HỒI KÝ SIEM-PENH VỪA ĐI VỪA CHẠY – Part 9 LẠC ĐƯỜNG TRÊN NÚI PHNOM KULEN- LẠI LỠ KBAL SPEAN

PHẦN 9: LẠC ĐƯỜNG TRÊN NÚI PHNOM KULEN- LẠI LỠ KBAL SPEAN

Buổi sáng đầu tiên không dậy sớm một cách bất thường. 5h30 chuông đồng hồ báo thức vang lên mới lóp ngóp ngồi dậy. Một mớ hỗn độn mông lung quay mòng mòng trong đầu. Vẫn còn tiếc Angkor Wat quá. Tự dưng chẳng những mất thêm 20$ vé lên núi, tiền ô tô, mà lại mất nguyên một ngày không vào Angkor, hơi bị phí cái vé 3 ngày của nó. Haiza, đúng là trời cũng muốn mà đất cũng muốn nó khổ như thế này đây. Kể mà có thêm 1 tuần ở đây nữa, thì có phải đỡ phải lo nghĩ vấn đề phân thân hay không. Cơ mà lúc đấy, chắc chắn là nghĩ về vấn đề đầu tiên đến hoa mắt chóng mặt ấy chứ. 😀

Bỗng dưng thấy nhớ bữa sáng dưới nhà hàng kinh khủng. Sáng hôm qua đi săn mặt trời sớm quá nên không kịp ăn gì ở đó, chỉ ăn mì tôm úp của mình thôi. Nó nhớ món bánh táo ở đây, ăn thơm và rất rất rất ngon. Thoạt nhìn thì có thể không hấp dẫn bắt mắt lắm, vì nó chỉ là một miếng bánh màu nâu nâu xỉn xỉn thôi, ban đầu còn tưởng là bánh chuối nên nó bỏ qua. Nhưng khi nếm vị bánh của cô em mới thấy đúng là không thể chối từ. Khác với những bánh táo làm theo phong cách Pháp mà nó từng được nếm, bánh táo này không có vị của quế của nho, đơn thuần là vị táo Bạch tuyết thôi J. Nhưng chính sự đơn giản trong cách chế biến và nguyên liệu làm cho chiếc bánh táo mang hương vị tự nhiên tới thuần khiết. Bánh không quá khô, cũng không hề bị ướt. Có thể gu ẩm thực của nó hơi khác thường một chút, phàm những gì người khác tấm tắc khen, nó lại thấy chả có gì đặc sắc, còn những thứ người khác thấy “ăn chả ra sao” thì nó lại rất ư là tâm đắc. Bất giác, nó nhớ lại lúc ở nhà, mẹ nó hay trêu “ăn tranh hết đồ ăn của lợn” làm nó phì cười. Gì chứ, mía thì toàn tranh phần ngọn của ngọn, mấu của mấu để ăn, khoai lang thì cứ sượng sựt thì thích hơn là bở tung, sắn thì càng đắng càng chảy mật càng ăn tợn, cơm thì chỉ ăn cơm nát như cháo đặc… Thế nên, đó chính là lý do tại sao mà không ai ủng hộ bánh táo ở đây thì nó lại phấn khởi vô cùng. :-p

Vẫn đang mấy món hoa quả tráng miệng (dứa và xoài ở Cambodia thì nổi tiếng là thơm, ngon, bổ dưỡng rồi) thì thấy chiếc ô tô 12 chỗ đã đỗ xịch trước cửa khách sạn. Có lẽ là Mr. Sokhan tới đón. Nhưng mà đằng nào cũng còn qua Home Sweet Home đón các anh các chị đi chung nữa, nên cứ từ từ bình tĩnh, có cả ngày để đi lên núi cơ mà. 😀 Cả ngày đi núi, nên nước là vấn đề quan trọng, vì không giống như đi với anh Kun, tuk tuk của anh có cả một thùng đá và có những chai nước ướp lạnh thật thích. Mr. Sokhan không có vẻ đen đen, tóc xoăn của một người Cambodia chính gốc, và vì thế chăng nên tất yếu là cảm tình không gây được ấn tượng như Mr. Kun rồi. Mua nước ở một cửa hàng tạp hóa cách khách sạn không xa, giá chỉ 3$, mua được hẳn 1 lốc 12 chai cơ đấy.

Mr. Som nói là Mr. Sokhan nói được tiếng Việt,nó mừng lắm vì nếu em gái nó không muốn trèo đèo lội suối thì có thể ngồi nói chuyện đỡ chán. Chứ cứ chân chân tay tay khua khoắng loạn xạ như lúc ngồi xe Mr. Kun cũng tội, mà chắc cũng chỉ có Mr. Kun là kiên nhẫn và tốt bụng ngồi bắt chuyện với một con bé bất đồng ngôn ngữ như em nó, để con bé không thấy chán vì đợi quá lâu. Thế nhưng sự thật là Mr. Sokhan nghe và nói được rất ít, chỉ mấy câu chào, cảm ơn thôi. 😀 Chứ nói thêm vài câu nữa là nghe không hiểu, kiểu như với các bạn Tàu, nó chỉ nói được câu “Ni shou shen ma, wo thing bu tung” :D, thế là cũng đủ lòe người và bịp được thiên hạ rồi. 😀

Ra khỏi con đường đại lộ quen thuộc, xe rẽ sang một con đường lởm chởm hơn. Đây mới đúng là con đường Cambodia này. Vì sao ư??? Không phải vì chúng lởm chởm nhiều ổ gà đâu nhá. Đơn giản vì nó thấy những quán thịt nướng buổi sáng khói mù, người đông như kiến. Nó cũng thấy những nơi bán hàng ăn sáng tập trung tập trung thật nhiều người bản địa. Hehe, nếu mà đi bụi một mình, thể nào nó cũng lần mò mấy khu ngóc ngách này. Có thể chẳng ăn được thức ăn với cách chế biến và nguyên liệu từ đây đâu, nhưng mà được biết một phần cuộc sống thường nhật là một thú vui nho nhỏ trong chuỗi thú vui của nó. Nó thích công việc đi ngó nghiêng trong chợ và dạo quanh tìm hiểu khu vực ẩm thực, dù đi chợ cũng không biết mua gì, và ẩm thực chỉ là ngửi chứ không dám nếm.

Home Sweet Home là một Guest House được khá đông du khách Việt Nam lựa chọn, vì nơi này nổi tiếng có nhiều phòng dom mà. 5 anh chị thành phố Hồ Chí Minh hôm qua quen ở Angkor Wat từ vụ nhờ chụp ảnh mà cùng nhau thuê ô-tô lên Kulen với mong muốn khám phá suối ngàn Linga nghỉ tại Home Sweet Home. Lúc chị em nó tới, mới thấy ba anh trong đoàn còn đang ăn sáng, hai chị còn lại vẫn chưa ra. Hóa ra, con gái đi đâu cũng chuẩn bị kỹ càng thế. Chẳng bù cho nó, cứ có một cái túi đa năng chứa các loại thuốc, dụng cụ, thế là hòm hòm, thêm vài gói mì tôm sống cho cô em, thế là xong. Mọi người có lẽ ngại chị em nó đợi lâu nên định không ăn sáng, nhưng vì hành trình hôm nay chắc là mệt, nên có là gì mấy phút ăn sáng đâu. Tất nhiên, không thể so sánh đồ ăn sáng của Home Sweet Home với Angkor Pearl Hotel được J. Nhưng mà bánh mì trứng ở đây cũng không bị coi là tệ, nếu như so với hồi đi Sing, ăn sáng tiết kiệm ở chỗ hostel ấy thì cứ gọi là ngày ngày bánh mì phết mứt ăn tới phát ngán. Mặt trời lên cao, chiếu những tia nắng tinh nghịch, len lỏi qua tán lá cây, nhảy nhót xuống phía góc bàn. Hai chị trong nhóm đã ăn xong bữa sáng, các anh cũng nhâm nhi xong tách café. Let’s go!

