Trong những năm gần đây, bình bước dã ngoại đã bùng nô trên thị trường cả về mẫu mã và chủng loại, với nhiều tính năng mới dùng cho mục đích khác nhau đã được trình làng. Chẳng hạn, những chiếc bình cứng được thiết kế để chịu va đập, trong khi các loại bình gấp gọn lại tiết kiệm được không gian và trọng lượng. Một số loại bình còn được thiết kế kiểu nắp phức tạp để có thể uống nhanh và tiện lợi hơn. Còn các loại bình kim loại và thủy tinh thì giải quyết những mối lo về tác hại của đồ nhựa khi cất giữ thực phẩm.
Một số mẫu bình được cải tiến và tích hợp nhiều chức năng hết sức ấn tượng, trong khi có rất nhiều loại khác lại đơn giản hết mức có thể. Bài viết sau sẽ liệt kê và phân tích một số chất liệu, tính năng phổ biến của bình nước để giúp bạn tìm được loại bình nước phù hợp với phong cách và nhu cầu của mình nhất.
Chọn bình tái sử dụng
Nếu bạn chưa bao giờ mua một chiếc bình có thể tái sử dụng, hãy đọc 3 điều sau đây:
- Tốt cho môi trường. Sản xuất ra một chiếc bình nước sẽ tốn ít nguồn tài nguyên và gây ít ô nhiễm hơn sản xuất ra nước uống đóng chai. Mỗi lần bạn đổ nước đầy bình là một lần bạn tiết kiệm được một vỏ chai nhựa đấy.
- Sử dụng một chiếc bình nước có thể tái sử dụng sẽ tiết kiệm hơn. Nếu bạn cứ mua nước đóng chai thay vì đổ nước vào chai sẵn có thì thật quá tốn tiền.
- Uống nước từ bình tái sử dụng cũng an toàn như uống nước đóng chai. Với nước máy đã được kiểm nghiệm bởi các cơ quan chức năng, không có lí do gì để nghĩ rằng nó kém an toàn hơn nước đóng chai cả.
Những điều cần cân nhắc
Trước khi mua bình nước dã ngoại, bạn nên tự đặt cho mình một số những câu hỏi sau:
Bạn sẽ sử dụng bình nước như thế nào?
Biết rằng mình định sử dụng bình nước như thế nào sẽ giúp bạn thu hẹp khoảng lựa chọn hơn. Bạn sẽ đem nó đi dã ngoại, lúc mà mọi thứ càng nhẹ càng tốt; hay sẽ mang nó tới lớp tập yoga, và bạn muốn nó ở ngay cạnh thảm tập? Một số loại bình còn có thể dùng ở nhiều dạng môi trường và hoạt động, vì vậy bạn nên xác định rõ nhu cầu của mình, sau đó tìm chiếc bình phù hợp với nhu cầu đó.
Bình gấp gọn và bình cứng
Bình gấp gọn sẽ hiệu quả nhất khi không gian bị hạn chế và vấn đề trọng lượng được đặt lên hàng đầu. Không giống như bình cứng, bình gấp gọn không tốn nhiều diện tích khi không đựng nước, chỉ cần cuộn chúng lại và mang theo. Bởi thế, bình gấp gọn là cách tích trữ nước hiệu quả trong những chuyến đi bộ dài ngày, nhất là khi vừa đi vừa uống.
Loại bình này còn giúp bạn uống nước dễ dàng hơn, bởi chúng sẽ không bị lắc lư. Trong trường hợp cần thiết, nó có thể dùng làm chày đập, chày cán, búa hoặc túi chống nước. Tuy nhiên bình cứng lại thường giữ nhiệt tốt hơn bình gấp gọn.
Bạn muốn uống nước như thế nào?
Mục đích cơ bản nhất của bình nước là trữ nước để sử dụng khi cần. Hầu hết tất cả các loại bình đều trữ nước rất tốt, nhưng một số loại sẽ dễ uống hơn các loại khác. “Dễ sử dụng” là yếu tố rất quan trọng, bởi nó không chỉ gồm việc uống nước từ bình, mà còn là việc mang nó đi theo và đóng mở nắp như thế nào nữa: bạn sẽ mua bình có miệng rộng, hay nắp lật, hay miệng nhỏ? Bình nắp xoay kiểu cũ thực ra chưa chắc đã dễ dùng để bạn vừa đi vừa uống. Những thiết kế nắp bình kiểu mới cho bạn nhiều cách uống nước hơn. Khi uống nước trực tiếp từ thân bình, miệng bình nhỏ sẽ dễ uống hơn, trong khi bình miệng rộng lại dễ mang theo khi đi dã ngoại hơn. Để dễ hình dung sự khác biệt, bạn có thể chia bình nước dã ngoại dựa trên hai tiêu chí sau:
Nắp mở nhanh và nắp xoáy
Hầu hết các nhà sản xuất đều có một số loại nắp bình. Để dùng hàng ngày, bạn nên tìm những chiếc bình có nắp mở nhanh. Trước hết, tất nhiên chúng sẽ cho phép bạn mở nắp nhanh, có thể chỉ cần dùng một tay, để uống nước nhanh hơn. Thứ hai, chúng thực sự sẽ ảnh hưởng đến tần suất bạn uống nước từ chiếc bình đó. Vì dễ sử dụng hơn nên bạn sẽ uống nhiều nước hơn mỗi ngày. Nếu bạn thích uống nước từ chiếc bình của mình, bạn sẽ càng uống nhiều hơn nữa, và đó là ưu điểm lớn nhất.
