Lều du lịch, dã ngoại không còn là vật dụng xa lạ với dân phượt nữa, nó rất quan trọng cho chuyến đi, là chỗ trú chân, tránh nắng, tránh mưa và sương cho bạn dù ở bất cứ nơi đâu: Ngoại ô, trên xa lộ, bên bờ hồ, cạnh suối hay trong nơi hoang dã… Nói cách khác, lều như căn nhà di động, ngoài việc chống lại các yếu tố thời tiết có hại cho người đi Phượt, lều còn chống lại các yếu tố không ai mong muốn khi ngủ ngoài trời như: Côn trùng, bò sát,… Hãy tưởng tượng khi ngủ trong rừng mà không có lều! Bạn sẽ phải đối mặt với vô vàn thứ có thể biết bay, biết bò, biết ngọ nguậy thậm chí biết cắn nữa. Vô cùng khủng khiếp đúng không?
Thế nhưng để chọn lều cắm trại cho đúng và phù hợp với chuyến đi của bạn, không đơn giản chỉ là ra cửa hàng và xách đại một cái về. Vì lều có rất nhiều loại, với nhiều đặc tính, cấu tạo và chất liệu khác nhau. Để lựa chọn được một cái lều phù hợp nhất, bạn cần phải có kiến thức về chuyến đi của mình, hiểu rõ nhu cầu của mình và cả kiến thức về đặc tính từng loại lều, bài viết này mình sẽ giúp các bạn nắm được điều đó, hướng dẫn các bạn phân biệt và hiểu rõ đặc tính của các loại lều phổ biến trên thị trường hiện nay.
CÓ BAO NHIÊU LOẠI LỀU?
RẤT NHIỀU, với kiến thức có hạn của người viết không thể kể hết được tất cả các loại lều hiện đang có trên Thế giới, ngay cả tiêu chí dùng để phân loại lều cũng có vô vàn, ở đây chúng ta sẽ nói tới những loại cơ bản nhất.
LỀU 3 MÙA (3 SEASON TENT) VÀ LỀU 4 MÙA (4 SEASON TENT)
Đây là khái niệm phổ biến nhất của các bạn phương Tây, các loại lều sử dụng ở Việt Nam là lều 3 season và thực tế về khí hậu và thời tiết cũng cho thấy là lều 3 mùa gần như là loại lều thích hợp nhất với đất nước này. Vậy thì lều 3 mùa và 4 mùa khác nhau như thế nào?
- LỀU 3 MÙA: Là loại lều thiết kế để sử dụng trong mùa xuân, hè và thu. Với thiết kế thiên về ưu tiên gọn, nhẹ. Đặc tính của lều 3 mùa là thông thoáng, vách lều thường được thiết kế để tăng tối đa diện tích lưới, đủ để tránh gió thổi trực diện vào người dùng và giúp không khí lưu thông tốt trong lều. Khung lều 3 mùa thường sử dụng những loại chất liệu ưu tiên độ nhẹ như nhôm. Lớp ngoài lều 3 mùa thường thiết kế hổng, khi dựng thường cách mặt đất một khoảng đủ để không khí và gió vẫn có thể lưu thông mà vẫn đảm bảo chống mưa, sương ẩm. Chất liệu của lều 3 mùa thường mỏng, nhẹ. Trọng lượng của lều 3 mùa thường dao động trong khoảng từ 1,5 – 3 kg.
Một loại lều 3 mùa.
- LỀU 4 MÙA: Khác với tên gọi, loại lều này thường chỉ để sử dụng duy nhất cho mùa đông (ở miền ôn đới), các mùa khác không ai dùng loại này cả. Để thích hợp với điều kiện sử dụng khắc nghiệt như gió mạnh, nhiệt độ thấp, có tuyết, băng, ẩm ướt… thì lều 4 mùa thường được thiết kế kín, ít lưới (nhưng vẫn có vài góc lưới nhỏ có cửa che để giúp điều chỉnh không khí trong lều). Khung lều 4 mùa sử dụng những loại ưu tiên độ cứng, chắc như nhôm hợp kim. Lớp ngoài lều 4 mùa thiết kế kín, phủ sát mặt đất nhằm ngăn gió tối đa. Chất liệu lều 4 mùa thường dày, chắc chắn và nặng. Trọng lượng lều 4 mùa thường trên 3 kg, có loại rất nặng.