Trước khi đi, Mr. Sokhan đưa cả nhóm đi mua vé. Vé này do một công ty thầu, nếu không có vé trước, tới chân núi lại phải quay về thôi. Công ty này và công ty thầu trong Angkor là hai công ty khác nhau, đây là lý do tại sao mà tấm vé 40$/3 ngày không được sử dụng ở Phnom Kulen. Với ao ước lại được thấy 5 ngọn tháp Angkor, nhóm đã năn nỉ Mr. Sokhan đi qua Angkor Wat, mà còn dặn trước là đi qua đường nào không có trạm kiểm tra ấy, vì nhóm anh Tuyên 5 người chỉ có vé Angkor 1 ngày đi hôm qua rồi. Mặt trời đã lên cao chót vót. 5 ngọn tháp không quyến rũ như lúc bình minh khi chân trời ửng đỏ nữa, nhưng dưới bầu trời xanh, nó vẫn đẹp rạng ngời.

Nhìn tấm bản đồ 3D lấy từ khách sạn đã bị tơi tả sau hai ngày thăm quan để vạch lịch trình ngày hôm nay. Phnom Kulen là khu vực xa nhất, nơi có sông ngàn Linga, cách trung tâm thành phố khoảng 49km, tiếp đó là Kbal Spean và Bantaey Srei- hai địa điểm trong vé 40$ bao gồm, ngoài ra sẽ qua một làng làm thốt nốt, và một khu vườn cây thanh trà, chiều về bay khinh khí cầu ngắm hoàng hôn Angkor. Lịch trình có vẻ rất logic và cũng nhiều thứ thú vị ra phết. Tuy nhiên, cái khó là năm anh chị đi chung không có vé Angkor nên họ không thể vào đền Bantaey Srei cũng như Kbal Spean được. Nhưng các anh chị ấy rất vui vẻ, nói trong lúc mọi người thăm hai địa chỉ đó, các anh chị có thể ngồi café hay uống nước đâu đó, vì Angkor với các anh chị ấy đền nào cũng hao hao nét kiến trúc như nhau mà :D. Thương lượng với Mr, Sokhan thì bác ấy nói là đường đi Kbal Spean và Bantaey Srei ngược hướng nhau nên chỉ có thể chọn một trong hai địa điểm này thôi, nếu không sẽ không kịp về đi khinh khí cầu đâu. Và bác ấy cũng không biết vườn cây thanh trà mà dân trên mạng vẫn đồn thổi là gì. Bản thân nó thì còn chưa được nhìn quả ấy lần nào, nói gì tới biết tên tiếng Anh của quả này mà diễn đạt được. Nói “thanh trà” để hi vọng Mr. Sokhan có thể hiểu được bằng tiếng Việt nhưng bác ấy vẫn lắc đầu. Các anh chị trong miền Nam thì ngạc nhiên lắm, vì ở trong đó, bây giờ đang là mùa thanh trà mà. 😀

Trên xe, mọi người bắt đầu làm quen với nhau. Hehe, vì thực ra là từ hôm qua, chỉ toàn liên lạc với một anh trong đoàn đó là anh Tuyên thôi mà. Hai chị ngồi gần nó là chị Hằng và chị Trà. Còn ba anh ngồi cuối thì chỉ biết tên anh Tuyên và anh Quang thôi, một anh nữa chắc vì mọi người ít gọi tên nên không biết tên gì. Các anh chị ấy đều làm ở ngân hàng Nam Á. Trong nhóm, anh Tuyên là thành phần “xê dịch” nhiều nhất. Một trong những “phượt thủ” là thế, mà nghe tới mấy “truyền thuyết hành xác” và lịch sử xê dịch của nó cũng thấy nó “phi thường” quá. Kaka, đúng là anh em dân ham chơi gặp nhau. Tháng 9 bám càng anh ấy đi Mù Căng Chải mùa lúa chín thôi. 😀 Năm trước vì nó ham hố Sài Gòn nên dịp quốc khánh, trong khi nhà nhà người người bạn nó đi Mù, đi Y Tý thì nó đi Cực Nam. Năm nay mùa lúa chín, chắc chả ai đi lại nữa mà cho nó đi ké. 😀

Con đường đi Phnom Kulen đoạn đầu là đường rải nhựa, khá rộng và vắng vẻ. Hai bên đường là những vườn xoài xanh tốt và sai ríu quả. Đoạn đường đất tiếp theo là đoạn lởm chởm đá dăm y như đoạn đường sang cổng Tây ở Angkor Thom. Dọc đường đi, có các nhà sư hành hương. Với lòng sùng bái đạo Phật và lòng thành kính đối với các bậc sư sãi tăng ni, Mr. Sokhan đã dừng xe và biếu họ một chút, gọi là góp một chút cho công cuộc xây dựng con đường lên núi của các vị.

Con đường lên núi khúc khuỷu, quanh co. Vì đường nhỏ hai xe ngược chiều nhau không thể tránh được nên có quy định các xe lên núi trước 12h và xuống núi sau 12h, để đảm bảo an toàn cho du khách. Phía trước xe nó là một em 12 chỗ khác, chả biết là dòng xe nào, chỉ thấy màu vàng kẹt như xe DHL ấy. Con bò vàng này cứ lầm lũi lầm lũi đi lên, cứ tưởng xe nó phải đi sau hít bụi suốt chặng đường, ai dè tới đoạn đường rộng cái là Mr. Sokhan vượt lên ngay. Con đường độc đạo lên núi trước mắt với dốc lên hun hút mở ra trước mắt nó. Tới những đoạn dốc quá là xe lại phải tắt điều hòa thì động cơ mới đủ khỏe để xe leo lên, bảo sao tới Kulen mà đi tuk tuk thì chịu khó trekking từ dưới chân núi mà lên thôi. Qua một cây cầu gỗ nho nhỏ với những tấm ngăn thành các vành đai rất đặc trưng và quen thuộc, Mr. Sokhan thả cả nhóm xuống và nói đây là địa điểm Sông ngàn Linga. Có 3 địa điểm thăm quan trên Kulen sắp xếp thành một vòng cung hình chữ U, sông ngàn Linga, chùa Phật Lớn và thác nước. Nhưng vì hấp tấp và vội vàng không nghe bác ấy nói thăm sông ngàn Linga xong thì ra xe bác ấy đợi và đưa lên chùa thì cả lũ đã nhào đi men theo dòng suối.

Được phát hiện vào năm 1968 bởi Jean Boulbet – nhà thám hiểm người Pháp – núi Kulen trở thành nơi hành hương của người Khmer. Núi Phnom Kulen vốn tên là núi Mahendraparvata, là một địa điểm thiêng liêng, một thánh địa đối với dân tộc Khmer. Tại đó, vua Jayavarman II tuyên bố độc lập khỏi Java (Indonesia ngày nay), khai sinh nhà nước Angkor và xây dựng kinh đô đầu tiên của người Khmer năm 802. Các công trình xây dựng theo phong cách Hindu thời kỳ này đã mở đầu cho một kỷ nguyên Angkor chói lọi trong lịch sử.