Một nhược điểm của việc sử dụng bình có nắp mở nhanh là mỗi khi bạn đổ thêm nước vào, cũng có nghĩa là nguy cơ bị hỏng sẽ cao hơn. Thêm nữa, các loại nắp có miệng uống bên ngoài thường rất dễ bẩn. Điều này không đáng bận tâm lắm nếu bạn đang ở nơi nào đó hẻo lánh, nhưng nếu bạn định dùng nó mỗi ngày thì hãy thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.
Một phương án thay thế đó là sử dụng nắp xoáy. Kiểu nắp này khá hữu dụng khi đi dã ngoại do ít bị hỏng hơn loại nắp mở nhanh. Bên cạnh đó, loại nắp này khó bị vô tình bật ra và rò nước bên trong ba lô của bạn.
Miệng uống nhỏ hoặc to
Khi uống nước trực tiếp từ miệng bình, thông thường miệng uống nhỏ sẽ dễ dàng hơn so với miệng to. Bạn sẽ ít đổ nước vào ngực áo hơn, và vừa đi vừa uống dễ dàng hơn.
Bình có miệng to thì lại dễ dàng làm sạch và đổ nước vào, cũng một tính năng thiết yếu. Ưu điểm lớn nhất của bình có miệng to đó là khả năng thích nghi với nhiều loại bộ lọc nước.
Bí kíp: Nói chung, bạn nên chọn bình có miệng nhỏ cho chuyến đi trong ngày, hoặc dùng hàng ngày. Còn bình có miệng to sẽ dành cho những chuyến đi dài ngày, khi mà bạn có thể phải sử dụng một bộ lọc nước.
Đồ uống nóng và lạnh
Với hai loại đồ uống trên, bạn nên chọn một chiếc bình giữ nhiệt. Bình giữ nhiệt thông thường có thể giữ đồ uống nóng trong 6-7 giờ, còn đồ uống lạnh có thể lên tới 24 giờ. Bạn sẽ cần loại bình này để mang đồ uống đến nơi làm việc hay khi ra ngoài trong thời tiết lạnh. Thêm nữa, loại bình này sẽ không bị “đổ mồ hôi” khi đựng nước lạnh, một lựa chọn tuyệt vời để đựng nước hoa quả, sinh tố hay nước đá đến bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bình giữ nhiệt thường sẽ đắt hơn, nên nếu bạn không có nhu cầu giữ nhiệt cho đồ uống trong một khoảng thời gian dài, thì hãy tiết kiệm tiền, trọng lượng phải mang đi và không gian trống với một chiếc bình thông thường.
Sử dụng nhiều loại bình khác nhau
Hầu hết chúng ta đều chỉ mua một bình nước, nhưng lại có hàng tá nhu cầu khác nhau đối với nó. Mặc dù vậy, các loại bình nước thường không quá đắt, nên bạn có thể mua một vài chiếc, mỗi chiếc cho một mục đích cụ thể nào đó. Chẳng hạn, bạn có thể mua một chiếc bình thuỷ tinh hay kim loại để dùng hàng ngày, nhưng lại có một chiếc bình nhựa để đựng nước khi đi dã ngoại. Hoặc kết hợp giữa một chiếc bình giữ nhiệt cho đồ uống hàng ngày, và một bình thông thường khi tập thể thao. Lựa chọn hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
Chất liệu bình nước
Sau khi cân nhắc về yêu cầu của bản thân, tiếp theo bạn nên suy nghĩ về chất liệu bình nước. 3 chất liệu phổ biến nhất là nhựa, kim loại và thuỷ tinh. Mỗi loại lại chia ra một số nhánh, với những ưu nhược điểm và ứng dụng khác nhau.
