Cách chọn đèn pin cho đi phượt, dã ngoại

– Nhưng lựa chọn đèn pin như thế nào cho phù hợp với chuyến đi và nhu cầu của mỗi người? Vì không phải chuyến đi nào và nhu cầu của ai cũng giống nhau, mỗi loại hình Outdoor phù hợp với một vài loại đèn pin nhất định. Ngay cả độ sáng cũng làm nhiều người phân vân không biết nên lựa chọn bao nhiêu là đủ hay cứ càng sáng càng tốt?

 

LỰA CHỌN ĐÈN ĐEO TRÁN HAY ĐÈN CẦM TAY?

 

Đèn đeo trán (đội đầu) đang ngày càng được ưa chuộng hơn do sự tiện lợi mà nó mang lại. Vì sao đèn đeo trán lại tiện lợi? Vì bạn có thể rảnh cả 2 tay khi sử dụng đèn, điều này rất hữu dụng khi bạn đang làm một việc gì đó khác ngoài đi bộ, ví dụ như dựng lều, nấu ăn, thậm chí là lấy đồ đạc ra khỏi ba lô… Tất cả những việc này sẽ khá bất tiện nếu một tay phải cầm đèn pin, khi đó lựa chọn của bạn có thể là…ngậm đèn trong miệng để rảnh tay làm việc mà vẫn có ánh sáng. Hơn nữa khi đeo đèn trán thì ánh sáng luôn hướng theo tầm nhìn của bạn, rất tiện lợi.

Vậy đèn pin cầm tay có ưu điểm gì so với đèn đeo trán? Đó là sự cơ động và truyền thống. “Truyền thống” ư? Đúng vậy, dường như chúng ta chưa quen với việc đèn pin lại nằm ở trên trán mà không phải cầm trên tay. Khái niệm đèn pin dù gì cũng đã đính chặt với hình ảnh cây đèn pin cầm tay với hình dạng mà ai cũng dễ dàng tưởng tượng ra. Ngoài yếu tố truyền thống ra thì đèn pin cầm tay còn có sự cơ động mà đèn đeo trán không có, bạn hãy tưởng tượng khi đang ngủ trong rừng và bạn phát hiện bên ngoài lều có tiếng động lạ, việc đầu tiên bạn nghĩ tới và nên làm là vớ lấy cây đèn pin và chạy ra ngoài xem xét. Thực ra lúc đó cầm lấy đèn đeo trán cũng được thôi, nhưng đèn pin cầm tay, như tên gọi của nó, để cầm trên tay thì thuận tiện hơn nhiều. Khi cầm đèn trên tay thì bạn có thể thoải mái chiếu, rọi vào mọi ngóc ngách, mọi hướng mà bạn thích, còn nếu đeo đèn trên trán thì nó mặc định chiếu theo hướng nhìn của bạn thôi.

 

NHỮNG LƯU Ý KHI MUA ĐÈN PIN:

 

1. Độ sáng: Được quy định bằng Lumen, số Lumen càng cao thì cường độ sáng càng mạnh.

 

Quay lại câu hỏi ở trên, có phải đèn càng sáng càng tốt?

Không hẳn như vậy. Bạn cần biết, độ sáng càng cao thì đèn càng to và nặng, do tích hợp nhiều LED hoặc LED công suất lớn, cần pin lớn (hoặc nhiều pin), mạch điều khiển phức tạp và bộ tản nhiệt lớn, mà với dân Outdoor, tối thiểu trọng lượng là điều rất quan trọng. Ngoài ra đèn càng sáng thì tiêu thụ điện càng nhiều nên càng gây hao pin, bạn phải mang theo nhiều pin dự phòng, lại thêm trọng lượng.

VẬY BAO NHIÊU LUMEN LÀ ĐỦ?

Với kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng độ sáng tối đa loanh quanh khoảng 250 – 300 Lumen là tối ưu cho dân Outdoor.

Vì sao lại là 250-300 Lumen? Vì hơn Lumen cao hơn nữa hầu như không giúp thêm được điều gì ngoài việc phung phí thời lượng pin của bạn và sẽ khiến bạn thêm mỏi tay.

Một cây đèn 250-300 Lumen thường sẽ vừa đủ gọn nhẹ, cầm gọn trong lòng bàn tay, rất tiết kiệm pin và tôi tin độ sáng như vậy là đủ dùng cho tất cả các hoạt động về đêm của bạn. Thậm chí với cây đèn 250 Lumen, bạn vẫn chủ yếu sử dụng chế độ sáng tiết kiệm pin của nó (khoảng 120 lumen).

