Hướng dẫn chọn dây thừng leo núi

Nếu bạn đang tìm mua cho mình một bộ dây leo núi, hãy cân nhắc 4 điều sau đây:

  • Loại dây: việc chọn dây đơn, dây đôi, dây kép, hay thậm chí dây tĩnh sẽ phụ thuộc vào kiểu leo núi bạn chọn.
  • Kích thước dây: đường kính và chiều dài của dây sẽ ảnh hưởng đến trọng lượng, độ bền của dây, và là yếu tố quan trọng quyết định mục đích sử dụng dây.
  • Tính năng của dây: Một số tinh năng như chống nước hoặc dấu giữa dây cũng sẽ tác động tới việc bạn sử dụng dây như thế nào.
  • Chỉ số an toàn: hãy cân nhắc chỉ số này cùng kiểu leo núi bạn sắp tham gia để chọn ra loại dây phù hợp.

Hãy nhớ rằng: Leo núi một cách an toàn là trách nhiệm của chính bạn. Nếu bạn là người mới tập luyện, chỉ dẫn của các chuyên gia là vô cùng cần thiết.

huong-dan-chon-day-leo-nui-wetrek.vn

CÁC LOẠI DÂY LEO NÚI

Có hai loại dây leo núi chính: dây động (dynamic rope) và dây tĩnh (static rope). Dây động có thể dãn và hấp thụ lực giật do cú ngã gây ra. Dây tĩnh thì ngược lại, nhưng sẽ hữu dụng trong các trường hợp như đưa người bị thương xuống dưới mặt đất, làm dây bám để leo hoặc giảm tải khi đưa đồ lên cao. Không sử dụng dây tĩnh cho kiểu leo với neo trên đỉnh hoặc leo dẫn đầu, vì loại dây này không được thiết kế, kiểm nghiệm và phù hợp cho những mục đích đó.

huong-dan-chon-day-leo-nui-wetrek.vn

Dây tĩnh

Dây tĩnh thích hợp cho cứu hộ, thám hiểm hang động, dây bám cố định và giảm tải khi nâng. Dây tĩnh là lựa chọn tốt khi bạn không muốn dây bị dãn, ví dụ như khi đưa một người bị thương xuống, hay bám dây leo lên, hay đưa vật nặng lên cao. Không sử dụng dây tĩnh để leo với neo trên đỉnh hoặc leo dẫn đầu, vì loại dây này không được thiết kế, kiểm nghiệm và phù hợp cho những mục đích đó. Dây động Còn nếu bạn muốn mua dây động để leo núi, bạn sẽ có 3 lựa chọn: dây đơn, dây đôi hoặc dây kép.

  • Dây đơn (Single Rope)

Loại dây này rất thích hợp để leo núi kiểu truyền thống (traditional climbing – trad climbing), leo núi thể thao (sport climbing), leo vách đứng (big-wall) và leo với neo trên đỉnh (top-roping). Phần lớn người leo núi đều mua dây đơn. Cái tên của loại dây này cũng đã nói lên tất cả: bạn sẽ sử dụng một dây duy nhất, không dùng tới dây thứ hai như các kiểu dây kia. Dây đơn có rất nhiều kích cỡ và chiều dài khác nhau, phù hợp với nhiều người, và nói chung dễ dàng sử dụng hơn các hệ thống có hai dây. Một số dây đơn có chỉ số tương đương dây đôi và dây kép, cho phép bạn có thể dùng chúng với bất kỳ kỹ thuật leo nào. Mọi dây đơn sẽ được đánh dấu bằng số 1 với vòng tròn bao quanh ở cả hai đầu dây.