Núi có độ cao trung bình là 400m, với đỉnh cao nhất là 487m. Tên Phnom Kulen có nghĩa là núi vải (Kulen). Truyền thuyết kể rằng thuyền buôn của Trung Quốc từ xa xưa đã giao thương với xứ Angkor. Một vị thuyền trưởng có phép thuật, lúc trở về thường cho thuyền bay lên trời mà không ai biết. Một lần người đầu bếp tình cờ phát hiện. Ông la lên và thuyền rơi xuống đất, vỡ tan với nhiều trái vải tung tóe. Sau đó cả rừng cây vải mọc lên, nên dãy núi này mang tên Kulen (có nghĩa là trái vải), còn những mảnh thuyền vỡ văng khắp nơi hóa thành những khối đá vôi kỳ dị bị nước bào mòn; dấu tích sự có mặt của biển hàng triệu năm trước.

Từ đỉnh núi có dòng suối Kbal Spean trong veo được xem là nơi phát nguồn của dòng sông Siêm Riệp. Hàng triệu mạch nước li ti tích tụ thẩm thấu và chắt chiu từ đá góp nhặt thành sông, chảy về thành phố rồi ra Biển Hồ. Nước trong như pha lê – mát lạnh như da thịt các tiên nữ Apsara hệ thế – len lỏi một cách nghịch ngợm giữa rừng cây ngạo nghễ. Trong truyền thuyết, vua Jayavarman II coi khu vực này là dòng nước thánh.

Vào năm 1050, vua Suryaraman I đã cho đắp đập ngăn dòng suối Stung Kbal Spean trên đỉnh núi và thực hiện công trình vĩ đại độc nhất vô nhị. Biến dòng sông bằng đá – trên một chiều dài hơn 4200m rộng 20 – 30m thành một điêu khắc đồ sộ. Hàng ngàn Linga và Yoni lớn nhỏ (miêu tả bộ phận sinh dục nam và nữ)- hàng ngàn tượng thần Deva và tiên nữ Apsara, thậm chí có cả nữ thần sắc đẹp Laksmi và cả sử thi Khmer được tạc vào đá dưới dòng sông. Đây là công trình mất nhiều thời gian nhất, kéo dài hơn 100 năm. Có lẽ do đặc thù lao động không thể thực hiện liên tục? Mỗi năm chỉ có thể thi công mấy tháng vào mùa nắng? Các kiến trúc và điêu khắc ở đây không chỉ theo phong cách Hindu mà bắt đầu hòa lẫn dấu ấn Phật giáo. Người dân Khmer gọi đây là dòng sông ngàn Linga. Đến giờ người ta vẫn chưa thể trả lời được người xưa đã làm như thế nào để có thể thực hiện công trình này và tạc tượng dưới dòng suối này được. nơi chứa hàng ngàn Linga và yoni, biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực, biểu tượng của sức mạnh sinh sôi nảy nở. Nghe nói tại nơi này, đàn ông thì ngồi trên Linga để cầu xin sức mạnh, phụ nữ thì ngồi ở Yoni để cầu sự tha thứ. Hóa ra đi về phương tây rồi (Cambodia đúng là ở phía Tây của Việt Nam còn gì) mà tinh thần trọng nam khinh nữ vẫn còn. Tại sao các anh thì được cầu sức  mạnh còn chị em thì lại cầu xin sự tha thứ, chị em có làm gì sai chăng??? Nếu mà không sai thì cũng không được cầu sức mạnh ah? Nhưng cũng lại có những dị bản khác, nói rằng đàn ông ngồi trên linga để cầu xin sức mạnh, còn số khác lại nằm trên yoni mong dòng nước thần mát lạnh xóa bỏ lỗi lầm, phụ nữ thì ngồi trên bờ lầm rầm cầu nguyện cộng hưởng cùng chồng cùng con dưới nước. Người ta cũng cho rằng, nếu cho trẻ em tắm suối này, trẻ em sẽ rất mau lớn và khỏe mạnh, thông minh. Vào mùa lễ hội, hàng ngàn trẻ em Khmer được bố mẹ cho tắm dưới dòng suối này, với cầu mong con cháu họ sẽ khỏe mạnh.

Dòng sông Linga bắt đầu từ thượng nguồn của núi Phnom Kulen chảy qua 1.000 Linga tạc bằng đá khối rồi đổ xuống sông Siem Reap trước khi ra Biển Hồ là mong ước của đế chế Khmer về sự phồn thịnh ngàn năm. Ngày nay, ai đến đây cũng mong muốn được “sờ” vào Linga để mong có được điều may mắn trong cuộc sống. Thời điểm tham quan dòng sông 1.000 Linga tốt nhất là vào mùa khô, từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, khi đó các bức hoạ ở hai bên bờ sông và dưới lòng sông sẽ được lộ ra rõ nét nhất, không bị che lấp hay chìm sâu dưới làn nước. Điều đặc biệt, trải qua thời gian hàng nghìn năm, dòng sông vẫn giữ được trong mình những mẫu tượng Linga, tượng thần dưới lòng sông mà chưa bị chôn vùi cùng với thời gian. Mùa mưa, nước chỉ qua đầu gối, mùa hè nước chỉ tới cá chân.

Nơi mà Mr. Sokhan thả chúng nó xuống chính là đoạn thượng nguồn của Kbal Spean. Lần theo con đường mòn ven suối, những Linga đầu tiên ẩn hiện dưới làn nước trong veo. “Nước chảy đá mòn”, vậy mà bao nhiêu năm nay, dòng nước nơi thượng nguồn bốn mùa đều chảy róc rách này chẳng lẽ không hề phá hủy được công trình kiến trúc này??? Bởi vì sông thiêng, hay bởi vì nước cũng lưu tình??? Có những đoạn nước cạn, Linga và Yoni trơ những đá là đá, có những đoạn nước rất nông, chỉ tầm 5cm thôi, nhìn bức tranh điêu khắc dưới nước lấp lánh lấp lánh trông càng tinh tế hơn.