Một loại lều 4 mùa
Nói cách khác, lều 3 mùa là loại dành cho dân đi bụi, gọn nhẹ, dễ dàng mang vác tuy nhiên vẫn đảm bảo các tiêu chí chống nước. Còn lều 4 mùa dành cho điều kiện khắc nghiệt, sử dụng cho các trường hợp đặc biệt, ví dụ như dùng để set up base camp…. Và rõ ràng, với điều kiện khí hậu như ở Việt Nam thì lều 3 mùa là thích hợp cho dân Phượt, Trekking, đi bụi hơn cả.
LỀU 1 LỚP VÀ LỀU 2 LỚP
LỀU 1 LỚP:
- Tuy là loại ít được ưa chuộng ở các nước Châu Âu và Mỹ nhưng ở Việt Nam loại này rất phổ biến, thường gặp nhất là các loại lều rẻ tiền của Trung Quốc. Như tên gọi, lều này chỉ gồm 1 lớp vải duy nhất. Và vì nó chỉ có 1 lớp vải duy nhất nhưng lại muốn chống được mưa nên gần như nó không hề có lưới, chỉ có 1 mảnh lưới nhỏ ở trên nóc lều và sẽ được che lại bằng một tấm vải nhỏ khi trời mưa. Cho nên nghịch lý là tuy gọn nhẹ nhất nhưng lều 1 lớp cũng đồng thời là loại gây hầm, bí nhất, với các loại lều 1 lớp có thiết kế cửa 2 lớp (1 lớp lưới, 1 lớp vải) thì điều này được cải thiện đôi chút. Lợi thế lớn nhất của lều 1 lớp là cực kỳ gọn nhẹ và dễ sử dụng, để dựng lên chỉ mất khoảng 2-3 phút. Và nó rất rẻ nhờ thiết kế đơn giản, sử dụng ít nguyên liệu. Các hãng lều nổi tiếng cũng có sản xuất lều 1 lớp nhằm đáp ứng một lượng không nhỏ khách hàng muốn sự gọn nhẹ, đơn giản. Nếu bạn chỉ đi loanh quanh vùng ngoại ô hoặc các chuyến đi nhẹ nhàng, ngắn ngày thì lều 1 lớp là lựa chọn hợp lý.
Lều 1 lớp giá rẻ của Trung Quốc
LƯU Ý KHI CHỌN LỀU 1 LỚP:
- Vì chỉ có một lớp vải nên điều cần lưu ý nhất với loại lều này là tính chống thấm. Khác với các hãng lều có thương hiệu thường ép seam (dán kín đường may) để chống thấm nước, những loại lều của Trung Quốc thì không. Người bán lều Trung Quốc thường quảng cáo là vải chống nước nhưng họ sẽ cố tình lờ đi và không nói tới đường chỉ may, nếu chi tiết này không được xử lý ép seam (là giai đoạn sản xuất tốn kém nhất trong may lều) thì chỉ cần mưa nhẹ hoặc sương thôi cũng đủ để bạn có một trải nghiệm khủng khiếp.
- Ngoài ra cửa lều là điểm yếu của lều 1 lớp, vì không có lớp ngoài che chắn nên mưa có thể tạt trực tiếp vào cửa lều, dù có thiết kế tốt tới đâu thì thường lều 1 lớp vẫn không thể chống được mưa lớn. Và tôi khuyên bạn nếu mua lều 1 lớp thì chỉ nên chọn loại 1 cửa, bạn có thể xoay lều để tránh hướng tạt trực tiếp của mưa vào cửa.
