Dây thừng leo núi chính là dây cứu sinh của bạn trên vách đá. Việc bảo quản đúng cách là hết sức quan trọng cho sự an toàn của bạn cũng như đảm bảo tuổi thọ lâu dài cho dây. Biết được khi nào cần bỏ đi một chiếc dây cũng quan trọng không kém.
Kiểm tra dây thừng leo núi
Việc kiểm tra dây thừng leo núi của bạn thường xuyên là hết sức quan trọng để bạn có thể xác định được trước những vấn đề của dây. Trước khi leo núi, bạn nên:
- Quan sát kỹ và vuốt tay dọc theo dây khi bạn trải dây ra
- Quan sát và cảm nhận để kiểm tra các vết cắt, vết khứa và xây xước ở ngoài vỏ bọc, cũng như kiểm tra các vị trí lõi dây bị xốp hoặc bẹt.
Một vết sờn nhỏ hoặc vết bẩn không phải là vấn đề lớn, tuy nhiên nếu bạn phát hiện ra lỗi hỏng hóc nào khác, bạn nên cân nhắc bỏ dây ngay.
Sửa những hư hỏng nhỏ trên dây
Nếu một vùng nhỏ sát với một đầu dây bị hỏng thì bạn có thể cắt đi và tiếp tục sử dụng phần còn lại. Hãy làm như sau:
- Dùng một con dao sắc cắt bớt khoảng 30 cm tính từ chỗ hỏng.
- Hơ lửa và vê gọn những sợi tua ở đầu đoạn dây còn lại.
Hãy đảm bảo rằng bạn nhớ được mình đã cắt đi bao nhiêu để biết được hiện tại dây đã ngắn đi bao nhiêu rồi. Ngoài ra, nếu dây leo núi của bạn có dấu ở giữa dây, phải nhớ rằng giờ nó không còn nằm ở chính giữa nữa.
Cất giữ dây thừng leo núi
Khi bạn không leo núi, việc cất giữ dây thừng leo núi đúng cách rất quan trọng. Một trong những cách thông thường và đơn giản nhất để cất giữ dây leo núi là để trong một túi đựng dây. Túi này có hai chức năng: là một cách tiện dụng để cất dây khi không dùng đến và giúp giữ sạch dây khi leo núi.
Bỏ dây vào túi như thế nào
- Mở túi đựng dây và trải miếng bạt ra.
- Buộc 1 đầu dây vào vòng móc trên bạt.
- Cuộn dây vào cọc trên đỉnh bạt.
- Khi cuộn hết dây, buộc đầu dây còn lại vào vòng móc còn lai trên bạt (thường là có một vòng khác màu nên bạn có thể lần ra đầu còn lại này).
- Gấp các mép bạt xung quanh cọc dây, buộc lại và cho vào trong túi.
- Buộc chặt hoặc khóa miệng túi lại.
Khi bạn bắt đầu khởi hành, những gì cần làm là cầm ngay túi dây và mang theo bên mình. Khi leo núi, cố gắng giữ phần dây không sử dụng nằm trên tấm bạt và không dính bẩn.
Một vài mẹo khác
Ngoài cách cất giữ dây trong túi, có một vài việc khác bạn cần nhớ:
- Cất dây thừng của bạn ở nơi khô, mát. Nếu bạn không dùng túi đựng dây, hãy dùng một sợi dây khác để treo cả cuộn dây leo núi, hoặc móc cuộn dây trên thanh ngang.
- Không bao giờ để dây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Ánh nắng mặt trời khi bạn leo núi thường không đủ để làm hỏng dây, nhưng nếu để dây ngoài trời cả mấy ngày liền có thể làm dây leo của bạn yếu đi đáng kể. Nếu dây leo núi của bạn bị sờn đi vì ánh nắng mặt trời, hãy xem xét đến việc thay thế một dây mới.
- Không để dây ở nơi quá nóng, chẳng hạn như trong xe vào mùa hè vì có thể làm hỏng sợi dây.