Vốn nghe không ra đây là đoạn thượng nguồn, cả nhóm bảo nhau, nhất quyết tìm về thượng nguồn của dòng sông. Ban đầu còn gặp mấy bạn đi ngược đường, gặp mấy cái miếu rồi cả cái đền rồi thấy cả những con gà làm phép dọc đường nên nghĩ cứ đi tiếp sẽ tìm thấy “kho báu” Thế là tiếp tục đi, men theo con suối rồi men theo rừng già. Cứ đi, đi miết. Thật không thể tưởng tượng nổi, sang tới đất bạn rồi, nó vẫn còn được tham gia vào một chuyến leo núi như thế này. :D. Rễ cây uốn lượn, vắt vẻo như những con xà tinh bên đường khiến nó thích thú vô cùng. Các anh các chị cứ đi trước, còn nó đánh đu vài nhịp xong, lại hý hoáy với mấy khóm hoa mẫu đơn ven đường, khi lại chăm chú quan sát mấy bạn côn trùng chẳng biết tên bên đường. Mọi người có vẻ không yên tâm khi nó làm chôt-tờ, thi thoảng vẫn hú gọi xem đã lạc hay chưa. :D. Chỉ có anh Tuyên lit-đờ là tin tưởng nó thôi. Anh cười hì hì nói là đam mê của nó rồi thì lo gì chứ. Chơi đu, nghịch kiến, ngắm hoa chán chê, nó đi một mạch băng băng. Thế là vẫn kịp cả đoàn, thậm chí quá đà là vượt lên. Dù sao nó cũng là chốt- tờ, lo gì chứ. Có những đoạn cây gai chằng chịt và chi chít vắt ngang lối đi, nếu mà không cẩn thận thì va vào mặt ngay. Nó quên mất trong đoàn có những người leo núi nghiệp dư lắm, như em gái nó ấy. Thế là vội vàng vượt lên, dặn cô em nhìn đường và nhìn người đi trước, đừng có dùng tay không mà bám cây bám bụi, cẩn thận gai xước vào tay. Nó không thể vừa đi vừa chăm sóc cô em thật cẩn thận được. Cũng may là không có nhiều dốc và mùa này cũng không có vắt. Chứ không, một cuộc chinh phục ngược dòng “chộp” mang tính ngẫu hứng và bất ngờ này mạo hiểm bỏ xừ. Cái gì cũng có hai mặt, tất nhiên là không chuẩn bị tinh thần có cái thú vị của không chuẩn bị và cũng có cái bí của không chuẩn bị.

Tách dần đoàn khách du lịch có hướng dẫn viên từ lúc đi theo đường mòn nên thật khó để biết con đường này có dẫn tới thượng nguồn hay không. Chỉ biết đi và đi, càng đi, càng không nghe thấy tiếng suối chảy róc rách nữa. Đã bắt đầu có dấu hiệu của sự mệt mỏi trong đoàn. Vẫn biết là ai cũng muốn khám phá thế giới nhưng không phải ai cũng có một niềm đam mê và sức khỏe phi thường như nó, nên chỉ biết cùng nghỉ cùng chờ thôi. Thương nhất là cô em gái, bình thường ở lớp chỉ cần thể dục kiểm tra chạy thôi là cả tối phải bóp chân xoa tay rồi, thế mà hôm nay chắc vì sợ nó mắng hay sao mà không dám than thở nửa lời. Nó thầm trách bản thân, có những lúc Bonsevich tới phát tợn. Vừa thương vừa lo, thương em vì không dám làm chị lo mà lại lo cho em nhỡ có sây sát gì thì nó làm sao dám vác mặt về nhà. Làm gì phải nói đâu xa, mới ngày đầu tiên đi leo có mấy cái đền thôi mà cô nàng đã không bò lên được, tối về chẳng kịp ăn gì đã lăn ra ngủ. Ngày hôm sau thì chẳng buồn đi đâu, cứ ngồi xe đợi chị thôi. Vừa đi vừa dặn dò, nếu mệt quá thì phải nghỉ, không được đi quá sức. Hai chữ “quá sức” bất giác làm nó nghĩ tới câu chuyện buồn nơi Cực Đông năm ngoái. Quay ra nhìn mặt cô em, vẫn thấy cười toe, thi thoảng còn nháy mắt ra hiệu về một chuyện gì đó làm nó bật cười rồi gật đầu đồng ý. Hehe, dù gì đúng là không ai hiểu chị bằng em gái, và chẳng ai hiểu em hơn chị gái. 😀

Sau một hồi đi giữa rừng già, cả nhóm thấy được bìa rừng. Một khoảng trống “bình nguyên”. Bầu trời vẫn trong xanh, nắng vẫn vàng như rót mật và cỏ dưới chân vẫn xanh mướt mát. Cảm giác như sống lại những ngày thơ ấu với “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Nó thấy thích thú vô cùng. Không biết các anh các chị trong đoàn có thấy khó chịu với cái “điên” của nó không nữa. Kể thì cũng ngại thật, nếu mà có ai đó gặp chuyện gì không may, nó ân hận chết mất. Cái tính hoang dại cầm đầu này thật khó sửa.

Quanh quẩn tìm đường đi tiếp, nó phát hiện ngay phía tay trái có một cây to mọc lẻ loi cao vút. Không hiểu sao, nó luôn có cảm hứng với những cái cây đơn độc một mình như thế này. Cứ đứng tần ngần ngắm cái cây mãi thôi. Có lẽ vì nó thương cái cây cô quạnh giữa núi rừng chăng??? Anh Tuyên và anh Quang vẫn tiếp tục công cuộc tìm đường lên đỉnh. :D. Mỗi anh phát hiện ra một lối mòn, nhưng có lẽ nên tin theo người có kinh nghiệm đi nhiều như anh Tuyên hơn. Băng qua lối nhỏ, quang cảnh xanh rờn của bình nguyên bên kia hoàn toàn thay thế bằng một quang cảnh khác. Hoang tàn và có một chút gì đó của sự tàn phá. Ngổn ngang là những thân cây, cành cây bị chặt. Rải rác trơ những gốc than đen. Xuất hiện rất nhiều mảng nấm to rực vàng bên thân cây đổ. Một vài cây non đang nhú lên. Không có cây rừng che nắng nên mọi người càng thấy mệt hơn. Chị Thanh đã không chịu được cái nắng gay gắt, cuối cùng dù mang ô, mũ vẫn phải lôi khăn mùa đông ra quấn. Ban đầu cứ ngỡ là chị che nắng, hóa ra không phải, chị ấy đã không chống đỡ được và có vẻ bị trúng gió, phải cảm rồi, chị ấy liên tục kêu lạnh. Nhưng cũng không thể chết dí ở đây được, mà càng đi thì càng thấy mơ hồ, dấu hiệu nơi này không phải là nơi cho khách du lịch đi càng rõ. Bất giác, nó rùng mình, những năm thời kỳ Khmer đỏ, Kulen là căn cứ địa của Khmer đỏ, nghe nói trong vùng núi này tới nay vẫn còn nhiều nơi còn mìn lắm, nếu không có người bản địa dẫn đường, rất rất có thể sẽ sa vào bãi mìn. Nguy hiểm, không còn trong suy nghĩ của nó nữa rồi. Nhưng lúc này không thể làm rối trí những người còn lại, đành đánh bạo can đảm nói rằng mọi người ngồi nghỉ lại, cho chị Thanh hồi sức đã, có mấy ngã rẽ, biết đi ngả nào đây. Chi bằng đánh bạo dò đường rồi gọi cho cả nhóm, chứ cứ đi, đi mãi cũng chưa biết có quay lại được không.

Anh Cường đi theo ngả phía dưới, anh Tuyên không yên tâm để nó đi một mình nên cùng nó hoa tiêu con đường còn lại. Đi tiếp, đi tiếp thì lại thấy rừng già và đương mòn, chứ không còn là đồi trọc trơ cảnh cháy trụi như đoạn vừa rồi, cứ ngỡ như vậy là có thể tìm ra. Nhưng sự đời đâu dễ lường trước và tính toán được, cứ ngỡ có dấu vết trên thân cây là lần ra đường. Đi tiếp, lại thấy ngã ba. Hai anh em nhìn nhau nản quá, chỉ biết cười trừ. Trên thân cây ngoài dấu mũi tên để lại bằng sơn đỏ, còn thấy một tấm giấy nhưng toàn chữ con giun nên chả biết chỉ dẫn thế nào. Trên một cái cây cách đó không xa, cũng lại thấy một dấu mũi tên chỉ đi đường đó, cũng lại thêm cái biển chữ giun đã nhàu nát. Quả là không biết nên đi hướng nào. Vậy nên có lẽ nên quay lại đi theo hướng ngược lại thôi. Nó thật sự rất rất sợ, nó không biết liệu có quả mìn nào giăng bẫy phía trước không. Ai dám đảo bảo cho nó cứ theo con đường này sẽ tìm ra bìa rừng một cách an toàn. Máu dường như ngừng lại trong người nó, chỉ cần chậm một phút nữa mà không nghe thấy tiếng gọi “Quay về, đường này” của nhóm ở lại, nó sẽ quỵ xuống mà khóc mất. Tiếng gọi không quá xa, nhưng nó nghe như từ một nơi xa xăm lắm. Bừng tỉnh, giật mình và đi như chạy về theo lối cũ, tựa hồ, nó vừa bước chân thoát khỏi cửa tử.