- Vì vậy nếu bạn quyết định chọn một cái lều 1 lớp không nhãn mác của Trung Quốc để tiết kiệm chi phí thì điều nên làm là kiểm tra đường may (nhất là 4 cạnh lều) thật kỹ. Nếu không thấy có một lớp keo phủ lên đường may thì hãy suy nghĩ lại một lần nữa trước khi trả tiền mua nó.
LỀU 2 LỚP:
- Đây là thiết kế chuẩn mực của các loại lều. Được bán phổ biến tại các cửa hàng fanfan.vn. Điểm yếu duy nhất so với lều 1 lớp là lều 2 lớp thường nặng hơn, cách dựng phức tạp hơn một chút, mất khoảng 5-10 phút để dựng xong 1 cái lều 2 lớp. Còn lại các tính năng khác thì lều 2 lớp ưu việt hơn nhiều so với lều 1 lớp. Với lớp trong được thiết kế nhiều diện tích bằng lưới nên rất thông thoáng. Lớp ngoài thường được xử lý ép seam kỹ nên tính chống mưa sẽ đảm bảo. Ngoài ra vì đặc tính là 2 lớp vật liệu nên hạn chế được tình trạng đọng sương trong lều. Và một điểm cũng quan trọng không kém là lều 2 lớp thường đẹp và có vẻ ngoài chắc chắn, chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với sự đơn điệu của lều 1 lớp. Nếu bạn muốn có những bức ảnh camping thật lung linh với cái lều của mình thì nên chọn lều 2 lớp.
Một loại lều 2 lớp. Ảnh: Madfox.vn
LƯU Ý KHI CHỌN LỀU 2 LỚP:
- Cũng như lều 1 lớp, bạn cũng phải kiểm tra kỹ từng đường may của lều 2 lớp, đặc biệt là lớp ngoài (Rain fly). Xem thử các đường may có được xử lý ép keo không? Nếu các đường may không được ép keo thì nhiều khả năng đó hoặc là lều Trung Quốc, hoặc là lều nhái, giả hoặc là loại hàng lỗi được tuồn ra thị trường. Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý đến những mảnh lưới ở lớp trong của lều. Hãy dựng thử và kiểm tra xem lớp ngoài có che phủ được hết tất cả diện tích lưới của lều hay không, vì nếu không thì bạn sẽ khổ sở với mưa và gió đấy.
LỀU TỰ ĐỨNG (FREESTANDING), KHÔNG TỰ ĐỨNG (NON-FREESTANDING) HAY LỀU TỰ BUNG (INSTANT TENT)
- LỀU TỰ ĐỨNG: Là loại lều mà khi bạn ráp khung vào là lều có thể tự đứng được (nghĩa là sử dụng ngay được) mà không cần phải căng dây và cắm cọc.
- LỀU KHÔNG TỰ ĐỨNG: Ngược lại với loại trên, loại này sau khi ráp khung sẽ nằm bẹp, muốn nó đứng và sử dụng được thì bạn buộc phải căng dây và cắm cọc.
- LỀU TỰ BUNG: Chả cần phải làm gì cả, cứ vứt nó ra nó sẽ tự bung thành một cái lều cho bạn dùng. Đương nhiên là nó đứng được.
V��i kinh nghiệm của bản thân tôi sẽ khuyên bạn chọn loại đầu tiên: LỀU TỰ ĐỨNG. Đây là loại phổ biến hơn cả, vì rõ ràng là nó có nhiều ưu điểm hơn các loại khác, cơ động hơn, nhỏ gọn hơn… Hãy tưởng tượng bạn muốn cắm trại ven quốc lộ, hoặc bạn muốn ngủ nhờ ở cây xăng, ngay trên mặt sàn bê tông, hay đơn giản là bạn muốn cắm lều trên một tảng đá rất đẹp. Điều này là bất khả thi với LỀU KHÔNG TỰ ĐỨNG vì nó cần nơi có nền đất mềm để cắm được cọc, nếu không thì nó chẳng khác cái mền là mấy, có khi còn tệ hơn.
