Kỳ cuối: Chinh phục đỉnh
Sáng ngày thứ ba, chúng tôi tỉnh dậy giữa sương mù giăng kín, thấy mình đang ở giữa rừng trúc bạt ngàn, nhấp nhô những cành mận mốc thếch và lác đác những cây chè cổ thụ, nhưng sườn bên này dường như không có màu xanh nào ngoài màu xanh của giống trúc lùn. Giống cây báo hiệu địa hình đỉnh núi, nơi gió mùa tràn qua được và chúng buộc phải thích nghi bằng cách hạ thấp độ cao của mình nếu không muốn bị thiên nhiên hạ gục. Bật bếp nấu nước, ở đây đi lấy nước chỉ vài bước chân nhờ cái khe trong vắt róc rách ngay cạnh chỗ dựng lều. Ăn sáng và cafe, tất nhiên là đủ lệ bộ, rồi tiếp tục trek ngược lên theo cái khe nước hôm qua. Càng lên cao cảnh vật càng hùng vĩ, nhưng gió gào rú đập từng vốc mây vào mặt khiến cho tầm nhìn hạn chế. Chuẩn quay sang tôi chán chường – anh ơi hôm nay lại không có mây. Đã hai ngày đi trong không khí ẩm ướt, tôi cũng cảm thấy chán ngắt vì cái khung cảnh mờ ảo hỗn độn này. Không thấy dấu hiệu của biển mây – nỗi ám ảnh khắc khoải của dân leo núi. Hầu như người đam mê leo núi nào cũng mong muốn ít nhất một lần được lặng ngắm bình minh trên đại dương giữa lưng chừng trời.
Quang cảnh buổi sáng quanh lều
Khoảng hơn tiếng trek ngược của buổi sáng nữa, chúng tôi tới một chỗ đất khá bằng phẳng, chợt tôi rú lên với Chuẩn: Anh vừa nhìn thấy đỉnh Ngũ Chỉ Sơn!!! Không thể nhầm lẫn được, một đỉnh núi hiên ngang và dựng đứng như những gì tôi tưởng tượng về Ngũ Chỉ Sơn vừa hiện ra sau một cơn gió lớn bạt mây mù, khá mờ ảo, nhưng tôi chắc chắn mình không nhìn nhầm. Tôi vội vàng mở địa hình đồ: Trời ơi, đang ở độ cao 2500m, Chuẩn cũng mở GPS kiểm tra, đúng là 2500m. Không lẽ cái khe này dẫn thẳng lên tận đỉnh? Tôi hồi hộp trống ngực loạn nhịp, có lẽ đúng rồi, hoặc lên gần tới đỉnh. Hú hét một hồi, cười điên loạn sung sướng, mấy anh em giơ máy ảnh lên chờ đợi đỉnh núi lại hiện ra nhưng chờ đợi vô ích, mây mù cứ dày đặc bao quanh chúng tôi mãi.
Hai người bạn đồng hành. Sinh đang mặc chiếc áo dự phòng của tôi.
Hai người bạn đồng hành. Sinh đang mặc chiếc áo dự phòng của tôi.
Và bức ảnh hiếm hoi của tớ trên gần đỉnh 😀
Thế là cất hết máy móc trek lên tiếp, khoảng chừng 15-20ph nữa, cái khe dần trở nên khô ráo bằng phẳng, rồi một vách đá dựng ngược hiện ra. Đây rồi, đây chính là điểm đầu nguồn con suối Bình Lư. Dưới chân nước đã khô, chúng tôi đứng dưới một vách đá đổ nghiêng tạo với mặt đất một góc khoảng 75 độ. Vách đá cao khoảng 30m, hùng vĩ dựng ngược, phía đối diện là sườn núi dốc mọc đầy trúc lùn. Và gió, gió giật từng cơn, có lẽ khoảng cấp 6 cấp 7. Trong những đám mù đặc đang bị gió mùa lèn qua qua khe núi này, thấp thoáng hai cái đỉnh tròn, dựng đứng của Ngũ Chỉ Sơn mà có cảm giác chỉ giơ tay ra là với được. Những cây trúc oằn mình chống lại từng cơn gió giật, tưởng như chúng bật gốc đến nơi, nhưng kỳ thực chúng rất dẻo dai, cứ mỗi đợt gió giật qua chúng lại trở về vị trí cũ. Giống trúc trên đỉnh này tiêu biến gần hết cả lá xanh, chỉ còn thân vàng óng ánh như tre ngà và rễ chùm trên thân biến thành gai cứng như thép. Tôi chặt lấy một cây chặt đẽo tỉ mỉ làm kỷ niệm, rồi cả ba không thể chịu được gió giật táp vào mặt, luồn hơi lạnh vào da thịt tới thấu xương, ba anh em trốn sau một hốc đá phía dưới khe khoảng 10m để bàn phương án đi tiếp.