Nhựa
Các nhà sản xuất có khá nhiều tùy chọn với chất liệu nhựa. Bình nhựa có thể là bình cứng hoặc gấp gọn, trong suốt hoặc nhiều màu, với nhiều hình dáng khác nhau. Có thể bạn sẽ không đồng ý lắm với điều này, nhưng một trong những ưu điểm lớn nhất của bình nhựa đó là giá thành rẻ. Và mặc dù có thể chịu va đập khá tốt, nhưng bình nhựa không thể chống chịu 100%. Cho dù có nhiều loại nhựa khác nhau được sử dụng trên thị trường, thì chất liệu nhựa nói chung đều có những ưu và nhược điểm sau:
Ưu điểm
- Nhẹ.
- Bền hơn thuỷ tinh.
- Thường rẻ hơn.
- Có nhiều kiểu dáng thiết kế.
- Có thể trong suốt để quan sát nước bên trong.
- Có thể cho trực tiếp vào ngăn đá.
Nhược điểm
- Tiềm ẩn những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Kém bền hơn kim loại.
- Sử dụng tài nguyên không tái tạo để sản xuất.
Bình nhựa có thể dùng vào rất nhiều mục đích khi đi dã ngoại, đặc biệt là khi trời lạnh. Loại bình gấp gọn có thể mang theo dễ dàng và trữ nước rất tốt, trong khi kiểu bình cứng thì lại giữ nhiệt để ngăn không cho nước đóng đá bên trong ba lô. Vào những đêm lạnh, không có gì tuyệt hơn một chiếc bình nhựa cứng chưa đầy nước nóng bên trong túi ngủ để sưởi ấm, điều này là không thể đối với bình thuỷ tinh hay kim loại. Thêm nữa, mang theo bình gấp gọn khi bay sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn.
BPA và Rối loạn Estrogen
BPA (Bisphenol A) là một hoá chất nhựa cứng đã không còn được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất bình nước, do các nghiên cứu khoa học chỉ ra các tác hại cho sức khỏe. Qua thời gian, người tiêu dùng cũng lo rằng một số tác nhân như nhiệt độ cao hoặc tiếp xúc với tia UV có thể gây hỏng bình hoặc khiến các hóa chất ngấm vào nước đựng bên trong.
Các quan ngại về BPA chủ yếu do chất này gây rối loạn nội tiết khi được thử nghiệm trên động vật. Điều này có nghĩa, một khi ở bên trong cơ thể, nó có thể ‘giả mạo’ hoocmon tự nhiên của phái nữ bằng cách gắn vào các thụ thể estrogen, gây ra hiện tượng rối loạn estrogen. Đáng lo ngại ở đây là đối với con người, điều này có thể dẫn đến một loạt các nguy cơ choi sự phát triển của thai nhi và trẻ em, cũng như cơ quan sinh sản.
Ngày nay, các nhà sản xuất thường tuyên bố rõ ràng đã sử dụng hoạt chất làm cứng khác thay cho BPA. Các loại bình này này đều có nhãn mác ghi rõ BPA-free. Mặc dù vậy, nguy cơ các chất hoá học khác bị ngấm vào nước bên trong bình vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn.
Các chất hóa học khác
Mặc dù hầu hết các nhà sản xuất bình nước đều không còn sử dụng BPA, nhưng BPA chỉ là một trong số hàng trăm (thậm chí là hàng nghìn) chất hoá học được sử dụng để tạo thành nhựa. Các chất hoá học khác, ví dụ như Phthalates, cũng bị cho là gây ra rối loạn nội tiết dẫn đến rối loạn estrogen. 6 loại Phthalates ngày nay đã bị FDA cấm tại Mỹ, và còn nhiều hơn ở châu u. Nhưng thật không may rằng, có rất ít những nghiên cứu về nguy cơ gây hại đến sức khoẻ của những hóa chất này, bao gồm cả những chất sử dụng thay thế cho BPA.
Tranh cãi về chất liệu sử dụng
Độ an toàn của khi uống nước từ bình nhựa vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi. Ngành công nghiệp nhựa khẳng định rằng nhựa của họ hoàn toàn an toàn và không gây ra bất cứ nguy cơ gây hại về sức khoẻ nào. Theo như nghiên cứu của họ, chỉ có một lượng nhỏ chất hoá học ngấm vào trong nước, và sẽ nhanh chóng bị đào thải ra khỏi máu nhờ quá trình xử lý bên trong cơ thể. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn thấy rằng cần phải có thêm những nghiên cứu khoa học độc lập để đi đến kết luận trên. Về cơ bản, không có bằng chứng khoa học thì không thể chứng minh chúng không có hại cho con người. Với áp lực từ người tiêu dùng, rất có thể sẽ có rất nhiều những nghiên cứu mới về vấn đề này.