Cây đèn mà tôi gắn bó và luôn phải có trong mọi chuyến đi của mình là Led Lenser TT, với độ sáng tối đa 280 Lumen, quá đủ đối với tôi.

2. Cỡ pin và thời lượng:

Yếu tố này thường ít người để ý, một phần vì không thể kiểm chứng được độ hao pin ngay lúc mua nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm sử dụng của người dùng. Số lượng pin mang theo hoặc số lần sạc là có giới hạn trong chuyến đi, thế nên bạn chắc chắn không muốn cây đèn của mình ngốn hết sạch pin mà hành trình vẫn còn dài ở phía trước.

2 cây đèn pin có cùng cường độ sáng và quy chuẩn pin giống nhau nhưng thời lượng sử dụng lại hoàn toàn khác nhau, đó là điều bình thường. Vì tất cả những linh kiện, bo mạch khác nhau sẽ cho một mức tiêu hao năng lượng khác nhau. Đây cũng chính là điểm khác biệt nhanh nhận ra nhất giữa đèn đắt tiền và rẻ tiền. Linh kiện xịn dĩ nhiên sẽ cho hiệu suất tốt hơn.

Có 3 cỡ pin cơ bản, sử dụng cho đèn pin là AA, AAA và 18650 (pin sạc). Trong đó pin 18650 bạn hầu như chỉ có thể mua ở những cửa hàng chuyên kinh doanh đèn pin. Ngoài ra còn một vài mẫu đèn sử dụng cỡ pin khác nhưng khá ít.

 

Tôi luôn ưu tiên và khuyên các bạn nên lựa chọn đèn pin có thể sử dụng cỡ pin A (2A hoặc 3A) vì loại pin này rất dễ kiếm do là loại cơ bản, dùng cho tất cả các thiết bị điện tử và Remote, được bán ở khắp mọi nơi, tất cả các tiệm tạp hoá từ đồng bằng đến miền núi đều bán loại pin này. Bạn có thể mua thêm pin dự phòng ở bất kỳ đâu.

Ngoài ra loại pin A sạc được cũng rất phổ biến, bạn chỉ cần mua pin sạc và bộ sạc nếu bạn xác định thường xuyên sử dụng và muốn đầu tư từ ban đầu để tiết kiệm chi phí thay pin.

 

Thông số thời lượng thường được hiển thị ngoài bao bì của đèn pin, nhưng bạn lưu ý là thông số đó (vd: 24h) thường được hiểu là thời gian độ sáng được giảm dần từ tối đa đến tắt hẳn, chứ không phải là đèn sẽ duy trì độ sáng tối đa suốt 24h. Vì các loại đèn pin LED thời nay thường được tích hợp mạch điều khiển độ sáng tiết kiệm pin, tự động giảm độ sáng (dim) theo độ sụt của dung lượng pin.

 

3. Độ bền:

 

Điều này rất quan trọng, nếu bạn đang có một chuyến đi thám hiểm dài ngày ở phía trước thì bạn sẽ không muốn một cái đèn pin hay trục trặc hoặc qua ngày thứ 2 đã không còn sáng nữa.

 

Độ bền thường đi kèm với thương hiệu, những thương hiệu lớn, uy tín thì sản phẩm sẽ qua kiểm tra chặt chẽ trước khi xuất xưởng và thường điều này đồng nghĩa với chất lượng sẽ được đảm bảo và dĩ nhiên đi kèm với một cái giá khá chua chát. Tuy nhiên không thể nói là những sản phẩm của các thương hiệu nhỏ, hoặc đèn không thương hiệu là không tốt, nếu may mắn bạn hoàn toàn có thể mua được một chiếc đèn vừa bền vừa rẻ, ở đây tôi nói đến xác xuất “xui xẻo” sẽ ít hơn rất nhiều khi đặt niềm tin vào các thương hiệu lớn. Vì đèn pin là sản phẩm công nghệ và điện tử, bạn không thể đánh giá được chất lượng đèn chỉ bằng cách cầm lên ngắm nghía và bật thử. Độ bền của đèn đáng tiếc là chỉ thể hiện lúc bạn đang sử dụng.

