Yêu mến con người chất phác, thiên nhiên hoang sơ và văn hóa tâm linh huyền bí, An Giang là địa điểm du lịch hội tụ đủ tất cả những điều này. Nếu bạn muốn đi du lịch tâm linh, đồng thời cầu bình an, kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng thì nhất định phải về An Giang hè này.
Là thành phố biên cương trực thuộc tỉnh An Giang, Châu Đốc sở hữu thế phong thủy “tiền tam giang, hậu thất sơn”. Nơi đây cũng được biết đến là vùng đất văn hóa phong phú nhất ở Việt Nam, với đầy đủ loại hình tín ngưỡng – tôn giáo nội sinh và ngoại sinh như Phật giáo Bắc Tông, Phật giáo Theravada, Tin Lành, Cao Đài, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hoà Hảo, đạo Mẫu, đạo Ông Bà…
Các danh lam, thắng cảnh ở Châu Đốc do vậy đều gắn liền với tín ngưỡng, truyền thống văn hoá của người dân địa phương nơi đây: Đình, chùa của Phật giáo; thánh đường của người Hồi giáo; di tích văn hoá Lăng Thoại Ngọc Hầu… Đặc biệt, không thể bỏ qua khu danh thắng núi Sam với nhiều di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có Miếu Bà Chúa Xứ.
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam
Ngọn núi Sam kì bí còn được gọi là Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn với độ cao 284m, chu vi 5.200m. Nhìn từ xa, núi Sam giống như 1 con sam khổng lồ. Dân gian kể lại, khi xây dựng Miếu Thờ Bà Chúa Xứ ở chân núi, để thỉnh Bà, chín thanh niên lực lưỡng dùng kiệu nghênh tiếp tượng bà nhưng vẫn không hề lay chuyển được tượng bà xuống. Lúc ấy bà đã hiển linh và báo mộng là cần 9 người trinh nữ đồng trinh. Quả nhiên, sau khi chín người trinh nữ lên khiêng, đã dễ dàng nâng được tượng Bà xuống núi. Sau đó người dân xây dựng Miếu Bà khang trang ở chân núi và thỉnh Bà xuống núi. Miếu Bà Chúa Xứ được tương truyền phù hộ, mang đến may mắn cho người dân bản xứ và du khách ghé thăm.
Phước Điền Tự
Rời miếu Bà đồ sộ, hoành tráng, đến thăm chùa Hang (còn có tên gọi khác là Phước Điền tự) tao nhã, phiêu diêu nằm riêng lẻ trên triền phía Tây núi Sam. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi truyền thuyết Thanh xà, Bạch xà. Tương truyền trong hang sâu có cặp rắn rất lớn. Con màu xanh là Thanh xà, con màu trắng là Bạch xà, thường nghe tiếng kinh kệ nơi Phước Điền tự mà đêm đêm bò ra ăn đồ chay cúng Phật và trông chừng thú dữ, kẻ gian, bảo vệ yên tĩnh chốn tu hành. Hiện nay, chùa Hang đã được lấp kín, chỉ còn một lối đi vào cửa sâu 10m trông rất âm u huyền bí. Ngoài ra trên núi còn có nhiều công trình nguy nga tráng lệ như chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu mang nhiều nét truyền thống lịch sử độc đáo.
Lăng Thoại Ngọc Hầu
Nằm ngay dưới chân núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1997 cũng là địa điểm du lịch tâm linh ở Châu Đốc, An Giang nổi tiếng. Công trình được xây dựng từ thời nhà Nguyễn mang rất nhiều ý nghĩa về văn hóa, lịch sử của vùng đất An Giang. Trong lăng thờ người anh hùng mở cõi – Thoại Ngọc Hầu có công xây dựng kênh đào Vĩnh Tế huyền thoại. Không gian lăng rất trang nghiêm, hương khói nghi ngút. Du khách đến đây để được tham quan, tìm hiểu về cuộc đời của ông Thoại Ngọc Hầu cũng như bày tỏ lòng biết sơn sâu sắc đến với ông.
Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn)
Điểm dừng chân kế tiếp cho những ngày rong ruổi vùng đất Phật Châu Đốc trong chuyến du lịch An Giang gợi ý cho bạn là núi Cấm – ngọn núi cao nhất vùng thất sơn hùng vĩ. Núi Cấm sở hữu nhiều công trình kiến trúc tôn giáo quy mô như tượng Phật Di Lặc cao 33.6 m, chùa Vạn Linh, Thiền viện chùa Phật Lớn… Giữa khung cảnh núi trời bao la, Thiên Cấm Sơn vẫn cứ sừng sững giữa đồng bằng như viên tướng khổng lồ trấn thủ vùng biên cương Tây Nam. Từ đỉnh núi cao nhất vồ Bồ Hong với 716m, du khách có thể trông xuống khu vực Thiền viện Phật Lớn, tựa như một lòng chảo được bao bọc bởi các chóp núi chập chùng kỳ vĩ. Đây là vùng cao nguyên trù phú giữa lòng núi Cấm, quanh năm ra hoa kết trái xanh tươi đủ sắc màu.
Khám phá văn hóa dân tộc tại các ngôi làng Khmer, Chăm
Photo: Việt Nguyên
Nổi danh là vùng đất du lịch tâm linh, nhưng Châu Đốc, An Giang không chỉ níu chân du khách bằng kiến trúc trầm mặc, cổ kính, bằng công trình mang đậm bản sắc Khmer hay những ngôi chùa đã đi vào lịch sử. Thiên nhiên hoang sơ, con người hồn hậu hay thứ văn hóa huyền bí đặc trưng từ thuở sơ khai đã làm nên sức hút của vùng đất linh địa này. Trên dòng sông, ghe thương hồ tấp nập, những chiếc xuồng chở sản vật miệt vườn từ tứ xứ đổ về, sẵn sàng cho buổi họp chợ ở một quãng sông nào đó.
Ghé thị xã Tân Châu, khám phá văn hóa bản địa tại những ngôi làng của người Chăm, để rồi khép lại chuyến đi du lịch An Giang bằng khoảnh khắc lặng ngắm hoàng hôn rực rỡ cả một vùng sông nước mênh mông sóng sánh ánh cam, vàng. Ngồi lặng nghe tiếng mái chèo khua hay tiếng xuồng máy, thả hồn theo những đợt sóng nước dập dềnh, mới cảm nhận được sự yên ả, thanh bình hiếm có.
Nguồn: travel.com.vn