Giải pháp cho một chiếc bình “không dễ vỡ”
Đây là một tình huống khá phức tạp. Dù có BPA hay không, điều quan trọng ở đây là liệu các hóa chất có gây ra vấn đề gì cho sức khỏe. Tuy nhiên, khoa học vẫn chưa thể giải thích rõ về ảnh hưởng của EA trong cơ thể con người (có thể có tác hại hoặc không). Vậy bạn nên làm gì nếu bạn muốn tránh những nguy cơ gây hại tiềm tàng?
Phương án an toàn nhất có lẽ là sử dụng bình thuỷ tinh hoặc thép không gỉ. Các sản phẩm làm từ thuỷ tinh và thép không rỉ khá cạnh tranh nhau, và khi đi dã ngoại, thì chi phí hay trọng lượng tăng thêm hay nguy cơ vỡ cả bình (nếu là bình thủy tinh) cũng không phải là điều đáng lo cho lắm. Lợi ích về sức khoẻ sẽ cân bằng với những nhược điểm trên.
Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng bình nhựa, dưới đây là một số lời khuyên:
- Không đun nóng bình nước bằng lò vi sóng.
- Đừng dùng bình nhựa để đựng đồ uống nóng.
- Rửa bình nhựa bằng tay, không sử dụng chất tẩy rửa.
- Tránh tiếp xúc với tia UV, chẳng hạn như để bình nhựa dưới ánh nắng mặt trời.
- Không sử dụng bình nếu bên trong bị xước, mòn hoặc đổi màu.
Kim loại
Bình kim loại thường làm từ thép không gỉ dùng cho thực phẩm, ví dụ như nhôm. Kim loại là chất dẫn nhiệt cực tốt, vừa là ưu điểm nhưng cũng là một nhược điểm. Một mặt, nó có thể dùng như nồi nấu nướng trong những trường hợp khẩn cấp. Mặt khác, bạn không thể dùng để đựng đồ uống nóng (trừ bình cách nhiệt) và cũng không thể bỏ vào trong túi ngủ ban đêm được.
Bí kíp: Nếu bạn muốn một chiếc bình kim loại giữ nhiệt và tránh sử dụng nhựa, hãy chắc chắn rằng chiếc bình đó không có một lớp lót cao su bên trong.
Về độ bền, bình kim loại thường bị méo bên ngoài khi rơi. Mặc dù vậy, cả phần thân bình bằng thép ít khi bị hỏng khi rơi xuống bề mặt cứng. Phần vỏ kim loại sẽ bị cong, chứ không bị vỡ. Và độ bền của một chiếc bình nên tính dựa trên phần yếu nhất, chẳng hạn như phần nắp nhựa của một chiếc bình thân kim loại.
Ưu điểm
- Nguyên liệu bền nhất, đáng tin cậy nhất.
- Không gây nguy hại đến sức khoẻ.
- Nhẹ hơn thuỷ tinh.
- Có thể dùng như nồi nấu khẩn cấp.
- Có thể sử dụng với chất tẩy rửa (trừ bình giữ nhiệt chân không).
Nhược điểm
- Hơi nặng hơn so với nhựa.
- Có thể có vị kim loại.
- Dễ bị lõm.
Nhiều năm trước, một chiếc bình kim loại không thể nói là ‘linh hoạt’ do trọng lượng và sự bất tiện của chúng. Ngày nay, chúng ta có thể dùng bình nước kim loại ở nơi làm việc, phòng tập gym và khi đi dã ngoại. Bình giữ nhiệt sẽ giữ nhiệt độ của đồ uống nguyên vẹn bất kể thời tiết như thế nào. Và khi công nghệ ngày càng được cải tiến, các chức năng và tính linh hoạt của chúng cũng ngày càng được nâng cao.
Thuỷ tinh
Rất nhiều người thích uống nước từ chai thủy tinh. Có thứ gì đó ở thuỷ tinh khiến cho nước có vị thanh khiết hơn, nói chung là “ngon” hơn. Bên cạnh đó, thuỷ tinh thường được coi là nguyên liệu an toàn thay thế cho nhựa.
Ưu điểm
- Không gây hại về sức khỏe.
- Giữ nguyên vị đồ uống.
- Bình trong suốt cho phép quan sát nước tốt hơn.
- Sử dụng được với chất tẩy rửa.
Nhược điểm
- Là chất liệu nặng nhất.
- Dễ vỡ.
- Không thể sử dụng ở nhiệt độ khắc nghiệt (không dùng cho nước sôi, nước đá).
Nếu bạn muốn một chiếc bình không gây ảnh hưởng đến vị của nước, và cũng muốn tránh sử dụng nhựa thì bình thuỷ tinh là lựa chọn tốt nhất. Không chỉ tốt cho sức khỏe và môi trường, bình thuỷ tinh còn đang ngày càng trở nên bền hơn và hữu dụng hơn.