Những ai là tín đồ của các món ăn truyền thống, đậm sắc màu văn hóa thì đương nhiên không thể bỏ qua bánh lá rau mơ, cơm dừa Bến Tre,… Đặc biệt, món bạn chắc chắn phải nếm thử khi đến xứ dừa chính là bánh dừa Giồng Luông. Sở hữu vẻ ngoài đơn giản, mộc mạc nhưng bên trong lại có mùi vị ngây ngất lòng người, món bánh dừa Giồng Luông chắc chắn sẽ làm bạn thích thú.
1Một vài nét về bánh dừa Giồng Luông
Giồng Luông thuộc xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cách thành phố Bến Tre gần 40km đi về hướng Đông Nam. Đây không chỉ là nơi xuất quân của tiểu đoàn 307 anh hùng mà còn có nhà cổ Hương Liêm – Một công trình kiến trúc độc đáo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích nghệ thuật cấp quốc gia. Không những thế, nơi đây còn nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng, độc đáo và đặc biệt là món bánh lá dừa Bến Tre được làm bằng bàn tay của người dân Giồng Luông đã vang danh khắp cả nước.
Theo các bậc cha ông trong vùng, nghề làm bánh dừa ở Giồng Luông đã ra đời cách nay hàng trăm năm. Lúc đầu chỉ có một số nhà làm bánh với mục đích chủ yếu là để dùng trong những ngày lễ Tết hoặc biếu tặng người thân, bạn bè, nên món ăn này chỉ có ở một số gia đình nhất định. Nhưng cũng nhờ như vậy mà khi làm bánh người dân rất chú trọng vào chất lượng cũng như hình thức, nên món ăn được làm ra không chỉ ngon mà còn đẹp, có thể để đến vài ba ngày vẫn không làm mất đi cái hương vị độc đáo vốn có của nó. Sau bao nhiêu năm, nghề truyền nghề, người dạy người, món bánh dừa Giồng Luông đã được phát triển, vươn xa hơn. Khi được nhiều người phương xa biết đến thì món ăn này đã trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bến Tre.
Muốn tạo nên một chiếc bánh dừa Giồng Luông ngon thì bước chọn nguyên liệu lúc đầu là vô cùng quan trọng. Nếp được chọn để làm bánh phải là nếp sáp, dẻo thơm. Sau đó, đem vo nhiều lần với nước sạch để loại bỏ các tạp chất, nếu không bánh sẽ dễ bị thiu, rồi ngâm từ 4-5 tiếng để nếp được nở ra. Nhân bánh dừa thì vô cùng đa dạng như nhân đậu, chuối. Để nhân chuối được thơm ngon thì phải chọn chuối xiêm vừa chín tới. Còn đậu thì thường dùng đậu xanh bỏ vỏ, nấu cho đến khi nhuyễn và sánh đặc. Khâu gói bánh cũng quan trọng không kém, người thợ phải nòng, tạo hình thành từng chiếc lá dừa non theo hình trụ, từ từ cho nếp vào giữa ống bánh. Công đoạn cuối cùng là hấp bánh, phải hấp với lửa vừa và đều không được quá lớn hoặc quá nhỏ trong 5 – 6 tiếng.
Xem thêm: Nấm mối Bến Tre, đặc sản độc đáo trên quê hương xứ dừa
2Hương vị món bánh dừa Giồng Luông
Một chiếc bánh dừa Giồng Luông hoàn hảo thì sẽ mang hương vị dẻo thơm của nếp, béo ngậy của nước cốt dừa, ngọt bùi từ đậu hay ngọt ngào vị chuối. Không những thế lá dùng để gói bánh được lấy từ cây dừa nước, còn non tơ và thơm mùi lá mới, nên khi nấu xong bạn sẽ cảm nhận được một hương thơm vô cùng đặc trưng của riêng bánh dừa Giồng Luông mà không loại bánh nào có được. Với sự kỳ công, tỉ mỉ trong từng khâu chọn nguyên liệu cho đến gói và hấp bánh thì món ăn khi được làm ra không chỉ ngon mà còn chứa đựng sự tấm lòng ấm áp của người thợ. Đó là những người dân Bến Tre chân chất thật thà, họ mộc mạc và giản dị như chính món bánh dừa Giồng Luông, nhưng trong sự dân dã đó luôn có tình yêu quê hương xứ sở tạo nên hương vị ngọt ấm trong từng chiếc bánh.
3Thưởng thức món Bánh dừa Giồng Luông chuẩn không cần chỉnh
Món bánh dừa Giồng Luông được gói cẩn thận bằng lá dừa non. Chúng không được bán riêng lẻ mà bán theo chùm. Khi thưởng thức, bạn cắt đứt sợi dây đang cố định trong chùm bánh. Sau đó, bạn mở phần lá ra từ từ bằng cách xoay theo chiều người làm bánh đã gói. Phần nếp bên trong bắt đầu lộ ra, bạn sẽ biết bánh nhân đậu hay chuối thông qua hình dáng của nó. Chẳng cần nước chấm, muối hay đường gì cả, bạn trực tiếp đưa miếng bánh lên miệng và cắn một phần vừa đủ ăn. Những hương vị đã được hòa quyện trong món đặc sản này sẽ đánh thức mọi giác quan của bạn.
4Nơi bán bánh dừa Giồng Luông chuẩn vị nhất
Bánh dừa Giồng Luông hiện nay được bày bán ở khắp mọi nơi không chỉ riêng Bến Tre. Nhưng chỉ khi có dịp đến với Đại Điền, huyện Thạnh Phú, mua và thưởng thức bánh ngay tại lò, thì bạn mới cảm nhận được hết hương vị thật sự chứa đựng trong từng chiếc bánh mộc mạc này. Khi ấy, nếp mới đủ dẻo, hạt đậu có được vị bùi béo vừa chuẩn, chuối mới đủ chín và ngọt thanh, cùng hương thơm đặc trưng từ lá dừa nước mơn mởn. Xã Đại Điền hôm nay đã đổi mới và phát triển, không còn là mảnh đất nghèo nằm nép mình bên dòng sông Hàm Luông năm xưa, nhưng trong tim của những đứa con nơi đây và thực khách phương xa thì hình ảnh chiếc bánh dừa Giồng Luông vẫn luôn mang trong mình một sức hút không thể chối từ. Ngoài ra, những nơi này còn bán những món ăn dân dã khác như chuối quết dừa Bến Tre.
Mong rằng bài viết đã giúp bạn có thêm những thông tin cần thiết về món bánh dừa Giồng Luông đặc sản Bến Tre vô cùng nổi tiếng. Nếu được một lần đến với mảnh đất trù phú này thì nhớ phải thưởng thức ngay món bánh thơm ngon đặc trưng nơi đây nha! Đừng quên lưu ngay địa điểm Tournuocngoai.vn vừa mách bạn vào cẩm nang du lịch để thưởng thức mùi hương chuẩn vị nhất nhé!