  • Dây đôi (Half Ropes/Double Rope)

Kiểu dây này phù hợp với leo núi truyền thống, leo núi đá tự do đa điểm (multi-pitch climbing), leo núi địa hình (mountaineering climbing) hoặc leo núi băng (ice climbing). Khi leo núi với dây đôi, bạn sẽ sử dụng hai dây riêng và luân phiên móc chúng ở các điểm neo để đảm bảo an toàn. Kỹ thuật leo này sẽ giảm bớt lượng dây cần đến trên những chặng leo khúc khuỷu, nhưng cần phải tập luyện để làm quen trước khi leo. Dây đôi có những ưu và nhược điểm khi so sánh với dây đơn:

Ưu điểm

  •  Kỹ thuật leo dây đôi sẽ giảm lượng dây cần dùng với những chặng leo ziczac.
  • Nối hai dây với nhau và bạn có thể đáp xuống xa gấp đôi so với dây đơn.
  • Dây đôi sẽ giúp bạn an tâm hơn vì dù một dây đã bị tưa hoặc đứt, bạn vẫn còn một dây còn lại.

Nhược điểm

  • Kỹ thuật leo dây đôi cần nhiều kỹ năng và thời gian để thành thục hơn so với dây đơn, do bạn sẽ leo và bám bằng hai dây chứ không phải một.
  • Trọng lượng tổng của hai dây chắc chắn sẽ nặng hơn một dây (tuy nhiên bạn có thể chia bớt cho người leo cùng để mỗi người mang một dây.

Một số dây đôi cũng có thể dùng theo kiểu dây kép, cho phép bạn dùng chúng với kỹ thuật leo khác. Thậm chí còn có những loại dây có thể dùng với cả 3 kỹ thuật leo, với khả năng linh hoạt tối đa. Nhưng dây đôi được thiết kế và kiểm nghiệm để sử dụng theo 1 đôi nhất định, nên bạn không nên sử dụng lẫn lộn kích cỡ và nhãn hiệu dây khác nhau.

Loại dây này có ký hiệu ½ với vòng tròn bao quanh ở 2 đầu dây

  • Dây kép (Twin Rope): 

Là loại dây phù hợp nhất để leo núi kiểu truyền thống trên những chặng leo thẳng đa điểm, leo núi địa hình và núi băng. Tương tự như kiểu dây đôi, dây kép cũng là một bộ dây leo núi gồm hai dây. Tuy nhiên, bạn sẽ luôn luôn móc cả hai dây qua mỗi móc bảo hộ, như thể bạn đang sử dụng dây đơn vậy. Điều này có nghĩa bạn sẽ dùng nhiều dây hơn kiểu dây đôi, nên dây kép sẽ phù hợp với những chặng leo thẳng. Mặt khác, dây kép thường mảnh hơn dây đôi một chút, nên hệ thống dây sẽ nhẹ hơn và đỡ vướng víu hơn. Dây kép cũng có những ưu và nhược điểm riêng giống với dây đôi, nếu so sánh với dây đơn:

Ưu điểm

  • Nối hai dây với nhau và bạn có thể hạ xuống xa gấp đôi so với dây đơn.
  • Dây kép sẽ giúp bạn an tâm hơn vì dù một dây đã bị tưa hoặc đứt, bạn vẫn còn một dây còn lại.

Nhược điểm

  • Dây kép cần nhiều kỹ năng và thời gian để thành thạo hơn so với dây đơn, do bạn leo và bám bằng hai dây chứ không phải một.
  • Tổng trọng lượng của cả hai dây sẽ nặng hơn là một dây (Tuy nhiên, bạn có thể chia bớt cho người leo cùng để mỗi người mang một dây).

Cũng như loại dây đôi, dây kép cũng được thiết kế và kiểm nghiệm để dùng theo đôi nhất định, không nên dùng lẫn lộn kích thước, nhãn hiệu. Một số dây kép có thể dùng như dây đôi, hay thậm chí cả 3 loại dây, với khả năng linh hoạt tối đa. Dây kép được đánh dấu ký hiệu vô tận (∞) ở mỗi đầu.

