Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe
Những năm gần đây, bên cạnh việc khám phá thiên nhiên, du khách có xu hướng cải thiện sức khỏe, nâng cao thể chất, tinh thần khi đi du lịch. Việt Nam với hệ sinh thái phong phú, du lịch chăm sóc sức khỏe đang được coi là “mỏ vàng” thu hút du khách quốc tế.
Tiềm năng lớn
Du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở một số quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Theo báo cáo Kinh tế Sức khỏe toàn cầu công bố cuối năm 2021, Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu (GWI) đã dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2020 – 2025 có thể đạt 21%, vượt qua tất cả các lĩnh vực khác của ngành chăm sóc sức khỏe nói chung.
Còn theo kết quả khảo sát của Tổ chức Du lịch sức khỏe thế giới (Wellness Tourism Association) có đến 76% người được hỏi cho biết sẵn sàng chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch cải thiện sức khỏe và 55% số người sẽ trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý. Qua đó, có thể thấy được, nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe của du khách ngày càng tăng cao.
Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho biết, du lịch chăm sóc sức khỏe là kết hợp giữa việc du lịch và chăm sóc sức khỏe, giúp khách du lịch thư giãn, nâng cao sức khỏe và cân bằng tinh thần.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe khi có bờ biển dài khoảng 3.260km, nhiều bãi tắm đẹp, trải dài từ Bắc vào Nam như Trà Cổ, Hạ Long, Cát Bà, Cửa Lò, Lăng Cô, Nha Trang, Mũi Né, Long Hải, Vũng Tàu, Phú Quốc… rất thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng. Vùng ven biển nước ta còn có nhiều hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, nhiều bãi biển nhỏ, tĩnh lặng, rất phù hợp cho du lịch nghỉ ngơi, chữa bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta còn có nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú, có giá trị sử dụng trong chữa bệnh, điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, Việt Nam còn có hệ thống cây dược liệu đa dạng với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng trong các bài thuốc Đông y. Đây chính là nguồn tài nguyên quý, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và đưa Y học cổ truyền thành một thế mạnh trong loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, mô hình du lịch cộng đồng.
Cũng theo ông Phạm Hải Quỳnh, tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã được khai thác từ lâu có dấu ấn tại một số nơi như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Bà Nà (Đà Nẵng)… Tuy nhiên vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đa dạng các loại sản phẩm.
Chỉ đến khi, sau đại dịch Covid-19, khiến nhiều người nhận thấy tầm quan trọng của sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tinh thần trước những ảnh hưởng âm thầm của stress và các yếu tố bên ngoài. Nhận thấy nhu cầu đó, nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng đã đưa ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa trên các hoạt động ngoài trời kết hợp với phương pháp trị liệu như tắm khoáng nóng (onsen), tắm bùn, xông hơi, spa, detox (thanh lọc, thải độc), thiền định, yoga, đi bộ… nhằm chăm sóc sức khỏe, đồng thời xoa dịu tinh thần, gia tăng khả năng chữa lành cho du khách.
Đặc biệt, hiện nay, nhiều địa phương đã bắt đầu khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch công đồng gắn với chăm sóc sức khỏe để thu hút du khách trong và ngoài nước. Có thể kể đến, huyện Ba Vì (Hà Nội), mới đây, đã cho ra mắt khu du lịch cộng đồng Bản Miền với những hoạt động trải nghiệm chủ yếu dựa vào lợi thế của người dân địa phương, khi có trên 90% người dân là người Dao Quần chẹt với nhiều bài thuốc chăm sóc sức khỏe truyền thống, giúp du khách trải nghiệm và thư giãn.
“Du lịch chăm sóc sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thu hút du khách quốc tế, từ đó, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương cũng như góp phần phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, việc nghiên cứu chuyên sâu và phát triển mô hình du lịch này sẽ là một lợi thế của Việt Nam chúng ta” – ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh.
Cần xây dựng chính sách phát triển tổng thể
Dù sở hữu tiềm năng, nội lực rất lớn nhưng quy mô và tính chất của du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bị đánh giá là phát triển rời rạc, manh mún.
Nói về điều này, ông Phạm Hải Quỳnh cho biết, phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe không phải là dễ dàng do cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng và sự chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, với sản phẩm sức khỏe hướng tới xây dựng trở thành sản phẩm du lịch nó không chỉ nằm lại ở phương pháp làng nghề hay cổ truyền nữa mà nó cần phân tích sâu cho từng sản phẩm với sự song hành của chuyên gia du lịch, chuyên gia về y dược để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Đồng thời, phải có yếu tố nghiên cứu và chứng minh bởi khoa học trong từng vị thuốc, từng món ăn hay từng dịch vụ trải nghiệm.
Qua đó, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, việc phát triển sản phẩm đặc trưng có chất lượng là một bước quan trọng. Để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển tổng thể về du lịch chăm sóc sức khỏe cùng với chiến lược phát triển du lịch chung của quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cần đánh giá một cách toàn diện khả năng phát triển mạng lưới du lịch chăm sóc sức khỏe nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương, từng vùng miền và phải biết chính xác nhu cầu, đặc điểm của thị trường khách nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phù hợp, có trọng điểm.
Tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp trong phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, phát triển hài hoà, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, các điểm đến trong nước và quốc tế. Ví dụ, chúng ta có thể hợp tác với các công ty bảo hiểm quốc tế để đảm bảo sự an tâm cho khách du lịch quốc tế trong việc sử dụng sản phẩm.
Ngoài ra, mỗi địa phương cũng cần chủ động khai thác, xây dựng nhiều trải nghiệm du lịch chăm sóc sức khỏe độc đáo dựa trên tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Bên cạnh đó, nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ là việc cần tiến hành ngay. Đảm bảo rằng các cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh, và bảo vệ môi trường. Đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nhân viên trong lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe. Từ hướng dẫn viên đến các chuyên gia y tế, đào tạo chuyên ngành và các khóa học liên quan đến y học cổ truyền và dược liệu cần được thúc đẩy.
“Những nỗ lực đó sẽ giúp Việt Nam phát triển và khai thác tiềm năng của ngành du lịch chăm sóc sức khỏe trong tương lai” – ông Phạm Hải Quỳnh khẳng định./.