Tất cả đi theo con đường phía dưới anh Cường hoa tiêu. Chị Thanh vẫn quàng khan quanh người và cố gắng tự đi. Nó không dám nói với ai nỗi sợ thấp thỏm trong lòng nó lúc này. Không biết có anh chị nào đã từng tìm hiểu và đọc thông tin về Kulen chưa, và có thấy sợ như nó lúc nãy không??? Hi vọng là không ai bị sự hỏang sợ và hoang mang đè nén như với nó lúc này. Hi vọng là cả nhóm sẽ an toàn thoát ra bìa rừng.

Cuối cùng cũng ra tới con đường mòn quen thuộc lúc trước đi vào. Nó thở phào nhẹ nhõm. Chị Thanh kiên quyết quay ra, còn các anh chị em còn lại thì vẫn cố đợi xem có đoàn du lịch nào đi tới thì hỏi thăm đường đi tiếp. Rõ ràng Mr. Sokhan nói là còn có chùa và thác nước vòng quanh đây, không lẽ mới đi tới điểm đầu tiên mà đã cụt đường? Anh Tuyên nhận được điện thoại của chị Thanh ra trước đó rằng cả đoàn quay ra hết, vì đoạn suối ngàn Linga này là đoạn thượng nguồn, chỉ có một đoạn này thôi. Muốn đi tới chùa và thác nước thì quay ra ngoài đi ô tô tới điểm tiếp theo. Quá nhọ cho những ai tham gia cuộc hành trình thám hiểm ngày hôm nay. Nhưng đúng là không có những phút giây luẩn quẩn loanh quanh tìm lối thoát thì khúc sông ngàn Linga kia chắc gì đã thỏa nỗi niềm du hí cơ chứ, nhất là khi những gì hoành tráng và kỳ vĩ nhất của ngàn linga nơi Kbal Spean đã bị bỏ qua một cách không thương tiếc. Thậm chí, tới lúc chụp tấm hình cái bảng chỉ dẫn Sông ngàn Linga, nó vẫn chưa hình dung được một cách đầy đủ rằng cả một hành trình sông thiêng Kbal Spean mới là đáng thăm thú hơn đoạn thượng nguồn này rất nhiều. Tất nhiên, nếu trong hành trình mà trọn vẹn được tất cả thì còn gì tuyệt hơn. Lại phải hẹn Kbal Spean trong một chuyến đi khác, có lẽ là dài ngày hơn rất nhiều so với chuyến đi lần này.

Mr. Sokhan không thể không nhịn cười khi nghe chúng nó nói đã tìm đường đi sang chùa và lên thác nước. Ngồi lên xe, đi tới địa điểm tiếp theo là chùa Phật Lớn (Paang Thom). Quãng đường chẳng ngắn ngủi gì, thế mà định đi theo con đường “lâm tặc” kia thì bao giờ mới sang tới chùa. Quá bằng thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh mất thôi. Thật không thể tưởng tượng nổi nếu cả nhóm mà không quyết định quay ra hỏi đường thì sẽ như thế nào. Có khi cái suy nghĩ: “thời sự đưa tin một nhóm bạn trẻ Việt Nam mất tích trên núi Kulen” thành sự thật đấy chứ. Xuống xe, Mr. Sokhan căn dặn cẩn thận là đi bộ khoảng 200m nữa thì tới chùa. Không dám tin vào tai mình nghe được, lại cẩn thận hỏi lại “200m only???” để Mr. Sokhan khẳng định lại. Bác ấy cũng biết là nó sợ đi lạc đường lần nữa nên cười và bảo lên chùa chỉ có 1 con đường thôi, đừng đi lung tung. Yên tâm đi lên ngôi chùa linh thiêng dưới cái nắng gay gắt.

Hai bên đường, có nhan nhản các quầy bán đồ, từ hương hoa tới mũ mão, đồ lưu niệm… Cảm giác như đường vào mấy chùa ở Việt Nam trong ngày lễ hội, chỉ thiếu loa đài thôi :D. Chị Thanh và anh Tuyên mua hoa sen lên chùa. Nắng quá, đi lên cách xa chỗ đó rồi, nó ngại không muốn chạy xuống chỗ các anh các chị để mua nữa.

Cả khu rừng Kulen có tất cả 37 ngôi đền, chùa cổ có tuổi đời hàng ngàn năm, nhưng đặc biệt nhất vẫn là chùa Paang Thom, Cả ngôi chùa nằm trên một khối đá khổng lồ cao gần 20m, rộng hàng chục mét. Phần trên của khối đá được tạc thành tượng Phật nằm dài 9,7m, cao 3,3m. nơi đây ngoài bức tượng Phật được tạc thẳng vào núi đá, còn có dấu chân của vị thần giúp xây dựng Angkor và bộ Linga-Yoni cổ. Tương truyền để xây dựng kỳ quan Angkor, người Khmer đã được sự giúp sức của các vị thần và nơi này còn lưu giữ dấu chân phải dài 2 m, sâu 0,4 m mà theo truyền thuyết là dấu chân đầu tiên của thần và dấu chân trái nằm trên đỉnh núi Bakkheng cách núi Kulen 50 km.

Nó đặt chân lên những bậc thềm lát gạch đầu tiên. Hai bên đường là các bức tượng người, hươu,… và không thể thiếu hình bóng của rắn thần Naga. Mải đi lên, nó cũng quên không đếm xem có bao nhiêu bậc thang tất cả. Lát nữa xuống nhớ đếm là được. Qua cổng chùa, phía bên tay phải là một bức tường dày đặc chữ. Không có hướng dẫn viên nên nó chẳng hỏi ai được bức tường này có ý nghĩa gì, đành phỏng đoán như ở Việt Nam thì là bức tường ghi lại lịch sử xây dựng chùa đó.

Điểm dừng đầu tiên là Preak Bat Choan Tuk – nơi có dấu bàn chân phải của vị thần đã giúp người Khmer xây dựng Angkor. Bàn chân có chiều dài 2m, rộng 0m8 và sâu 0m4, tương đương với dấu bàn chân trái trên đỉnh núi Bakheng gần Angkor Thom. Cũng giống như ở Việt Nam, người Cambodia tin rằng lưu lại một vài tờ tiền nơi này thì sẽ may mắn. Vậy nên lòng bàn chân thần có rất nhiều tiền lẻ. Có thể là do ngày hôm qua không thấy được dấu chân phải trên Bakkheng nên hôm nay, nó chẳng thấy dấu chân trái này có gì ấn tượng cả.

