Bạn đã bao giờ phải vác chăn (mền) để đi phượt hoặc du lịch chưa? Nếu bạn đã từng rồi thì chắc chắn sẽ hiểu lý do vì sao túi ngủ lại rất cần thiết cho dân đi Phượt như vậy.
Các ưu điểm của túi ngủ:
- Rất gọn gàng
- Cực kỳ kín đáo, không có chuyện thò chân, hở tay giống như khi đắp mền nữa
- Cảm giác an toàn và thoải mái
- Thiết kế tối ưu cho việc nằm trong một không gian hẹp nhưng giữ ấm tối đa
- Ngăn chặn rất hiệu quả côn trùng, bò sát, động vật tiếp cận cơ thể trong lúc ngủ
- Tiện lợi trong việc mang theo, bỏ ba lô, ràng-cột,…
- Sạch sẽ, vì là đồ mang tính cá nhân nên sẽ ngăn được việc lây các bệnh ngoài da, đặc biệt thích hợp cho những người bị “sợ giường khách sạn”
– ……………..
Cộng với việc nằm ngủ trong túi ngủ cho bạn một cảm giác lạ và đầy hứng thú, ngoài ra thì nó còn thể hiện đúng chất của dân Outdoor. Từng đó lý do đã quá đủ để bạn nên sắm cho mình một cái túi ngủ thích hợp…. Nhưng khoan đã, bạn đã biết cách chọn cho mình một cái túi ngủ chưa? Túi ngủ như thế nào là thích hợp cho chuyến đi của bạn? Bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn điều đó.
1. Chọn kiểu dáng:
- Túi ngủ có rất nhiều kiểu dáng thiết kế. Tuy điểm chung là đều dạng túi, sử dụng khoá kéo nhưng cách thiết kế thì lại khác nhau đem đến hiệu quả và tính năng sử dụng khác nhau. Tại Việt Nam với đặc điểm là nước nhiệt đới nên phổ biến các loại cơ bản như sau:
+ Túi ngủ chữ nhật không nón: Là dạng túi ngủ hình chữ nhật, không có phần nón ôm đầu, thay vào đó chiều dài túi ngủ sẽ vừa cho cả cơ thể. Loại túi ngủ này điểm mạnh là sự đơn giản, cơ động và rộng rãi, khi mở bung ra thì sẽ trở thành một cái mền hình vuông có thể dùng cho 2-3 người hoặc dùng để trải lót chỗ ngủ. Điểm yếu là vì không có nón nên tạo cảm giác trống trải phía trên đầu (khi ngủ ở thiên nhiên thì cảm giác kín đáo và an toàn là khá quan trọng)
+ Túi ngủ chữ nhật có nón: Là dạng túi ngủ hình chữ nhật nhưng có nón ôm đầu. Đây là loại phổ biến và được ưa chuộng nhất. Điểm mạnh là tính đa năng, cơ động, rộng rãi, có thể mở bung ra làm mền hoặc lót nơi nằm, đặc biệt khi là túi ngủ thì rất kín đáo và an toàn vì bạn nằm trong và kéo dây thì chỉ còn hở một ít phần mặt (mũi), còn lại thì kín như bưng. Thiết kế này mình thấy gần như không thấy điểm yếu nào đáng kể cả.
+ Túi ngủ con nhộng(có nón): Loại này khá ít phổ biến ở Việt Nam vì chủ yếu thiết kế này dành cho những nơi có nhiệt độ rất thấp. Đây là loại túi ngủ có phần chân được làm tóp vào và phần thân trên nở rộng ra theo hình dáng cơ thể người, thiết kế này có điểm mạnh là ôm sát cơ thể nên giữ ấm tối đa, ngoài ra việc thiết kế như vậy cũng là để cắt giảm tối đa diện tích và tiết kiệm nguyên vật liệu qua đó giúp tối ưu được kích thước đóng gói của túi ngủ nhưng đồng thời đó cũng là điểm yếu khi bạn sẽ cảm thấy khá gò bó lúc nằm trong đó, gần như rất khó cựa quậy. Và thiết kế của loại này gần như chỉ để là túi ngủ, không mở bung ra làm mền được.
2. Chọn tính năng:
Tính năng túi ngủ được chia làm 2 loại:
+ Chống thấm nước: Chúng ta nên lựa chọn loại túi ngủ có tính chống thấm nước ở nơi có độ ẩm cao, hoặc trường hợp ngủ lộ thiên (vd: Ngủ trên võng, ngủ ngoài lều, ngoài trời, dưới nền đất…) hoặc ở nơi nhiệt độ thấp. Vì lớp vải ngoài có đặc tính chống thấm nước nên sẽ gây ra cảm giác khá bí nếu chúng ta sử dụng ở nơi nhiệt độ cao, khô hanh. Có một số người nhầm lẫn là cứ nghĩ túi ngủ chống thấm nước có thể ngủ ngoài trời mưa, không phải như vậy, dù là loại túi ngủ nào đi chăng nữa thì cũng không có khả năng đó, tính chống thấm của túi ngủ chỉ đối phó được với nơi độ ẩm cao, mặt đất ẩm và sương đêm thôi các bạn nhé.
+ Không chống thấm: Đây là loại túi ngủ với tính năng cơ bản, tốt nhất khi sử dụng chung với lều thì sẽ phát huy được thế mạnh là thông thoáng, dễ chịu. Nếu bạn muốn sử dụng loại này lộ thiên thì cần đảm bảo nơi sử dụng không có sương đêm nặng hạt, độ ẩm không quá cao và không quá lạnh, nơi trải túi ngủ phải thật khô ráo.
3. Chọn theo nhiệt độ:
- Đây là thông tin quan trọng nhất khi lựa chọn túi ngủ. Thông thường tất cả các loại túi ngủ đều có thông tin nhiệt độ khuyến nghị và nhiệt độ giới hạn (ngoại trừ những loại rẻ tiền không thương hiệu, nhãn mác của Trung Quốc), tuy nhiên để dựa vào những thông tin nhiệt độ của nhà sản xuất để chọn túi ngủ cũng không đơn giản như chọn size quần áo, giày dép mà các bạn cần phải có kiến thức, trong đó kiến thức về chuyến đi, về điều kiện thời tiết và nhiệt độ nơi ngủ là rất quan trọng.
- Nhiệt độ giới hạn (Limit): Hay còn gọi là nhiệt độ sinh tồn, đây là mức nhiệt độ không được nhà sản xuất khuyến nghị sử dụng, nó chỉ thể hiện mức nhiệt độ thấp tối đa mà bạn có thể tồn tại được với cái túi ngủ này mà không tổn hại quá nghiêm trọng tới sức khoẻ. Chúng ta chỉ nên sử dụng túi ngủ ở mức nhiệt độ giới hạn hoặc quá giới hạn ở trường hợp BẤT KHẢ KHÁNG, tuyệt đối không sử dụng mức nhiệt độ này để làm tiêu chuẩn lựa chọn túi ngủ.
- Nhiệt độ khuyến nghị: Còn gọi là nhiệt độ thoải mái, thường nằm trong một khoảng X – Y (X<Y), điều này có nghĩa nếu nhiệt độ dưới X bạn sẽ cảm thấy lạnh còn nếu trên Y có thể cảm thấy hơi bí. Tuy nhiên điều này không đúng với tất cả mọi người vì thực tế độ nhạy cảm với nhiệt độ môi trường của mỗi người là vô cùng khác biệt, mức cảm thấy lạnh (hoặc nóng) của người này chênh với người kia đôi khi là rất lớn. Trong khi mức nhiệt độ khuyến nghị của nhà sản xuất là cố định.