- Hãy cẩn thận khi bỏ dây vào thùng xe, bãi đỗ xe hoặc tầng hầm. Các loại axit mạnh, ví dụ như trong ắc quy ô tô, có thể làm hỏng hoàn toàn sợi dây
Lau chùi dây thừng leo núi
Cho dù bạn cố giữ sạch dây như thế nào đi chăng nữa thì nó vẫn sẽ bị bẩn mà thôi. Khi bạn nhận thấy tay hoặc găng tay bảo hộ của mình bị dính màu đen sau khi cầm dây thì bạn nên làm sạch dây, vì như vậy sẽ giúp dây hoạt động tốt và tăng thêm tuổi thọ cho dây. Dưới đây là cách lau chùi dây thừng leo núi:
- Dùng tay rửa sạch dây trong bồn tắm hoặc trong một cái xô lớn; KHÔNG bỏ dây vào máy giặt.
- Dùng nước ấm và xà phòng trung tính (không dùng chất tẩy rửa).
- Bỏ dây vào túi lưới để tránh bị rối.
- Vò dây cho thật sạch, sau đó vắt ra hết nước bẩn.
- Lặp lại cho đến khi nước vắt trong và sạch.
- Mở hết dây ra, treo lên cho khô và để xa ánh nắng mặt trời.
Khi nào nên thay dây
Dây thừng leo núi của bạn sẽ không thể dùng được mãi. Dưới đây là một bảng ước lượng thời gian để bạn thay thế dây mới:
- Nếu bị ngã từ độ cao lớn hoặc dây bị hỏng nặng: bỏ đi ngay.
- Sử dụng thường xuyên (hàng tuần): 1 năm.
- Sử dụng đều đặn (vài lần/tháng): 1 – 3 năm.
- Thỉnh thoảng dùng (1 lần/tháng): 4 – 5 năm.
- Hiếm khi dùng (1 – 2 lần/năm): 7 năm.
- Không dùng bao giờ: 10 năm.
Ghi chép ngày mua dây, mức độ sử dụng cũng như số lần và mức độ những lần bị ngã vào một quyển sổ sẽ giúp bạn xác định chính xác khi nào bạn cần bỏ dây leo núi của mình đi.
Những điều nên và không nên làm đối với dây leo núi
Để tận dụng được sợi dây leo núi của bạn, hãy đọc và ghi nhớ những điều dưới đây:
Việc cần làm
- Tháo cuộn dây mới: Trừ phi dây được đánh dấu có thể sử dụng ngay, còn lại bạn nên tháo dây một cách cẩn thận. Luồn hai cẳng tay qua cuộn dây, nhờ 1 người bạn kéo một đầu dây như thể kéo ròng rọc và để dây xếp thành chồng tự nhiên. Điều này sẽ giúp dây không bị rối và thắt nút.
- Gỡ xoắn cho dây: Nếu dây leo của bạn bị xoắn lại khi leo, hãy để dây treo tự do và dùng tay tháo chúng ra.
- Sử dụng túi đựng dây: Giữa các lần đi leo núi, hãy bỏ dây vào túi đựng dây leo núi để bảo quản.
- Sử dụng bạt quấn dây: Vào những ngày leo núi, sử dụng bạt quấn dây để giữ sạch dây. Hầu hết các túi đựng dây đều có bạt quấn ở bên trong.
- Sổ ghi chép: Ghi lại việc sử dụng dây vào sổ, đặc biệt là những lần bạn bị ngã.
Việc không làm
- Cọ xát 2 dây với nhau: như thế sẽ làm cháy dây và lớp vỏ bọc. Bạn nên đặc biệt tránh luồn 2 dây qua cùng một móc treo trên đỉnh, và đừng bao giờ kéo dây bảo hộ ma sát trực tiếp với dây buộc.
- Dẫm lên dây: điều này sẽ làm bẩn và làm hỏng dây.
- Đế đinh và rìu phá băng: Tránh để đế đinh hay rìu phá băng làm hỏng hoặc đứt dây.
- Tiếp đất hoặc đỡ kém: Động tác tiếp đất, neo giữ quá nhanh hoặc giật cục có thể làm hỏng dây do ma sát trên vỏ dây quá lớn, cũng như khó kiểm soát dây hơn.