Từ Preak Bat Choan Tuk đi lên vài bậc thềm nữa, du khách bị thu hút ngay bởi bộ Linga-Yoni đá cổ xưa còn nguyên vẹn. Ngày xưa, trong các buổi lễ, các tu sĩ sẽ tưới sữa và nước lên đầu Linga  rùi chảy xuống Yoni theo rãnh thoát ra ngoài. Tín đồ hứng sữa và nước  để  uống ,để rửa mặt  cầu mong tăng thêm sức mạnh và phước lộc.  Bây giờ thì nơi này trở thành nơi thương mại hóa quá rồi. Vừa mới mon men tới gần, một bác trai đứng tuổi giả ngô giả nghê ra mời dùng nước thánh. Cơ mà chị Thanh tỉnh lắm, chị ấy thấy mấy đồng 500.000 VND trong cái thùng tiền gần đó nên nói với hai chị em: “Các em cẩn thận không là bị lừa tiền đấy nhá, nếu mà muốn thì phải hỏi trước để đặt tiền đã nhá!” Cũng giống như đi chùa Hương dùng nước suối Yến thì đặt tiền, cũng là một cách để công đức cho chùa thôi mà. Tuy nhiên, bác kia bác ấy có vẻ “không hợp tác” trong khoản công bố mức phí thì phải. Thà như mấy hôm trước, fix luôn giá mấy đô cho một cái vòng cho nhanh, đây cứ giả ngây giả ngô, vờ không hiểu nó nói gì mà định lừa nó chắc. Còn lâu nhá, nó nhìn cô em gái, hai chị em chìa 4 cái vòng trên tay ra cười cười, làm sao bị chăn được nữa, hai tay hai vòng nhắc nhở rồi mà. 😀

Phía sau bộ Linga- Yoni là một điểm dừng chân kế tiếp, điểm dừng chân thật sự. Một tảng đá có khắc các chữ Hoa cổ giống như mạn thuyền. Tương truyền đây là mạn một con thuyền buồm Trung Quốc mà một số thuyền trưởng có phép thuật thường cho thuyền bay lên trời để về nước. Lần nọ, người đầu bếp vô tình phát hiện, thuyền trưởng giật mình, tàu rơi xuống núi vỡ tan, những trái vải còn sót trên thuyền tung tóe khắp khu vực và mọc đầy trên núi. Vì vậy mới có tên núi Kulen hay núi Hồng bởi vào mùa vải chín, cả rừng nhuộm hồng rất đẹp. Ngồi nghỉ ngơi cùng nhóm các anh chị ngân hàng Nam Á và đợi mọi người thăm Phật Lớn xong để chị em nó lên.

Tháo hết giày dép ở bên dưới. Men theo một chiếc cầu thang dốc và nhỏ, nó lên ngôi đền có bức tượng Phật Lớn. Ngôi đền nằm trên một khối đá cao 18 m, rộng khoảng 90 m2. Phần trên cùng của khối đá là tượng Phật nhập Niết Bàn dài 9m7, cao 3m3. Khói nhang mờ mịt, các tượng Phật nhỏ đặt dài theo thân tượng Phật nằm, tiền lễ cũng được cài cắm bên các hốc đá. Thành tâm đặt lễ và cầu binh an hạnh phúc. Mấy bác trông đền còn bày cho cách làm phép: chạm tay vào đá rồi vuốt lên đầu 3 lần như vậy sẽ gặp nhiều may mắn.

Phía sau ngôi đền này còn có các công trình khác nhưng chủ yếu là xây dựng mới, không gắn với điển tích điển cố nào nên không hấp dẫn khách du lịch. Lần này xuống dưới, nó đã nhớ ra là phải đếm xem có bao nhiêu bậc thang lên chùa. Vừa đi vừa đếm, vừa cùng các anh chị Nam Á chụp hình nên cứ chốc chốc lại quên mất đang ở bậc thứ bao nhiêu. :D. 108 bậc để lên tới chùa. 108- vẫn là con số mang tính biểu trưng và ý nghĩa may mắn của rất nhiều nền văn hóa.

Rời chùa Preak Ang Thom (Chùa Phật Lớn), cả đoàn đi tới điểm thăm quan cuối cùng trong tấm vé 20$ ngày hôm nay: thác Bạc. Lần trước tìm hiểu thông tin trên mạng, thấy có nhóm còn đi xuyên rừng già để đi từ chùa sang thác Bạc cơ, phiêu thế. Nhưng mà trải qua giai đoạn hoang mang vì mất phương hướng trong khu rừng lúc trước đủ làm nó không dám manh động nữa rồi. 😀 Dù sao, trời nắng nóng như thế này thì ngồi ô tô vẫn mát hơn. :-p

Theo truyền thuyết, núi Kulen có hai con Rồng ẩn mình nên thi thoảng khi Rồng thở, có hai dòng nước phun trào như núi lửa, nhìn rất hung vĩ. Không biết hôm nay tới thác Bạc có may mắn được thấy Rồng thở hay là Rồng nín thở đây? J Người ta nói, đặc sản của núi rừng Kulen là vải, nhưng có lẽ chưa tới mùa nên nó không thấy có ai bán vải ở đây, chỉ thấy chuối đỏ là nhiều. Chuối đỏ cũng là một trong những thứ nổi tiếng của các bạn Cambodia. Ngày hôm qua lúc ăn trưa ở nhà hàng cô thân thiện, nó cũng thấy người ta treo lủng lẳng rất nhiều chuối đỏ bán cho khách du lịch. Vốn bụng dạ không mấy hợp với chuối, nên dù cũng muốn xem xem hương vị nó khác thế nào với chuối Cảnh Hưng nhà bạn Loan hay là chuối trong vườn nhà bà nội nên cuối cùng nó lại không dám manh động. :-p. Thác nước đầu tiên có độ cao hơi thấp, bên dưới khá bằng phẳng nên tập trung rất nhiều gia đình có trẻ nhỏ. Và cũng bởi vì nó quá đông nên nó cũng chẳng muốn lán lại lâu hơn.

Chị Thanh vẫn bị đau đầu và có vẻ mệt sau chuyến thám hiểm rừng già, chị chọn ngồi ở một mỏm đá chứ không xuống suối như chúng nó. Qua rất nhiều lần thang gỗ trúc trắc có, lung lay có, gẫy sập có, cuối cùng cũng xuống tới thác thứ hai. Thác cao tầm 15-20m, nước đổ khá mạnh, tuy nhiên có lẽ mới đầu mùa mưa nên thác vẫn chưa thực sự hung vĩ. Nếu so với thác Bản Giốc của mình còn thua xa. Bù lại, vẻ đẹp hoang sơ nơi đây khiến cho khung cảnh vẫn hấp dẫn du khách. Quanh thác, có khá nhiều chiếc xích đu gắn đầy hoa cỏ, đây là dịch vụ cung cấp cho khách được pose những tấm hình như giữa chốn thần tiên.