LƯU Ý: Mức nhiệt độ khuyến nghị của nhà sản xuất túi ngủ thường theo tiêu chuẩn Châu Âu, mà độ chịu lạnh của người Châu Âu (Ôn đới) tốt hơn người Châu Á, đặc biệt là người Việt Nam (Nhiệt đới) rất nhiều. Nên khi chọn túi ngủ, để chọn nhiệt độ khuyến nghị thích hợp cho mình bạn nên cộng thêm vào 5-10 độ C. VD: Nếu túi ngủ khuyến nghị 5-10°C thì có nghĩa là bạn sẽ cảm thấy thực sự thoải mái ở 10 – 20°C. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh cho phù hợp với cảm giác của mình bằng cách mặc thêm hoặc cởi bớt quần áo.
4. Chọn kích thước túi ngủ:
- Túi ngủ có thông số chiều dài và chiều rộng, vấn đề kích thước thường không đáng lo ngại với những người kích cỡ bình thường, nhưng nếu bạn có một body quá khổ thì cũng cần phải lưu ý để chọn cho mình một túi ngủ thoải mái.
- Theo đó, để có cảm giác tốt nhất khi nằm trong túi ngủ thì bạn nên chọn túi có chiều dài dài hơn chiều cao của bạn khoảng 10cm (vd: Túi ngủ có chiều dài 200cm thì sẽ thoải mái với người cao 1m9 trở xuống). Đương nhiên bạn vẫn có thể sử dụng được túi ngủ với chiều dài bằng với chiều cao của bạn, nhưng sẽ không thoải mái lắm mà bạn sẽ thấy hơi chật chội.
- Để xác định chiều rộng túi ngủ bạn chỉ cần đo độ rộng vai của mình sau đó cộng thêm 5cm (vd: Túi ngủ rộng 70cm sẽ phù hợp và thoải mái với người có vai rộng 65cm trở xuống).
5. Chọn chất liệu:
Túi ngủ nói chung thường có cấu tạo gồm 3 lớp:
+ Lớp ngoài: Thường bằng vải Polieste, có tính chống thấm nước hoặc không. Lớp vải ngoài này thường tuỳ theo tính năng và nhiệt độ khuyến nghị của túi ngủ mà bằng chất liệu dày mỏng khác nhau. Quan điểm cá nhân của mình không thích những loại túi ngủ có quá nhiều đường may, phối nhiều mảnh vải trên lớp ngoài, đặc biệt là các loại túi ngủ chống thấm, vì đường may là điểm yếu đối với tính chống thấm, việc phối nhiều mảnh vải với nhiều màu sắc có thể khiến túi ngủ trông bắt mắt hơn nhưng lại làm tính chống thấm kém đi. Trên phương diện nhà sản xuất thì việc ghép vải là một cách để tiết kiệm nguyên liệu.
+ Vật liệu lót: Thường bằng các loại chất liệu lót như bông, gòn polieste, lông vũ,… Phổ biến nhất là gòn Polieste vì tính bền, dễ giặt, vệ sinh. Loại lót lông vũ với đặc tính nhẹ và ấm, chỉ có trên túi ngủ dòng cao cấp, mắc tiền.
+ Vải lót: Mọi người thường quan tâm tới lớp vải ngoài và màu sắc, kiểu dáng nhưng quên mất là lớp vải lót mới là lớp trực tiếp tiếp xúc với cơ thể, độ thoải mái và êm ái của túi ngủ thường do lớp này quyết định. Túi ngủ tốt sẽ có lớp lót thấm hút nước (mồ hôi) tốt và mềm mại, có loại sử dụng chất liệu vải thoát hơi với lỗ li ti giúp thông thoáng hơn. Các bạn không nên lựa chọn những loại túi ngủ có lót bằng chất liệu nhiều nilon, những loại vải lót này thường bóng, nhẹ, khi dùng tay vò tạo tiếng sột soạt, loại vải này sẽ không hút mồ hôi và thoát hơi không tốt, tạo cảm giác hầm, bí khi sử dụng.