Khe núi Ngũ Chỉ Sơn, đỉnh đèo của con đường huyền thoại
Để leo lên đỉnh phía tay trái, phải dùng dao chặt gốc trúc mở đường đi lên, nhưng trước hết phải vượt qua vách đá dựng đứng. Tôi thử leo lên vách đá trơn trượt, may quá có những cây si, cây dại mọc trong khe nên leo lên vách không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Do gió vẫn giật rất mạnh, tôi chọn leo lên vách bên trái để có thể chụp hình đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, đánh dấu độ cao rồi tụt xuống. Chỗ tôi đứng chụp đỉnh Ngũ Chỉ Sơn là 2606m, theo GPS, còn đỉnh bên phải cao hơn khoảng 15-20m nữa, cỡ 2620 đến 2630m. Nếu leo lên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn thì tôi sẽ không có được tấm hình này.
Vách đá trên đỉnh dốc đứng, dựng ngược
Nhưng leo lên không phải là nhiệm vụ bất khả thi
Có được hình đỉnh núi rồi, bây giờ chọn đường xuống núi. Không muốn quay lại đường cũ, chúng tôi lần vách đá xuống núi theo hướng Tả Giàng Phình. Vách đá sâu hút, nhìn không thấy đáy vực, nhưng có cây lớn mọc cùng trúc và dây leo khắp nơi, chúng tôi cứ theo đường zigzag cắt vực từ bên nọ sang bên kia rồi hạ thấp độ cao dần, chỗ nào khó quá thì Sính chặt thân cây cỡ bắp chân, đẽo thành bậc cỡ bước chân rồi chọc xuống làm thang. Lưng đeo ba-lô quay ra vực, mắt nhìn ngang tay bám chắc vào từng khóm cây, kiểm tra độ chắc chắn của chúng rồi mới dời bước, cứ thế chúng tôi tiến xuống đáy vực…
Đỉnh Ngũ Chỉ Sơn đã hiện ra mờ ảo trong tầm mắt
Hãy chú ý những cây trúc để biết sức mạnh của gió trên này<
Một đỉnh thấp của dãy núi
Vừa di chuyển treo mình trên những chỗ vách đá hoặc thân cây chắc chắn, tôi vừa lôi máy ảnh ra cố gắng chụp lại quang cảnh xung quanh: Những vách đá dựng ngược ngất trời, một rừng mận và chè cổ thụ mọc bên núi đối diện. Những tay mận, tay đào rừng mọc ra từ vách đá nom thật kỳ dị, nhưng từ trong thân gỗ khẳng khiu lác đác nảy lên những mầm non đầy nhựa sống – những cây mận, cây đào cổ thụ sắp đơm hoa chào đón mùa xuân về trên núi. Có lẽ vào tháng 3 nơi đây sẽ đẹp như một bức tranh tuyệt tác.
Quả không bút nào tả xiết vẻ đẹp của Ngũ Chỉ Sơn, nó làm tôi liên tưởng tới thắng cảnh Thiên Môn Sơn của Trung Quốc nổi tiếng thế giới, nhưng so về độ cao, độ kỳ vĩ của tạo hóa, tính nguyên sơ và đa dạng của hệ thực vật thì cảnh quan ở Thiên Môn Sơn trở nên vô nghĩa khi đứng trước Ngũ Chỉ Sơn. Thiên Môn Sơn cũng có những vách núi dựng đứng nhưng chỉ ở độ cao 1000m và có sự can thiệp quá thô bạo của con người. Còn ở nơi này vẫn nguyên sơ và hoang dại làm ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích thời tiền sử. Chỉ có những loài cây mạnh mẽ nhất, cứng cáp nhất mới trụ lại được trước thiên nhiên ở đây. Tôi quơ tay với lấy một nhánh mận gần đó và quan sát: Mỗi năm cây mận lại nảy mầm và đơm hoa một lần, một cánh tay mận như thế vươn ra từ cành nhỏ mọc trên cành lớn, đếm được mười tám khấc, mỗi khấc tương ứng với một năm. Như vậy chỉ riêng việc vươn được cánh tay dài nửa mét này, cây mận đã mất 18 năm!