THÔNG SỐ KỸ THUẬT CỦA DÂY LEO NÚI

huong-dan-chon-day-leo-nui-wetrek.vn

Đường kính

Nói chung, dây mảnh hơn sẽ nhẹ hơn. Tuy nhiên, dây càng mảnh sẽ càng kém bền, và càng cần nhiều kỹ thuât để bám đỡ an toàn. Dây lớn hơn có thể chịu cọ xát tốt hơn và thường sử dụng được lâu hơn. Nếu bạn chuẩn bị leo một vách núi cheo leo ở gần, bạn sẽ muốn chọn loại dây lớn. Nếu bạn phải đi xa và leo một chặng leo đa điểm, bạn sẽ muốn loại dây mảnh và nhẹ hơn.

  • Dây đơn đường kính bé hơn 9.4 mm: Loại dây này rất nhẹ, lý tưởng để leo đa điểm khi mà giảm thiểu trọng lượng là rất quan trọng. Tuy nhiên, dây mảnh không thể chịu được nhiều cú rơi như dây dày, khó cầm nắm hơn và kém bền hơn.

Nếu bạn dự định tập leo thật nhiều với neo trên đỉnh, hay sẽ trượt ngã nhiều lần khi leo núi thể thao, hãy chọn loại dây dày. Nhớ rằng dây mảnh sẽ trượt rất nhanh qua thiết bị neo hãm, nên bạn sẽ cần người đỡ rất tập trung và có kinh nghiệm đi cùng.

  • Dây đơn đường kính 9.5 – 9.9 mm: Loại dây này thích hợp với hầu hết các tình huống, từ leo núi truyền thống đến thể thao. Loại dây này vừa đủ nhẹ để mang đi leo núi ở xa, nhưng cũng đủ chắc để leo với neo trên đỉnh và vách núi cheo leo. Loại dây này thường chắc hơn và dễ cầm nắm hơn loại dây siêu mảnh.
  • Dây đơn đường kính từ 10 mm trở lên: Loại dây này thích hợp cho leo núi thể hình, tập leo với neo trên đỉnh thường xuyên, leo núi thể thao tự do và leo vách đứng. Các cách leo núi này rất nhanh tưa dây, do vậy bạn nên chọn loại dây dày và bền chắc.
  • Dây đôi và dây kép: Loại dây đôi thường có đường kính 8-9 mm, trong khi dây kép thường dày 7-8 mm.
  • Dây tĩnh: dây tĩnh có đường kính từ 9-13 mm, nhưng thường được ghi theo đơn vị inch, nên đôi khi bạn sẽ thấy đường kính có thể được ghi là 7/16”

Chiều dài 

Dây động dùng cho leo núi thông thường dài từ 30 – 80 m. Mức tiêu chuẩn là 60 m, có thể đáp ứng được hầu hết các yêu cầu khác nhau của bạn trong mỗi cuộc leo núi.

  • Dây leo núi ngoài trời: khi cân nhắc độ dài dây, hãy nhớ rằng dây phải dài ít nhất gấp đôi hoặc hơn gấp đôi quãng đường mà bạn sẽ leo. Ví dụ, nếu chặng leo dài 30 m, bạn sẽ cần ít nhất 60 m dây để có thể leo lên và đáp xuống khi neo nằm trên đỉnh chặng. Một số chặng leo thể thao kiểu mới cần tới 70 m dây để có thể đáp được hẳn xuống đất.
  •  Dây leo núi trong nhà: Bạn sẽ cần ít dây hơn, khoảng 35 m, thường dùng cho leo núi thể hình vì chặng leo ngắn hơn nhiều so với địa hình thực tế. Một lần nữa, hãy nhớ dây phải dài vừa đủ để có thể đáp xuống an toàn.
  • Dây tĩnh: dây tĩnh dùng cho cứu hộ, thám hiểm hang động, leo núi theo lối cố định với thiết bị bám và tải đồ lên cao. Với rất nhiều độ dài khác nhau, bạn có thể mua theo mét để có chính xác lượng dây cần dùng.