Vậy còn LỀU TỰ BUNG thì sao? Nghe có vẻ đầy tính công nghệ và hiện đại, nhưng từ từ đã, đi đôi với sự tiện lợi (hay cách khác là đồng loã với sự lười nhác) thì nó cũng có điểm yếu khủng khiếp, đó là kích thước to bành ky khi xếp lại. Vì đặc điểm loại này là tích hợp chết khung (thường là sợi thép bọc nhựa) vào trong lều luôn nên bạn không thể tháo khung ra mà phải xếp lều theo một phương thức định sẵn của nhà sản xuất, và tin tôi đi, loại lều này bung ra dễ bao nhiêu thì lúc xếp lại khó bấy nhiêu, thậm chí nếu bạn không có sẵn bản hướng dẫn trên tay thì gần như là không thể xếp lại được. Và cứ cho là bạn đủ thông minh để xếp được nó thì kích thước của nó lúc xếp cũng không dành cho bạn nếu bạn không phải người đi cắm trại bằng Ô-tô.
CHỌN SIZE (KÍCH CỠ) LỀU: 1 NGƯỜI, 2 NGƯỜI, 4 NGƯỜI, 6 NGƯỜI, 8 NGƯỜI, 10 NGƯỜI….
Chọn cỡ lều phù hợp để có buổi cắm trại thật thoải mái
Bất kỳ cái lều nào cũng có size của nó, thường được nhà sản xuất quy đổi thành số người TỐI ĐA có thể cùng nằm trong đó. Việc này khiến khách hàng dễ hình dung và lựa chọn trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên có vài điểm lưu ý về cỡ lều mà các bạn cần biết trước khi chọn mua.
- Mỗi hãng sản xuất có một cách quy đổi khác nhau. Cùng là loại lều 4P (4 person – tức 4 người) nhưng lều hãng này lại có kích thước khác hãng kia, nhiều khi cùng là lều 4P của một hãng nhưng 2 dòng sản phẩm khác nhau thì kích thước cũng khác nhau.
- Thông số kích thước rất quan trọng, nếu nắm được kích thước lều (Dài x Rộng x Cao) bạn không cần quan tâm đến số người quy đổi nữa.
- Số người quy đổi là số người TỐI ĐA theo thiết kế của nhà sản xuất. Có nghĩa nếu là lều 2P thì có thể dùng cho 2 hoặc 1 người, lều 4P thì dùng cho 4 hoặc ít hơn 4 người, lều 6P dùng cho 6 hoặc ít hơn 6 người…. Vậy nên bạn đừng vì tiết kiệm được một ít tiền mà mua lều 4P cho 5 người dùng thay vì là lều 6P. Sẽ rất chật chội và khó chịu cho cả 5 người, chưa kể rủi ro hư lều do nằm chèn lên vách lều.
- Thường các loại lều dành cho thị trường Châu Âu hoặc Mỹ sẽ có kích thước lớn hơn lều dành cho thị trường Châu Á, điều này rất dễ hiểu. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi khi chọn lều thì cụ thể như thế này: Nếu dành cho người Châu Á trưởng thành thì cứ 50cm chiều rộng là đủ cho 1 người, có nghĩa nếu lều có kích thước 2m x 2m thì dùng được cho 4 người. Có thể không thoải mái như chiếc giường của bạn nhưng đủ để có được chỗ ngủ an toàn, ấm áp ngoài thiên nhiên.
KHUNG LỀU CẮM TRẠI CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG?