Tôi ngồi trên một khúc cây đổ ngang cheo leo giữa vách núi dựng đứng, chờ đợi cho mây bớt đi để lưu lại những khoảnh khắc của đỉnh núi, máy ảnh cứ chực sẵn – hôm nay tôi không mang chiếc DSLR nào mà dùng loại compact nikon 1 cho gọn nhẹ. Một ống tele mang theo thì bị trục trặc không chụp được ảnh nào, chỉ còn mỗi ống fix 50mm. Cứ chờ mãi, chờ mãi, nhưng hết đợt mây này đến đợt mù khác ào tới, rồi những giọt mưa nhỏ tạt ngang dọc khiến nhiều ảnh không thể lấy được nét. Nhưng đỉnh núi cứ mờ ảo, khi ẩn khi hiện như trêu ngươi. Không biết ngồi như thế bao lâu, chợt nghe văng vẳng tiếng Sinh hú hét ở dưới: Anh ơi xuống đây đẹp lắm. Tôi vội tụt xuống theo Sinh và Chuẩn. Xuống 50m rồi 100m, bỗng đâu mây mù như chợt vén ra để lộ khoảng trống trắng toát dưới chân, thấp thoáng dưới kia, ở độ cao khoảng 1800m là một biển mây trắng xốp, bồng bềnh êm ả, khác hẳn với khung cảnh gió núi thét gào mây mù cuộn đặc trên này. Tôi tụt xuống được hết vách núi và chạm chân vào một sống núi khá cao và hẹp, chỉ chừng 1,5 đến 2m chạy từ lưng chừng đỉnh núi xuống hút phía dưới, ở đây cây cối khá rậm rạp che khuất phần lớn tầm nhìn xung quanh. Chúng tôi có thể chạy nhanh trên sống núi bằng phẳng này, cố gắng tìm một khoảng quang đãng để chụp ảnh như sợ biển mây tan mất. Nhưng mù càng ngày càng thưa, biển mây đây rồi, mây bồng bềnh phía dưới như bông trắng tinh, êm ả và phiêu diêu như thiên đường trong khi bên trên gió vẫn ào ạt thổi. Phóng tầm mắt từ sống núi qua một khoảng cây thưa, bên trái tôi nhận ra đỉnh núi Nhìu Cồ San nhờ hình thù giống hệt như mái TT Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, cạnh đó là đỉnh núi 2700m ở Bát Xát, rồi một phần dãy Bạch Mộc Lương Tử.
Đi được một quãng nữa, bất chợt tôi nhìn lại con đường phía sau lưng thì cảnh này hiện ra:
Thác như muốn đổ ập vào người chúng tôi
Thác mây Ngũ Chỉ Sơn ở lưng chừng trời
Từ trên cao, một dòng thác như thể đang đổ ập xuống đầu chúng tôi, gần đến nơi chợt những con sóng tung bọt trắng xóa hung dữ tản đi đâu mất! Những tiếng ù ù của gió lớn khiến ta cảm giác như đang ở trong dòng thác thật sự. Thì ra chúng tôi vừa chui ra từ thác mây Ngũ Chỉ Sơn, con thác lớn gấp hàng ngàn lần thác Bản Giốc. Cảnh tượng thật huy hoàng quá đỗi khiến tôi kinh ngạc không thể thốt lên lời nào. Gió mùa đã đẩy biển mù bên kia qua đỉnh núi, nhưng khi qua được đỉnh chúng gặp lạnh và ngưng tụ lại thành mưa rồi đổ xuống như một dòng thác lớn.
Dưới bầu trời xanh thẳm, trên đại dương mây trắng tinh khôi nhô lên đảo Nhìu Cồ San và ngọn núi 2700m ở Bát Xát
Phía trên là ánh mặt trời rực rỡ, bầu trời xanh trong không một gợn mây
Phía trên bầu trời xanh ngắt không một gợn mây, ánh mặt trời rực rỡ lan tỏa.
Thác mây đẹp sững sờ, cảm giác giơ tay là với được! Phía dưới là dòng thác cuồn cuộn hung dữ, trải nhiều cây số, phun bọt trắng xóa, phát ra những tiếng rú rít ầm ào.
Thần núi thi thoảng ngó xuống ba kẻ lãng du như ban ân huệ
Thỉnh thoảng mỏm đá xanh tím của Ngũ Chỉ Sơn như ân huệ chúng tôi ló mặt ra khỏi đám hơi mù mịt như thần núi ngó nhìn ba kẻ lãng du.