Nếu bạn không chắc chắn bao nhiêu dây là đủ cho một địa điểm leo núi nhất định, tốt nhất hãy hỏi những người leo núi khác và tham khảo các sách hướng dẫn.

Trọng lượng

Tổng trọng lượng của một sợi dây leo núi chủ yếu dựa trên đường kính và chiều dài của sợi dây. Nói chung, dây mảnh hơn sẽ nhẹ hơn dây dày hơn, nhưng kết cấu lõi dây cũng có thể khiến một sợi dây mảnh nặng hơn một sợi dây dày. Đơn vị tiêu chuẩn đo trọng lượng của dây động dùng cho leo núi là gam trên mét (ví dụ 58 g/m), rất dễ dàng để so sánh các loại dây với nhau. Kết hợp con số này với chiều dài dây để tính toán trọng lượng tổng thể của sợi dây. Dây tĩnh thường có đơn vị trọng lượng tính bằng g/foot.

TÍNH NĂNG CỦA DÂY LEO NÚI

huong-dan-chon-day-leo-nui-wetrek.vn

Bạn có thể cân nhắc các tính năng khác nhau khi so sánh các loại dây leo núi. Các tính năng này sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng dây dễ dàng và hiệu quả ra sao.

Chống thấm nước: Khi dây bị ngấm nước, nó sẽ nặng hơn và giảm khả năng chịu lực giật do rơi (mặc dù dây sẽ trở lại bình thường sau khi khô). Khi thời tiết lạnh đến mức đóng băng, dây sẽ cứng lại và không thể kiểm soát được. Để chống lại điều này, một vài loại dây có tính năng chống nước để giảm khả năng dây bị ngấm nước. Dây chống thấm nước đắt hơn loại dây không chống thấm, nên bạn hãy cân nhắc sẽ mua loại nào. Nếu bạn đơn giản chỉ muốn leo núi thể thao thì loại dây không chống thấm là đủ, vì hầu hết những người leo núi thể thao sẽ thu dây đi về khi trời mưa. Còn nếu bạn leo núi băng, leo núi địa hình hay leo núi truyền thống đa điểm, bạn có thể sẽ gặp mưa, tuyết hay băng đá, hãy chọn loại dây chống thấm. Dây chống thấm có thể có lõi chống thấm, vỏ chống thấm hoặc cả 2. Tất nhiên có cả 2 sẽ giúp dây chống thấm tốt hơn.

Dấu giữa dây: hầu hết dây leo núi đều có dấu giữa dây, thường được sơn màu đen, giúp bạn xác định đoạn giữa của dây. Điều này rất quan trọng khi bạn đáp xuống dưới.

Dây hai màu: một số dây có hai màu, phần chuyển màu sẽ chia rất rõ dây thành hai nửa, có thể coi như 1 dấu giữa dây rõ ràng và cố định. Tính năng này hiệu quả hơn (và thường đắt hơn) so với dấu giữa dây thông thường, vì lớp sơn đen có thể bị phai và trở nên khó nhận biết.

Dấu hết dây: một số loại dây có hai đầu sơn màu hoặc sơn đen để báo hiệu dây đã gần hết. Tính năng này rất hữu dụng khi bạn đang đáp xuống hoặc đưa người xuống.

CHỈ SỐ AN TOÀN CỦA DÂY LEO NÚI THEO UIAA QUY ĐỊNH

Liên đoàn Leo núi Quốc tế UIAA đã đưa ra quy định về tiêu chuẩn an toàn, áp dụng cho mọi loại dây leo núi. Các phòng thí nghiệm độc lập có trách nhiệm tiến hành các kiểm nghiệm này.

huong-dan-chon-day-leo-nui-wetrek_.n

Bao bì của dây động dùng cho leo núi liệt kê rõ kết quả kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn an toàn của UIAA, bao gồm chỉ số khi rơi, độ cứng, khả năng dãn và lực giật tối đa. Hãy cân nhắc các chỉ số này, cùng với kiểu leo núi mà bạn sẽ tham gia, để có thể chọn ra loại dây thích hợp nhất.

