỗi km bạn di chuyển lên cao so với mặt nước biển.
Nhưng không chỉ có độ cao khiến cho tia UV nguy hiểm hơn. Vào ngày nắng đẹp sau một đêm tuyết rơi (a bluebird day), những tia UV cực mạnh được phản chiếu trên bề mặt băng tuyết, và thậm chí phản xạ của những tia này còn đủ mạnh để gây ra các tổn thương.
Những cặp kính râm được thiết kế để dùng ở những nơi có độ cao lớn không những có chỉ số VLT thấp, mà còn bao gồm tấm chắn hai bên và ở giữa 2 mắt kính để cản tia phản xạ từ các bên và phía trên kính. Điều này có vẻ như là quá mức cần thiết nhưng nó thực sự tạo nên sự khác biệt.
Lớp phủ mắt kính
Lớp phủ mắt kính cũng giúp tăng hiệu quả bảo vệ cho kính râm, đặc biệt quan trọng đối với kính râm thể thao. Phụ thuộc vào từng điều kiện sử dụng mà kính râm có nhiều loại lớp phủ khác nhau:
- Lớp phủ chống sương mù: ngăn ngưng tụ hơi nước trên kính và đảm bảo thời gian sử dụng lâu dài
- Lớp phủ chống phản xạ: được phủ ở bên trong mặt kính, giúp giảm độ căng thẳng cho mắt và loại bỏ sự tác động của ánh sáng chói
- Lớp phủ ngoài cùng flash: tăng khả năng lọc ánh sáng qua hiệu ứng gương trên mặt kính
- Lớp phủ không thấm nước: khiến nước không dính trên mặt kính, phù hợp để sử dụng khi chơi các môn thể thao dưới nước
- Lớp phủ ngoài cùng không thấm dầu: giảm dấu vân tay, giảm dính dầu từ tóc, giúp mặt kính dễ dàng được làm sạch hơn
- Lớp phủ chống trầy xước: bảo vệ những chất liệu dễ xước như nhựa và polycarbonate khỏi bị trầy xước
Chất liệu mắt kính
- Thủy tinh: Mắt kính bằng chất liệu thủy tinh, cho mắt kính có độ rõ nét quang học tốt nhất và khả năng chống trầy xước cao, tuy nhiên, lại có trọng lượng hơi lớn hơn so với những chất liệu khác và dễ bị vỡ hoặc sứt mẻ. Do đó, chất liệu này chắc chắn phù hợp hơn cho kính râm thông thường hơn là kính râm sử dụng khi hoạt động hay vận động.
- Nhựa (CR39): Một sự thay thế hiệu quả cho chất liệu thủy tinh, mắt kính nhựa cho độ rõ nét quang học tốt gần bằng thủy tinh, nhưng nhẹ hơn và chắc chắn hơn. Các mắt kính nhựa thường dễ bị trầy xước nên cần được phủ lớp chống trầy xước và sẽ bị vỡ vụn nếu mắt kính phải chịu một lực tác động đủ lớn. Nhựa cũng là chất liệu tốt nhất nên sử dụng cho kính râm thông thường thay vì kính râm thể thao.
- Polycarbonate: Siêu nhẹ và rất chắc chắn, mắt kính làm bằng polycarbonate có khả năng chịu lực rất tốt, do đó, thường được dùng để sản xuất kính râm thể thao. Tuy nhiên, loại mắt kính này cần có thêm các giải pháp chống xước và chống phản chiếu để đảm bảo không làm giảm độ rõ nét của sự vật khi nhìn qua mắt kính.
- NXT Polyurethane: Là sự kết hợp giữa các đặc tính độ rõ nét của thủy tinh và trọng lượng nhẹ, chịu lực tốt của polycarbonate, NXT là chất liệu được dùng cho những cặp kính râm tân tiến và có công nghệ cao nhất, cũng đồng nghĩa với giá thành cao.
Chất liệu khung
Việc chọn khung cho kính cũng quan trọng như việc chọn mắt kính, khung giúp kính râm bền, đảm bảo an toàn và thoải mái cho người dùng khi đeo.
- Nylon không tốn kém, nhẹ và bền.
- Acetate là chất liệu nhựa hữu cơ, chắc chắn, nhẹ và dẻo.
- Nhựa thầu dầu (Castor-based plastic) có nguồn gốc từ cây thầu dầu. Khung kính làm từ chất liệu này thường bền lâu, thân thiện với môi trường.
- Các loại kính râm giá rẻ thường có khung nhựa, phù hợp với hầu hết các điều kiện sử dụng.
- Grilamid TR90 là sự kết hợp của nhựa/nylon nhẹ hơn và dẻo hơn, được sử dụng phổ biến nhờ khả năng chịu lực tốt.
- Kim loại đắt hơn và kém bền hơn so với những loại chất liệu khác. Kính khung kim loại không dùng cho các hoạt động có thể bị tác động mạnh. Khung kim loại thường làm từ thép không gỉ, nhôm và titanium.
- Gỗ được sử dụng để làm khung kính nhờ vẻ ngoài và cảm giác ấm áp mà chất liệu này mang lại, nhưng chỉ thích hợp khi sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, chất liệu đệm xốp thấm nước cũng thường dùng để sản xuất miếng đỡ kính để giữ kính cố định, tạo sự thoải mái khi tham gia các hoạt động gây đổ mô hôi.
Độ cong của khung kính (Frame Curvature)
Hầu hết, các loại kính râm hiện này ít hay nhiều đều được thiết kế theo một đường cong, được gọi là đường cong cơ bản. Đường cong cơ bản thoải cho phép thu được nhiều ánh sáng hơn từ các góc gián tiếp và những cặp kính được thiết kế với đường cong như thế không ôm sát vào khuôn mặt người dùng. Tuy nhiên, nếu bạn dành nhiều thời gian hoạt động dưới ánh nắng mặt trời thì độ cong lớn hơn thường an toàn hơn cho mắt. Ngoài ra, những chiếc kính râm thể thao thường được thiết kế với kiểu dáng có độ cong lớn, ôm vừa vặn với đầu.
Độ vừa vặn và phong cách cá nhân
Bên cạnh chức năng, chất liệu, công nghệ, bạn thường sẽ lựa chọn một cặp kính râm theo phong cách cá nhân của mình như: năng động, vui nhộn, retro, cổ điển… luôn có những cặp kính râm để phù hợp với từng ý thích của mỗi người. Nếu bạn là nữ giới, bạn có lẽ thích những kiểu kính râm nữ tính, kích thước tổng thể nhỏ, nhưng thực ra, không có nguyên tắc cụ thể nào cho vấn đề này.
Bạn chỉ cần chú ý đến các gợi ý mà nhà sản xuất đưa ra như cặp kính râm sẽ vừa với kích thước khuôn mặt như thế nào. Và chọn cho mình chiếc kính râm khiến bạn cảm thấy hài lòng.