Trước khi xuống thác này, bầu trời đã xám xịt, sầm sì lắm rồi. Thế nên, ngay lúc này, những giọt mưa tí tách rơi xuống cũng không gây bất ngờ gì. Nhanh nhanh chóng chóng chạy lên bờ, còn bao nhiễu là giày dép, túi, balo vẫn để chỗ chị Thanh. Những bậc thang dính nước khá trơn khiến tốc độ chạy lên bị giảm đi phần nào. Vừa lên tới nơi là mưa như trút. Nghe thấy giọng chị Thanh gọi gần đó, chạy nhanh vào lán chị đang ngồi. Các anh chị ngân hàng Nam Á chậm chân hơn một chút nên dính mưa. Ngồi trong lán nhìn mưa rơi tầm tã, thấy nản lòng quá đi. Đến Siem Reap chơi có mấy ngày thì ngày nào cũng mưa. Thật không thể hình dung được trời vừa nắng gay nắng gắt như thế, mà mưa ngay được. Nhưng nói gì thì nói, cũng may là có những cơn mưa đầu mùa thoắt đến thế này mới làm dịu đi cái gay gắt của thời tiết. Ngồi ngắm mưa và hứng nước để rửa chân tay như cái thuở còn thơ. Bên cạnh là hai bác người bản địa, các bác ấy đang viên những viên gì be bé như hòn bi ve từ chậu bột màu nâu nâu. Không biết đây là thứ thuốc dân gian hay là thứ đặc sản gì đây không biết. Nhưng nhìn đôi bàn tay tèm lem chả vệ sinh gì cứ viên viên thế kia, nó lại không nghĩ là thứ gì đặc sản, chắc chỉ là thuốc ho mà thôi J. Không hỏi được chút thông tin gì vì hai bác ấy không nói được tiếng Anh mà hình như cả đến body language của nó, hai bác ấy cũng hiểu lầm thành nó xin nước. 😀

Mưa tạnh, nắng lại vàng như rót mật. Hơi nước bốc lên từ những khóm cây, bụi cỏ, thậm chí từ mặt đất. Nó cười hì hì trêu rằng Rồng đang thở phì phò đó. 😀 Chỉ là nói vui vậy thôi, chứ đây là ở thác Bạc, đâu phải nơi Rồng ngự ở giếng thiêng đâu. Dù gì thì cũng đã 12h trưa, rồng có thở hay nín thở hay là rồng ngủ thì cũng không ai muốn tìm hiểu nữa rồi, mục tiêu cơ bản và quan trọng bây giờ là đi ăn thôi. Quán ăn trên đường quay về Bantaey Srei, thế nên cũng phải khá xa mới về tới nơi. Ai ai cũng thấm mệt, vạ vật gục vào nhau mà ngủ, không còn cảnh chuyện trò hưng phấn như lúc đi nữa. Mặc dù chập chờn nhưng cũng phải ngủ được dăm ba cái “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”, nó mới tới được quán ăn trưa. Mr. Sokhan nói có bạn ở đây nên dù giữ thế nào bác ấy cũng không ăn cùng. Vẫn là gọi những suất ăn quen thuộc: cơm gà, cơm bò mà thôi. 😀

Nắng nóng hầm hập, nhà hàng này vốn là một cửa hàng bán đồ gỗ nội thất nên không gian rộng mênh mông kiếm đâu ra cái điều hòa hạ hỏa đây. Quạt thì không cả đủ đuổi ruồi, nhìn vẻ ai cũng mệt mỏi. Quá trình ăn uống nhanh nhanh kết thúc đi nào, hành trình ngày hôm nay nhanh nhanh kết thúc đi nào :D. Cơ mà vẫn còn ngôi đền thông điệp của thiên sứ đầy quyến rũ và cả ngôi làng làm đường thốt nốt nữa cơ mà, thậm chí là còn cả khinh khí cầu nữa cơ mà, kết thúc là kết thúc thế nào.

Banteay Srei (hay Banteay Srey) là một ngôi đền Campuchia được xây để thờ thần Hindu là Shiva. Đây là ngôi đền Angkor duy nhất không được xây dựng bởi một vị vua, nó được xây dựng bởi một đại thần. Ngôi đền “Banteay Srei” (thành trì của phụ nữ) xây dựng vào thế kỷ thứ 10. Ngôi đền chính thức bị quên lãng sau nhiều thập kỷ liên tiếp cùng chung số phận với hơn 45 cụm di tích khác trong quần thể Angkor. Sau đó ngôi đền chính thức được phát hiện vào năm1914 bởi các nhà khảo cổ người Pháp.

Năm 1923, một nhà văn Pháp trẻ 22 tuổi André Malraux cùng vợ và một người bạn đã đục lấy đi các tượng tổng cộng hơn 600 ký, chở đi trên ba xe bò, và sau đó dùng tàu thủy đến Phnom Penh để bán cho người mà họ đã thương lượng trước đó. Nhưng may thay, tại đấy, cả ba bị bắt và bị kết án ba năm tù. Bản án tuy vậy không được thực thi nhưng vụ án này đã được phổ biến rộng rãi trên báo chí và từ đó thúc dục nhà cầm quyền thực thi vai trò quan trọng của sự bảo tồn và bảo vệ những kiến trúc quí giá ở Angkor.

Đường vào Banteay Srei được quy hoạch khá khang trang. Trước khi qua cửa soát vé, tấm vé 40$ của nó vẫn nguyên vẹn còn đủ cho 1 ngày thăm quan trọn vẹn Angkor nữa, nhưng mà tới khi vào thăm thì chỉ cần 1 vết “đục lỗ|, cái vé từ giá trị 20$ rớt xuống zero. Vậy nên khi anh chàng soát vé kiểm tra vé của nó, nó chỉ muốn giật lại vé nói chẳng vào đây làm gì nữa, có 1 ngôi đền mà những 20$, quá đắt rồi. 😀

Dọc đườngcó những ruộng lúa đã chín. Người nông dân đã bắt đầu thu hoạch rồi. Các bạn Tây có vẻ hứng khởi và hồ hởi với màn gặt lúa này lắm. Trời không nắng nhưng quá oi bức. Nhanh nhanh chóng chóng vào chính điện mà thăm quan thôi. Banteay Srei được xây chủ yếu bằng đá sa thạch đỏ, một chất pha màu được thêm vào những bức điêu khắc trang trí tỉ mỉ trên tường mà ngày nay vẫn còn được nhìn thấy. Những công trình này là một vật thu nhỏ khi lấy các công trình Angkor làm tiêu chuẩn. Những yếu tố này giúp cho ngôi đền nổi tiếng với du khác, và được nhắc đến với các tên “viên ngọc quý”, hoặc “trang sức của nghệ thuật Khmer”. Bản thân ngôi đền được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật trên đá của nghệ thuật tôn giáo Balamon Ấn Độ v ới những bức phù điêu hoa văn một cách tinh tế và khéo léo từng chi tiết nhỏ. Đền gồm ba lớp, qua cầu đá đi vào cổng đền là vòng ngoài, qua cầu đá thứ hai là cổng vào vòng giữa và cuối cùng là vòng trong gồm các đền thờ và hai toà kiến trúc gọi là “thư viện”. Cửa chính từ phía đông là một ô cửa chỉ cao 1,08 m, bên trong là một căn phòng (hoặc mandapa ) với một mái ngói, sau đó là một hành lang ngắn dẫn đến ba tòa tháp phía tây. Tháp trung tâm là cao nhất, cao 9,8 m. Các gian phòng mandapa nối với trung tâm đền thông qua các tượng người bảo vệ đền. Các tượng này thật ra chỉ là tượng sao bản, tượng cổ nguyên thủy hiện nay được giữ bảo quản ở Viện bảo tàng Quốc gia Phnom Penh. Trên mi cửa (lintel) ở cửa hành lang điện sảnh là những điêu khắc tỉ mỉ. Có nhiều hoa văn trên đá như hoa lá, các con Phật sư hay những con sư tử và các vị thần linh được điêu khắc một cách tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ nhất. Trên sân nhỏ giữa đền ở vòng trong có ba đền thờ: kiến trúc đền thờ phía Bắc thờ thần Vishnu, đền trung tâm và đền phía Nam thờ thần Shiva. Ngoài ra, trên các bức tường còn có những bức điêu khắc hình ảnh của những đoạn sử thi thật hào hùng. Âm thanh của các nghệ nhân Cambodia chơi nhạc dân gian càng làm cho du khách bị thôi mien, bị hấp dẫn với vẻ đẹp ngôi đền.