Chỉ số khi rơi UIAA sẽ kiểm tra xem dây chịu được bao nhiêu cú rơi trước khi hỏng hoàn toàn. Lực rơi trong phòng thí nghiệm thường cao hơn hầu hết lực rơi trong các trường hợp thực tế, vì vậy chỉ số khi rơi này là kết quả khá xác đáng.

Dây đơn được thử nghiệm bằng cách thả vật nặng 80 kg treo trên dây, loại dây đôi sẽ thả vật nặng 55 kg với mỗi dây, và dây kép sẽ thả vật nặng 80 kg treo trên cả 2 dây. Các loại dây đơn và dây đôi sẽ phải chịu được ít nhất 5 lần rơi. Dây kép phải chịu được ít nhất 12 lần. Tất cả cú rơi đều phải theo đúng tiêu chuẩn của UIAA.

Các dây đạt tiêu chuẩn về chỉ số khi rơi của UIAA sẽ đủ an toàn để leo núi. Dây có chỉ số khi rơi cao có thể dùng được lâu hơn loại dây có chỉ số thấp. Tuy nhiên, hãy nhớ luôn luôn kiểm tra dây thật kỹ sau một vài lần rơi, cân nhắc việc thay thế dây nếu có bất kỳ hư hại nào xuất hiện.

Độ cứng

Độ cứng, hay khả năng chịu tải, là khoảng dây động sẽ dãn ra khi treo vật nặng 80 kg trên dây. Độ cứng của dây đơn và dây kép không được phép vượt quá 10% chiều dài gốc của dây. Loại dây đôi không được phép dãn quá 12%. Độ cứng là yếu tố quan trọng cần lưu ý khi leo với neo trên đỉnh, tải đồ lên cao và leo núi theo lộ trình cố định với thiết bị bám. Chỉ số độ cứng càng cao có nghĩa dây càng kém hiệu quả, do lực bám bị tiêu hao khi dây dãn nhiều hơn.

Độ dãn

Độ dãn là độ dài bị dãn của dây sau cú rơi đầu tiên theo tiêu chuẩn UIAA. Độ dãn cao có nghĩa bạn sẽ rơi xa hơn, nên nói chung chỉ số này càng thấp càng tốt, vì dây dãn ít sẽ giảm khả năng rơi xuống vách núi hay mặt đất hơn. Tuy nhiên, dây ít dãn hơn sẽ tăng lực giật lên người leo, người đỡ và phụ tùng hơn. UIAA cho phép dây dãn không quá 40% chiều dài gốc của dây.

Lực giật

Lực giật là lực tính theo kilonewton mà vật nặng trong thí nghiệm rơi của UIAA phải chịu. Chỉ số này càng thấp, lực giật mà người bị rơi, người đỡ hay phụ tùng phải chịu càng nhỏ. Độ dãn càng lớn, lực giật cũng càng nhỏ. Lực giật nhỏ sẽ giúp bạn hãm lại nhẹ nhàng hơn khi rơi, tuy nhiên nó thường đi kèm với độ dãn lớn, có thể gây tốn sức khi leo với neo trên đỉnh.

Bài viết liên quan
Gọi ngay
Chat với chúng tôi qua Zalo

HOTLINE HỖ TRỢ

TOUR TRONG NƯỚC 085.863.88.66

TOUR NƯỚC NGOÀI 085.863.88.66

TOUR KHÁCH ĐOÀN 085.863.88.66

CHO THUÊ XE 085.863.88.66

VÉ MÁY BAY 085.863.88.66

TEAMBUILDING/EVENT 085.863.88.66