Nếu bạn đã có giày leo núi, đai bảo hộ, thiết bị hãm, móc treo leo núi và mũ bảo hiểm, thì chắc chắn một bộ móc dây hai đầu là vật không thể thiếu trong bộ trang bị của bạn.
Một số đặc điểm khác cần lưu ý: kích cỡ và hình dạng móc treo, chiều rộng dây nối, chất liệu dây nối, trọng lượng và độ bền của móc dây, đặc biệt là khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm càng cần chú ý hơn.
Bạn buộc phải cân nhắc giữa trọng lượng, độ bền và dễ sử dụng: Ví dụ, một móc dây hai đầu với móc treo có chốt dây mảnh, cực kỳ nhẹ, giúp giữ giá đỡ trang bị của bạn nhẹ và linh hoạt hơn. Nhưng nó sẽ khó gắn vào hơn là một loại móc dây nặng hơn với móc treo lớn và dây nối cứng.
Cân nhắc đến loại hình leo núi và những ưu tiên của bạn: Mỗi loại móc dây hai đầu đều có những đặc điểm khiến chúng phù hợp với loại hình leo núi này, nhưng lại không phù hợp với loại khác. Loại móc dây hai đầu siêu nhẹ đặc biệt thích hợp với những cung leo với nhiều đoạn dốc, nơi mà mỗi gam đều được tính đến; nhưng lại không phù hợp với việc leo núi thể thao, khi mà trọng lượng là vấn đề ít được ưu tiên hơn.
Chốt móc treo
Có ba loại chốt chính là chốt thẳng, chốt cong và chốt dây. Vì mỗi loại móc dây hai đầu đều có 2 móc treo nên nó có thể kết hợp các loại chốt với nhau.
- Móc treo chốt thẳng: Là loại móc phổ biến và khá dễ sử dụng. Đúng như tên gọi, loại chốt thẳng thì thẳng hoàn toàn từ điểm chốt cho đến điểm cuối.
- Móc treo chốt cong: Chốt được uốn cong vào phía trong một chút, giúp móc vào dây nhanh và dễ dàng, vì thế mà thường thì chúng chỉ được dùng cho đoạn dây cuối của móc dây.
Một số móc treo kết hợp chốt thằng và chốt cong có khoen khóa trơn ở mũi móc treo, vị trí tiếp xúc với đầu chốt. Khoen khóa trơn sẽ giúp đầu móc không tình cờ vướng vào các vòng treo của đai bảo hộ, neo móc và các loại dây nối khác. Nó có thể sẽ đắt hơn nhưng sẽ chất lượng hơn.
- Móc treo chốt dây: Những loại này sử dụng vòng treo bằng thép không gỉ. Dây thép quấn quanh trục sẽ thay thế cho cơ chế lò xo và các phụ tùng khác như hai loại chốt trên, do đó giúp giảm trọng lượng.
Một ưu điểm của chốt dây là ít bị hở chốt khi so với chốt đặc. Hở chốt là việc chốt bị bật ra bởi quán tính hay do va chạm với vật khác. Hở chốt có thể làm giảm độ chịu lực chung của móc cho tới độ chịu lực khi mở chốt. Chốt dây cũng ít bị đóng băng ở nhiệt độ thấp, nên nếu leo núi băng hoặc leo núi địa hình, đây sẽ là sự lựa chọn hợp lý.
Về thiết kế, các chốt dây không thể có khoen khóa như loại chốt thẳng hay chốt cong. Tuy nhiên, một số chốt dây có đầu móc được vát mỏng đi một chút để không vướng vào các trang bị khác, tương tự như khoen khóa.
Độ dài dây nối
Đặc điểm tiếp theo mà hầu hết những người leo núi phải cân nhắc khi chọn móc dây hai đầu là chiều dài của dây nối. Những sợi dây dài hơn thường tiết kiệm dây thừng cần dùng hơn, nhưng chúng cũng nặng hơn và cồng kềnh hơn.
Những người leo núi thể thao thường mua những móc dây hai đầu đươc làm sẵn với dây nối có độ dài khác nhau:
- Dây nối 10 – 12 cm: Là dây nối loại ngắn, được sử dụng trong hầu hết các trường hợp khi cung leo tương đối thẳng.
- Dây nối 17 – 18cm: Dây nối có độ dài trung bình, sử dụng để tiết kiệm dây thừng cần dùng hơn, đặc biệt là khi cung leo có hơn 12 điểm chốt hoặc khi bạn không thể leo theo đường thẳng.
Tất nhiên, sẽ cực kì có ích nếu bạn luôn chuẩn bị sẵn móc dây hai đầu với dây nối ngắn và trung bình trên đai bảo hộ trong bất kỳ cung leo nào. Thậm chí một số người leo núi truyền thống còn tự làm móc dây hai đầu, bằng cách kết hợp các đoạn dây dài ít nhất 60 cm gắn vào hai móc treo tùy chọn. Họ gọi chúng là “móc dây hai đầu co dãn”, vì thường dây nối được luồn qua một khóa dây để căn chỉnh độ dài tùy ý.
Số lượng
Số lượng móc dây hai đầu bạn cần sẽ phụ thuộc vào loại hình leo núi, địa điểm và thời gian leo. Dưới dây là một số gợi ý:
- Hầu hết các cung leo thể thao thường cần dùng ít nhất 12 móc dây hai đầu.
- Những cung leo thể thao dài hơn (khoảng 30 m trở lên) cần 16 – 18 móc dây.
- Những cung leo có độ dài đặc biệt có thể cần tới 24 móc dây hoặc hơn.