Chúng tôi phát cây bụi để leo lên một mỏm đá cao dốc đứng, ở đây không bị những tán cây che khuất tầm nhìn. Mở ba-lô lấy đồ ăn, ăn trưa với bánh chưng lớn và nấu nước pha cafe trong ánh mặt trời rực rỡ, biển mây bao la và toàn cảnh dãy Ngũ Chỉ Sơn. Tận hưởng thôi! Chưa có cái bánh chưng nào ngon thế! Sao cốc cafe hòa tan mà như được uống loại hảo hạng vậy? Hay nó được pha với nguồn nước quá ngọt ngào và tinh khiết trên tận đỉnh Ngũ Chỉ Sơn! Chưa có điếu thuốc nào lại ngon thơm hơn thế, dù cho nó có ngấm nước và mốc meo. Chúng tôi bắt chặt tay nhau, say mê ngắm nhìn những khoảnh khắc diệu kỳ của mẹ thiên nhiên, sưởi nắng cái nắng trong veo của mặt trời rực rỡ ban trưa mà sao mát lạnh, ngắm những tạo vật của đất trời Tây Bắc. Ngả lưng trên vách núi đầy gai nhọn mà sao êm ái hơn sofa văn phòng. Tôi say sưa ngắm nhìn thác mây, quan sát sự vận động của thiên nhiên, liên tục chụp những bức ảnh, hết góc này đến góc khác, rồi chúng tôi chụp cho nhau. Lá cờ tổ quốc tôi đã kín đáo nhét vào tận đáy ba-lô cũng được mang ra lồng cán, nó bay phần phật trên không trung, in sắc đỏ rực rỡ trên nền trời xanh thẳm. Những lời hát của bài quốc ca quen thuộc như ngân nga trong lòng, trước khung cảnh thiên nhiên này mọi vật trở nên thiêng liêng kỳ diệu.
View từ mỏm đá cao dốc đứng
Không còn lời nào tả xiết nữa, sao mà thiên nhiên Việt Nam đẹp quá vậy! Mãn nhãn bởi khung cảnh quá kỳ vĩ, mãn nhĩ với tiếng thác thét gào, mũi ngửi hương thơm của rừng, miệng uống nước khe trong vắt và sạch tinh cùng đồ ăn dư dả mấy ngày trời, được tận tay cảm nhận những thứ êm ái như rêu phong và địa y mọc trên thân cây đào cổ thụ trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, được đồng hành với người bạn mới quen mà sao đã trở nên thân thương. Đặc biệt nhất là được trải nghiệm khoảnh khắc thác mây hình thành từ những trận gió mùa tràn qua khe Ngũ Chỉ Sơn, khoảnh khắc ấy chưa chắc tôi sẽ được chứng kiến lần thứ hai, bởi thiên nhiên mỗi mùa mỗi khác, Ngũ Chỉ Sơn sẽ khác trong lần viếng thăm tới, bởi như triết gia cổ đại Aristos đã nói: Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.
Đường về rực rỡ lung linh nắng
Và mai dại nở vàng lưng đồi
Trở về “thung lũng hoang vắng”
Chặng đường về chui xuống mây mù, xuyên vườn thảo quả và bạt ngàn rừng mai dại trải vàng cũng không còn quá nhiều ý nghĩa với chúng tôi nữa.
Xuống tới Tả Giàng Phình, nơi đạo diễn Nhật Minh chọn làm cảnh quay của bộ phim “Thung Lũng hoang vắng”. Thung lũng nay không còn hoang vắng nữa bởi tiếng cối nước giã gạo, những đứa trẻ nô đùa và những người dân thân thiện.
Tôi sẽ còn quay lại nơi đây, để lại được hòa mình vào với thiên nhiên, được lạc lối trên những biển mây mù mịt, được gào thét với đỉnh núi, được lặng ngắm mây trời… và bởi vẫn thiếu điều gì đó khi chưa được chứng kiến bình minh và hoàng hôn trên đỉnh núi. Ngọn núi đã trở nên quá đỗi thân thiết mà tôi coi nó như người bạn lớn của mình bởi những trải nghiệm, những cảnh đẹp ngoài sức tưởng tượng, và cả những khó khăn gian khổ mà nó đã khiến tôi trải qua. Tạm biệt Ngũ Chỉ Sơn và hẹn gặp lại! Bonus: Một số hình ảnh khác của chuyến đi
Sống núi phẳng và hẹp trải dài miên man, ánh nắng rực rỡ