Bởi vì các anh chị bên ngân hàng Nam Á không có vé Angkor ngày nữa nên mọi người ngồi café đợi. Chị em nó ngại để mọi người chờ lâu, nên cũng không lán lại ở đâu quá lâu. Nhặt vài quả tím trên đường ra, ngắm vài cây cổ thụ đầy những cây dây leo quấn quýt bên mình, chị em nó trở ra. Lúc khát nước thì không gì đã khát hơn là nước dừa. Chị chủ quán này rất dễ tính, mua có 1 quả 3000 Riel, mà được chọn tự do. Lúc muốn ăn cơm dừa, nó nhờ chị ấy bổ ra, chị ấy còn nhiệt tình tìm giúp cho hai chiếc thìa để ăn cho dễ. J

Tạm biệt ngôi đền duyên dáng với những đường nét nghệ thuật điêu khắc nhẹ nhàng mà hết sức uyển chuyển tinh tế, nó mang theo thông điệp của thiên sứ về làng đường thốt nốt. Giống như những quầy hàng bán bánh phu thê ở Từ Sơn, các quầy hàng đường thốt nốt bày bán nhan nhản bên đường. Xe đỗ xịch xuống đường, chỉ có nó và chị Thanh mua đường về làm quà. Hai chị em chia nhau mua ở hai quán khác nhau. Nó ấn tượng với bác bán hàng cho nó lắm. Lần đầu tiên không mặc cả, tới khi thanh toán, thấy bác ấy dúi vào túi thêm mấy thanh đường nhỏ nhỏ rồi dài giọng “thêm”. Ah, nó hiểu, là được khuyến mại đây mà. :D, thế là tiện tay, với thêm 1 thanh nho nhỏ rồi cũng bắt chước “thêm”. Cả hai bác cháu đều cười, nó thì nghĩ là bác ấy biết chút ít tiếng Việt, mà chắc bác ấy cười vì nó kéo dài cái giọng bắt chước người ta. Vội vội vàng vàng mua quà, nhưng không có nghĩa là không nghía được công nghệ làm đường thủ công này đâu nha.

Thốt nốt gắn chặt với đời sống người Khmer như cây dừa với người Kinh. Thốt nốt tựa cây dừa. Thân to thẳng đứng, chịu đất giồng (đất sét pha cát). Bẹ có gai ngắn hai bên, mọc ra từ thân. Lá xòe tròn như bàn tay. Toàn thân như cây nấm chưa nở, trái đóng thành quày như quày dừa, nhỏ hơn đôi chút. Mỗi trái có 3-6 múi, ruột nhỏ như ruột dừa nước, ăn vui miệng. Rễ cắm sâu vào lòng đất, chống chịu gió bão rất hữu hiệu. Tuổi thọ thốt nốt rất cao, hàng trăm năm vẫn còn cho trái. Và muốn biết giới tính đực cái cũng phải mất 3 năm mới biết được. Trái thốt nốt chỉ bán cho người mua ăn chơi, hoặc uống giải khát, chẳng được bao nhiêu tiền. Chính món “thạch” hôm trước ăn trước khi vào thăm đền Preah Khan là món giải khát từ trái thốt nốt đấy. Thắng đường mới thật sự khai thác hết giá trị của thốt nốt. Muốn có đường thì lấy nước, không để trái. Khi thốt nốt vừa ra lưỡi mèo, việc đầu tiên là tìm một cây tre gai, cao cỡ ngọn cây định lấy nước, róc chừa nhánh ngắn đóng chặt vào thân thốt nốt làm thang để leo lên leo xuống hằng ngày. Kế đến, leo lên ngọn, dùng dao róc hết gai ở bẹ, tránh cọ quẹt lúc làm việc. Gai đâm rất độc, nên phải hết sức thận trọng. Lưỡi mèo ra dài, mình nổi u do có trái nhỏ bên trong. Để lấy được nhiều nước, trước khi cắt mạch, phải dùng kẹp (hai miếng tre cột dính một đầu) kẹp từ trong lưỡi mèo kẹp dần ra, tước bổ vỏ ngoài. Kẹp đúng 7 ngày (mỗi ngày một lần) mới cắt mạch. Mạch cắt mỏng như giấy quyến chót lưỡi mèo, rồi máng ống tre vào hứng nước (như hứng nhựa cao su). Nước ra ít thì cắt tiếp, mỗi ngày một lần. Ống tre chuyên dùng này là loại tre gai, giao lóng, ống to, cắt một đầu trống, khoét hai lỗ nhỏ để cột dây trên miệng ống, máng lên lưỡi mèo khi hứng nước. Muốn nước không chua, ống phải được hun khói. Người ta đắp cái lò đất có sườn sắt và nhiều lỗ để úp ống tre vào, đốt lửa hun khói. Ống thật khô không còn mùi hôi, đem hứng nước mới trong và ngon. Nước lấy xuống uống ngay ngon tuyệt.

Lấy nước xong, trong vòng 24 giờ phải thắng đường, để lâu hơn sẽ bị chua. Người ta đắp lò đất, đặt chảo to (chảo lá sen) đổ nước thốt nốt vào nấu. Nấu mãi đến khi dùng vá múc đường đổ xuống, nước kéo dây dính liền là tới đường. Đổ vào khuôn tròn tròn nho nhỏ làm từ lá như những chiếc nhẫn to bản, vài giờ sau đường đặc quánh. Trút ra, dùng lá thốt nốt gói bên ngoài như gói bánh tét. Đường màu trắng xanh là ngon nhất, để lâu được, màu vàng là đường cũ, bị lọt gió, mau chảy, không thể để lâu. Tuy nhiên, đường nào cũng ngọt dịu, thơm ngon và thanh mát.

Chiếc xe tiếp tục rời ngôi làng làm đường truyền thống, không tới được vườn thanh trà cũng hơi tiếc. Mà cái tiếc nữa là Mr. Sokhan nói bác ấy hỏi bạn bác ấy làm ở chỗ khinh khí cầu thì chiều nay không có gió nên họ cũng không bay khinh khí cầu. Như vậy là tan giấc mơ bay cao bay xa ngắm nhìn Angkor Wat rồi. Tự hỏi bản thân không biết có duyên nợ gì với Angkor Wat không mà nó để lỡ nhiều thứ ở nơi đó thế???

Bài viết liên quan
Gọi ngay
Chat với chúng tôi qua Zalo

HOTLINE HỖ TRỢ

TOUR TRONG NƯỚC 085.863.88.66

TOUR NƯỚC NGOÀI 085.863.88.66

TOUR KHÁCH ĐOÀN 085.863.88.66

CHO THUÊ XE 085.863.88.66

VÉ MÁY BAY 085.863.88.66

TEAMBUILDING/EVENT 085.863.88.66