- Những cung leo yêu cầu dây thừng dài 70 m trở lên cần ít nhất 12 móc dây.
- Khi sách hướng dẫn chỉ ra số lượng điểm chốt trên cung leo, đó là tổng số móc dây hai đầu bạn cần.
- Nếu bạn dự định dùng móc dây hai đầu ở mỏ neo, hãy nhớ tính thêm chúng.
- Hãy cứ mang thừa một vài cặp móc dây dự phòng trên đai bảo hộ, thừa còn hơn thiếu.
Một số lưu ý khác
Kích cỡ móc treo
Móc treo càng nhỏ thì càng nhẹ, tuy nhiên nó lại khó điều khiển (ví dụ sẽ khó lấy móc dây từ đai bảo hộ và móc vào điểm chốt hoặc dây thừng)
Hình dạng móc treo
Nó cũng có thể ảnh hưởng đến cách sử dụng, đặc biệt là nếu tay bạn hơi to. Địa điểm và cách thức leo sẽ quyết định liệu bạn nên dùng móc treo nhỏ, nhẹ hay một loại lớn và nặng để dễ móc/bám hơn.
Độ mở chốt
Nó liên quan đến độ rộng mà chốt móc treo có thể mở, kèm theo độ độ sâu và hình dạng phần đáy móc treo nằm phía dưới chốt. Nói chung, móc treo càng nhỏ, độ mở chốt càng hẹp.
Độ mở chốt quá hẹp có thể khiến ngón tay bạn bị kẹt giữa chốt và thân móc treo khi đang móc; ngược lại thì sẽ khó gắn móc treo. Độ mở chốt hợp lý sẽ giúp móc dây leo vào móc treo dễ dàng hơn. Hãy đến cửa hàng bán đồ dã ngoại và tìm cho mình loại phù hợp.
Trọng lượng chung
Móc dây hai đầu thường nặng khoảng 60 đến 110 gam. Trọng lượng tăng lên nhanh chóng khi bạn đem theo hàng loạt trang bị leo núi, vì vậy hạn chế tối đa trọng lượng sẽ cực kì có lợi đối với các cung leo núi thể thao dài, khó cũng như các cung leo tự nhiên đòi hỏi tốc độ và sự gọn nhẹ.
Nhưng trước khi mua hàng tá móc dây hai đầu loại nhẹ nhất, hãy nghĩ về mặt trái của việc tiết kiệm trọng lượng. Móc treo càng nhẹ càng nhỏ thì càng khó móc. Và mặc dù tất cả móc treo đều phải đạt tiêu chuẩn của Liên đoàn leo núi Quốc tế UIAA và Ủy ban tiêu chuẩn Châu Âu CE, những móc treo nhỏ sẽ yếu hơn những loại lớn khiến chúng dễ bị bẻ cong nếu tải trọng lớn.
Chất liệu dây nối
Chất liệu được sử dụng để làm dây nối sẽ ảnh hưởng đến trọng lượng chung của móc dây hai đầu.
Dây nối thường được làm từ vải nilon, polyeste, polyethylene có trọng lượng phân tử siêu cao (UHMW) hoặc các hợp chất kết hợp từ những chất trên. Vải UHMW poplyethylene thường chắc chắn hơn nylon hay polyeste nguyên chất, khiến dây nối nhẹ và hẹp hơn nhiều khi đáp ứng tiêu chuẩn UIAA về độ chịu lực tối thiểu là 22 kN (kilo Newton).
Vậy nên, nếu bạn ưu tiêu trọng lượng thấp, hãy tìm cho mình móc dây hai đầu được làm từ vải UHMW polyethylene. Nhưng giá cả có thể đắt hơn chút ít.
Chiều rộng dây nối
Chiều rộng dây nối cũng quan trọng không kém chiều dài. Chiều rộng dây nối tác động đến trọng lượng chung của móc dây hai đầu cũng như cách bạn sử dụng. Dây càng mảnh càng nhẹ, nhưng chúng sẽ khó dùng hơn loại dây bản rộng, cứng.
Loại dây mảnh nhất là khoảng 8 mm, trong khi rộng nhất là 25 mm. Khi nhìn vào độ rộng của dây nối, hãy cân nhắc đến loại hình leo núi. Liệu loại dây mảnh, siêu nhẹ hay loại dây rộng, cứng sẽ dễ tháo khỏi đai bảo vệ và bám chắc vào các điểm chốt trên cung leo của bạn?
Độ chịu lực móc treo
Độ chịu lực móc treo thường được đánh giá theo 3 tiêu chí: chiều dọc, chiều ngang và khi mở chốt. Các chỉ số này thường được dập nổi trên thân móc treo.
Tất cả móc treo leo núi đều đáp ứng tiêu chuẩn UIAA và CE, tức là chúng đủ chắc chắn miễn là bạn sử dụng một cách chính xác. Vì vậy, bạn không cần lo lắng về độ chịu lực khi chọn móc dây hai đầu, nhưng nó cũng phần nào giúp bạn đánh giá khi so sánh giữa các sản phẩm. Độ chịu lực khi mở chốt và chiều ngang sẽ biến đổi nhiều nhất.
Khi lựa chọn móc treo leo núi hoặc móc dây hai đầu, hãy nhớ mức chịu lực là yếu tố cân nhắc cuối cùng. Nếu một móc dây hai đầu đáp ứng những tiêu chí bạn cần và chắc chắn hơn những cái khác thì có thể đó là thứ bạn cần. Hãy nhớ rằng những móc treo nhỏ hơn và nhẹ hơn sẽ yếu hơn những cái lớn hơn và nặng hơn, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng.