Phố cổ Hội An được nhiều du khách ví như một miền cổ tích. Và khi nhớ về miền cổ tích ấy hẳn khó mà quên những chiếc đèn lồng lung linh sắc màu bên sông Hoài và những câu thai dân dã của bài chòi như một phần hồn của du lịch Hội An.
Độc đáo loại hình nghệ thuật hát bài chòi ở Hội An
Phần thưởng cho những du khách du lịch Hội An tham gia trò chơi này không có giá trị vật chất quá lớn, thường là một chiếc đèn lồng Hội An hay một món quà nhỏ nào đó để du khách mang về làm kỷ niệm. Song trải nghiệm thú vị nhất khi tham gia trò chơi dân gian này chính là những câu thai dân dã, tài tình của anh hiệu trong tiếng trống, tiếng dàn đệm rộn rã. Câu thai là một câu nhạc có âm điệu, tiết tấu, âm hưởng riêng có của bài chòi. Trong đó chứa đựng kho tàng ca dao, dân ca địa phương. Vì thế, bài chòi là một trò chơi nhưng cũng xứng đáng là một loại hình nghệ thuật dân gian níu chân du khách, cả trong và ngoài nước, bởi chính sức hút giá trị của một trò chơi dân gian, một loại hình nghệ thuật dân gian đậm đà bản sắc văn hóa bản địa.
Trải nghiệm ngắm và làm đèn lồng phố Hội
Chiếc đèn lồng phố Hội chính là kết tinh của mối giao thoa văn hóa Việt – Hoa – Nhật Bản ở Hội An từ hơn 500 năm trước. Từ bao thế kỷ trước, người dân sống trong phố cổ vẫn giữ lệ treo đèn lồng vào những đêm rằm, hay những dịp trọng đại ở các đình chùa, nhà cổ. Và ngày nay, đèn lồng gắn liền với thương hiệu Hội An, miền cổ tích lung linh say lòng du khách.
Trong những đêm rằm ở phố, đèn lồng tỏa sắc từ những mái nhà cổ kính, đèn lồng giăng giăng khắp ngã phố, nối hàng duyên dáng dọc theo những chiếc cầu bắc ngang sông Hoài soi bóng xuống lòng sông dệt nên bức tranh thơ mộng riêng có ở Hội An.
Rất nhiều du khách đến phố cổ đều muốn mang những chiếc đèn lồng về làm kỷ niệm hay làm quà tặng cho người thân. Nghề làm đèn lồng truyền thống ở Hội An nhờ đó mà trở mình hồi sinh theo nhịp bước chân du khách từ thập niên 90 thế kỷ trước.
Ở Hội An hiện nay có khoảng trên dưới 30 cơ sở làm đèn lồng truyền thống. Song, nói về nghề làm đèn lồng, người dân ở đây vẫn luôn nhớ đến ông Huỳnh Văn Ba – nghệ nhân đã hơn 80 tuổi là người đầu tiên sáng tạo những chiếc đèn lồng kiểu truyền thống nhưng có thể thu gọn với các vật liệu mềm mại hơn để du khách có thể dễ dàng mang về.
Cơ sở đèn lồng hiện nằm phía sau Khổng Miếu – một điểm đến ở Hội An hấp dẫn du khách. Nghệ nhân đến nay đã tuổi cao, có con cháu và những học trò nối nghề, tiếp tục sáng tạo ra những mẫu đèn lồng với nhiều kiểu dáng, thiết kế đa dạng hơn.
Hằng ngày, du khách trong và ngoài nước vẫn miệt mài theo các tour học nghề truyền thống địa phương bằng cách đến các cơ sở hoặc nhà biểu diễn trên phố Nguyễn Thái Học. Họ dõi theo những đôi bàn tay tài hoa của những người thợ làm đèn lồng. Những thanh tre được người thợ thoăn thoắt dát mỏng, uốn cong tạo khung theo từng kiểu dáng. Những mảnh vải lụa mềm được cắt dán cẩn thận, tinh xảo. Nhiều chiếc đèn được thêu hay vẽ những hoa văn mang ý nghĩa bản sắc văn hóa địa phương.
Ngoài đèn lồng bọc lụa, nay còn có những chiếc đèn lồng được chế tác từ sợi nhựa, mây tre hay các vật liệu khác. Tưởng chừng đơn giản, nhưng bắt tay thử làm một chiếc đèn lồng nhỏ thôi đã thấy không hề giản đơn. Công việc đòi hỏi sự kiên trì, cẩn thận trong từng chi tiết, và khéo léo để làm ra một chiếc đèn tròn trịa, vuông vắn như ý. Đèn lồng là kết tinh mối giao thoa văn hóa Việt – Hoa – Nhật lâu đời ở phố Hội. Đèn lồng cũng là tinh hoa của những đôi bàn tay tài hoa ở phố Hội.
Du lịch Hội An để một lần được quay về thời thơ ấu, hãy thử trải nghiệm hết cả 2 hoạt động này bạn nhé. Chắc chắn bạn sẽ có nhiều kỷ niệm khó quên.