Một bộ khung lều bằng nhôm Ảnh: Madfox.vn
- Khi mua lều sai lầm lớn nhất là chúng ta thường chỉ quan tâm đến thiết kế, kiểu dáng, màu sắc, sau đó là chất lượng vải, tính chống nước mà chúng ta lại chẳng hề quan tâm gì tới bộ khung của nó. Đây là sai lầm vô cùng tai hại mà có thể chỉ đến khi bạn đã tới nơi cắm trại rồi mới nhận ra.
- Khung lều tốt cần đáp ứng được tiêu chí đầu tiên là bền, sau đó mới đến chắc chắn, dẻo dai. Một bộ khung lều yếu, dễ gãy cũng giống như một người bị loãng xương, không thể làm được gì, làm việc nặng thì sợ gãy. Và một khi khung lều đã gãy thì cái lều coi như vứt đi rồi, không thể sử dụng được. Theo quan điểm của tôi thì một cái lều chống nước kém vẫn còn hữu dụng hơn là một cái lều có khung dễ gãy.
- Khung lều yếu, dễ gãy bạn sẽ khó sử dụng được ở n��i gió to, khi dựng lều cũng phải hết sức nhẹ nhàng và cẩn thận, không được uốn mạnh. Khi cất giữ, mang vác, di chuyển cũng phải đề phòng, không được quăng quật, dồn nén. Mọi thứ đều phải cẩn thận vì nếu chẳng may bạn dẫm phải khung lều và nó bị gãy thì chuyến đi của bạn sẽ rất thảm hại.
- Trên góc độ nhà sản xuất, chi phí để làm ra một bộ khung tốt với chất liệu cao cấp có khi gần một nửa giá trị của cả cái lều. Vậy nên, một bộ khung tốt thường đi kèm theo đó là giá thành cao.
NÊN CHỌN LOẠI KHUNG LỀU NÀO?
Hiện nay trên thị trường lều dã ngoại có 2 loại chính:
KHUNG BẰNG SỢI THUỶ TINH (fiberglass):
Đây là loại phổ biến nhất trên thị trường Việt Nam, thành phần của loại chất liệu này thường là sợi thuỷ tinh pha plastic (nhựa). Loại khung này thường được nhập về từ Trung Quốc.
Ưu điểm của loại khung này là rẻ tiền, dẻo, độ đàn hồi cao và dễ gia công.
Điểm yếu là giòn, dễ gãy, dễ tách, khi gãy tạo ra rất nhiều dằm (sợi thuỷ tinh siêu nhỏ) có thể dắt sâu vào da thịt, gây đau đớn nếu chẳng may cầm vào đoạn gãy, và trọng lượng loại này rất nặng. Ngoài ra loại khung này sẽ bị lão hoá theo thời gian, nếu để càng lâu, độ bền càng giảm xuống.
Một bộ khung lều bằng chất liệu sợi thuỷ tinh bị gãy và tách khi sử dụng
KHUNG NHÔM:
là loại khung rất phổ biến trên Thế giới nhất là ở các nước phát triển nhưng ở Việt Nam thì ít phổ biến hơn khung sợi thuỷ tinh. Lý do vì loại khung này đắt tiền hơn, sản xuất phức tạp. Có nhiều loại khung nhôm, được chia theo thành phần cấu tạo và đặc điểm hình dạng của khung, nhưng để đơn giản chúng ta chỉ cần phân biệt khung nhôm dựa trên mã hợp kim nhôm sử dụng để sản xuất ra khung. Nhưng chủ yếu có 2 dòng chính là nhôm 6xxx series và 7xxx series.
Khung nhôm 6xxx: (phổ biến nhất là 6001, 6005, 6065) là giá thành tương đối rẻ, dẻo, nhẹ, khó bị gãy, không bị giảm chất lượng theo thời gian. Điểm yếu là độ cứng không cao và đàn hồi kém hơn nhôm 7xxx, dễ cong nên sau khi sử dụng khung sẽ bị cong định hình hoặc một số loại sẽ được nhà sản xuất uốn cong định hình sẵn trước khi xuất xưởng. Độ cong này không ảnh hưởng tới chất lượng và giá trị sử dụng của khung nhôm.