 

Mưa là yếu tố thời tiết thường gặp, nhất là nước nhiệt đới như Việt Nam, bạn không thể yêu thích Outdoor nếu bạn ngại trời mưa, ngược lại, mưa cũng cho những trải nghiệm thú vị khi đi Phượt. Nhưng sẽ chẳng vui vẻ gì khi bạn Trekking trong rừng giữa đêm trời mưa mà đèn của bạn bị hư do vô nước. Vì vậy nên chống nước là tính năng quan trọng ảnh hưởng tới độ bền của đèn pin.

 

Độ chống nước của đèn pin thường được biểu thị bằng chỉ số IPX . Chỉ số IPX càng cao đèn chống nước càng tốt.

 

IPX0: Không chống nước.

IPX1: Chống nước nhỏ giọt.

IPX2: Chống nước nhỏ giọt khi nghiêng tối đa 15 độ từ vị trí bình thường.

IPX3: Chống nước xịt.

IPX4: Chống nước bắn mạnh.

IPX5: Chống tia nước bắn mạnh với áp suất thấp.

IPX6: Chống tia nước mạnh với áp suất cao.

IPX7: Chịu được ngâm trong nước 1 mét, trong thời gian 30 phút.

IPX8: Chịu được ngâm liên tục 4 giờ trong độ sâu được chỉ định.

Ngoài ra thiết kế chắc chắn của đèn pin cũng thể hiện là một cây đèn tốt, và điều này có thể nhận biết bằng cảm quan. Nếu bạn thấy cây đèn pin có thiết kế không chắc tay, khi lắc có tiếng kêu lọc xọc và cảm giác lỏng lẻo thì tốt nhất bạn nên có lựa chọn khác, trừ khi giá của nó quá rẻ và ngân sách của bạn không cho phép.

 

4. Chế độ sáng:

 

Đèn pin LED thường có 3 chế độ cơ bản là: Sáng tối đa, sáng tiết kiệm pin và chớp nháy (signal). Bạn nên lựa chọn loại đèn pin có tối thiểu 2 chế độ là sáng tối đa và sáng tiết kiệm pin, vì trong khi sử dụng, chế độ tiết kiệm pin là khá quan trọng khi bạn cảm thấy pin của đèn có khả năng không đáp ứng đủ thời gian sử dụng cho chế độ sáng tối đa. Chế độ chớp nháy ra tín hiệu chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện thủ công nên không thực sự quá cần thiết.

 

Cách mà công tắc vận hành cũng là một điều thú vị, đối với vài người đây là một tính năng quan trọng. Có một số loại đèn, bạn chỉ cần bấm một nửa (bấm nhẹ) công tắc xuống là đèn sẽ chuyển sang chế độ sáng kế tiếp mà không cần tắt, còn một số phải bấm tắt rồi bấm bật lại thì mới chuyển chế độ, một số loại lại có kiểu bấm liên tục một số lần nào đó sẽ ứng với 1 chế độ,… Nên khi thử đèn bạn cần lưu ý hỏi nhân viên bán hàng về cách mà công tắc hoạt động để khỏi mất thời gian tìm hiểu.

 

5. Kích thước và trọng lượng:

 

Yếu tố này tuỳ thuộc vào sở thích và nhu cầu của mỗi người. Đa số đèn pin có thân đèn làm bằng nhôm, loại thân mỏng thì nhẹ hơn, thân dày thì bền hơn nhưng nặng hơn.

Ngoài ra các loại đèn có độ sáng cao và pin lớn (hoặc dùng nhiều pin) thì thường to và nặng hơn. Độ sáng càng thấp đèn càng nhỏ gọn. Vì vậy bạn cần phải xác định giữa độ sáng và sự nhỏ gọn điều gì quan trọng hơn để lựa chọn thật chính xác.

 

Chúc các bạn lựa chọn được đèn pin ưng ý và một chuyến đi đáng nhớ!

Bài viết liên quan
Gọi ngay
Chat với chúng tôi qua Zalo

HOTLINE HỖ TRỢ

TOUR TRONG NƯỚC 085.863.88.66

TOUR NƯỚC NGOÀI 085.863.88.66

TOUR KHÁCH ĐOÀN 085.863.88.66

CHO THUÊ XE 085.863.88.66

VÉ MÁY BAY 085.863.88.66

TEAMBUILDING/EVENT 085.863.88.66