Một bộ khung nhôm 6xxx bình thường sẽ bị cong định hình
Khung nhôm 7xxx: (Phổ biến nhất là 7001, 7075) rất nhẹ nhưng rất cứng, độ bền tuyệt vời, đàn hồi cực tốt nên rất khó cong khi sử dụng trừ trường hợp cố tình bị bẻ quá biên độ giới hạn của khung thì khung 7001 mới bị định hình độ cong. Điểm yếu là giá thành khá cao nên thường chỉ được trang bị với những dòng lều cao cấp.
Một bộ khung lều nhôm 7001
Với ứng dụng khi đi Phượt, Trekking, cắm trại, dã ngoại khung nhôm cũng thể hiện tính ưu việt hơn nhiều so với khung sợi thuỷ tinh. Khi gặp sự cố như vô tình dẫm phải hoặc cắm ở nơi gió mạnh mà bạn lại quên sử dụng dây và cọc thì khung sợi thuỷ tinh có thể gãy, nhưng khung nhôm thường chỉ bị cong, sau khi uốn lại bằng tay bạn vẫn có thể sử dụng bình thường và chuyến đi của bạn vẫn có thể tiếp tục. Và thực tế ghi nhận tại cửa hàng FANFAN, số lượng lều khung sợi thuỷ tinh bảo hành do gãy, tách khung áp đảo hoàn toàn so với lều khung nhôm.
Hiện tại ở Việt Nam, Madfox là nhà sản xuất lều duy nhất tự chủ được công nghệ về khung nhôm mà không phụ thuộc vào các loại hàng tồn kho của các đơn đặt hàng gia công như các nhà xưởng gia công khác.
VẬY THÌ NÊN CHỌN LOẠI LỀU NÀO LÀ TỐT NHẤT?
Như tôi đã nói ở trên, tuỳ vào từng trường hợp và yêu cầu của mỗi chuyến đi. Các bạn phải tự cân nhắc các yếu tố cần thiết và không cần thiết để lựa chọn loại lều thích hợp như: Ngân sách, thời tiết, địa hình nơi cắm trại,… Nhưng để tiết kiệm cho các chuyến đi sau, nên chọn một cái lều có thể phục vụ cho nhiều chuyến đi với các điều kiện khác nhau. Bản thân tôi đang sở hữu một cái MADFOX TREKKER – loại lều 3 mùa, 2 lớp, khung nhôm và nó đáp ứng rất tốt nhu cầu Trekking và Camping thường xuyên của tôi.
Nhưng có một điều các bạn cần lưu ý là hiện nay các loại lều Trung Quốc không có thương hiệu, nhãn mác và chất lượng kém đang được bán tràn lan trên mạng, với đủ mọi kiểu quảng cáo có thể khiến người mua bị nhầm lẫn trong quyết định. Những loại này đặc điểm chung là khung sợi thuỷ tinh chất lượng thấp, màu sắc loè loẹt, đường may không được ép chống thấm nước, giá rẻ khoảng từ 400.000 – 700.000đ tuỳ loại. Với những loại này thường không sử dụng được lâu nên tính ra thì cũng không rẻ hơn so với các loại lều thương hiệu, chất lượng bao nhiêu, các bạn cần phải cẩn thận khi mua những loại hàng này.
Khi đi mua lều, các bạn nên chọn những cửa hàng có thể trưng bày, dựng thử cho khách hàng trước khi mua, để có thể kiểm tra thật kỹ càng kể cả từng đường may. Tránh mua ở những nơi chỉ bán online qua mạng, không thể kiểm tra hàng trước. Và đương nhiên, hệ thống cửa hàng đồ Outdoor FANFAN là điểm đến lý tưởng để các bạn có thể thử, trải nghiệm và mua sắm lều cắm trại.
Chúc các bạn chọn được cái lều ưng ý và có chuyến đi tốt đẹp!