Trung bình 1km chúng ta sẽ đi 1243 bước chân, nhưng khi leo núi, hiking thì ứng với mỗi ki lô mét, ta sẽ đi nhiều hơn 1243 bước chân bởi trên đường đi có rất nhiều chướng ngại vật làm nhỏ bước chân chúng ta lại. Trên mỗi bước chân, đôi tất đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho đôi chân bạn luôn thoải mái, giảm ma sát, hạn chế phồng rộp trong suốt hành trình của bạn.
Để chọn đôi tất đi bộ đường dài tốt nhất cho chuyến đi của bạn, hãy lần lượt xem xét 4 điều sau:
- Chiều cao của tất: điều cầu tiên cần lưu ý khi chọn tất đó là chiều cao của tất phải phù hợp với đôi giày của bạn.
- Chất liệu vải: Thành phần chính của đa số tất trên thị trường hiện tại là cotton, polyester hoặc nylon. Một số khác làm từ Len merino hoặc sợi tre (Bamboo)
- Lớp đệm: Đệm ở những phần chịu lực nhiều ví dụ như gót chân, ngoài tác dụng hỗ trợ giảm sốc thì lớp đệm còn có khả năng hỗ trợ giữ ấm đối với những địa hình có nhiệt độ thấp.
- Kích thước tất: Hãy chắc chắn rằng đôi tất của bạn vừa vặn vì nếu tất rộng nguy cơ phồng rộp sẽ cao hơn.
1. Chiều cao tất
Tất cho hiking, leo núi đa dạng với nhiều chiều dài khác nhau, từ ngắn tới mắt cá chân đến cao qua đầu gối. Để chọn được một đôi tất phù hợp hãy dựa vào đôi giày của bạn sẽ sử dụng trong chuyến đi sắp tới. Chiều cao của tất tối thiểu phải cao hơn cổ giày khoảng 3cm, nhằm bảo vệ da bạn không cọ sát trực tiếp với cổ giày gây ra phồng rộp.
Đây là bốn chiều cao tất bạn có thể cân nhắc lựa chọn:
- Tất cổ thấp: Loại tất có chiều cao qua mắt cá. Những đôi tất ngắn này chỉ phù hợp với những đôi giày cổ thấp (Cổ giày thấp hơn cổ tất). Chỉ thích hợp với những chuyến đi nhẹ nhàng, ngắn ngày, không di chuyển quá nhiều.
- Tất cổ trung: Cao hơn một chút so với những đôi tất cổ thấp, những đôi tất này thường sẽ che xương mắt cá chân của bạn để bảo vệ chúng tốt hơn. Thường sử dụng với giày cổ thấp đến cổ trung.
- Tất cổ cao: Đây là loại tất có chiều cao phù hợp với đi bộ đường dài. Không những bảo vệ mắt cá, tất còn có chiều dài lý tưởng cho những đôi giày cổ cao, đồng thời hỗ trợ chống vắt, đỉa trong những địa hình ẩm ướt.
- Tất cao đến hoặc qua đầu gối: Với chiều cao này, đây là loại tất được sử dụng cho những địa hình đặc biệt, có thời tiết lạnh với những đôi ủng cao cổ. Hoặc nếu trong một môi trường ẩm ướt có vắt và đỉa thì đây cũng là một gợi ý không tệ.
2. Chất liệu vải
Tất dành cho hiking, leo núi hiếm khi được làm từ một loại vải duy nhất, mà là từ sự pha trộn giữa nhiều chất liệu khác nhau, tạo ra sự cân bằng phù hợp giữa sự thoải mái, ấm áp, bền bỉ và nhanh khô. Đây là những chất liệu phổ biến nhất mà bạn sẽ tìm thấy trong tất khi chọn tất cho chuyến đi của mình:
- Len: Len là chất liệu tất đi bộ đường dài phổ biến và là chất liệu mà các chuyên gia giày dép khuyên dùng. Đây là loại chất liệu hỗ trợ điều chỉnh nhiệt độ tốt để giữ cho chân của bạn không bị đổ mồ hôi, đồng thời có khả năng chống sốc tốt giúp bảo vệ chân của bạn. Một điểm cộng nữa là len có khả năng kháng khuẩn tự nhiên nên nó có xu hướng giữ mùi ít hơn các loại vải tổng hợp. Ngày nay, hầu hết tất được làm bằng len merino chất lượng cao, đem lại cảm giác thoải mái nhất cho người sử dụng.
- Polyester: Polyester là vật liệu tổng hợp có tác dụng giữ ấm, hút ẩm và khô nhanh. Đôi khi nó được pha trộn với len hoặc nylon để tạo ra sự kết hợp tốt giữa sự ấm áp, thoải mái, độ bền và nhanh khô.
- Nylon: Loại vật liệu bổ trợ, được sử dụng kết hợp với những vật liệu khác. Ưu điểm của vải Nylon là bền độ bền, nhưng đồng thời chất liệu này hút ẩm không tốt.
- Spandex: Thành phần chiếm một tỉ lệ nhỏ nhưng có vai trò quan trọng. Chất liệu co giãn này giúp tất giữ dáng và hạn chế nhăn, chùn vớ ở mức tối thiểu.
- Cotton: Loại vải có khả năng hút ẩm cao, độ bền cao và giặt nhanh khô. Vải cotton nguyên chất sẽ cứng và thô nên thường sẽ được pha thêm những thành phần khác vào nhằm làm mềm sợi vải, đem lại cho người dùng cảm giác thoải mái hơn.
- Sợi tre: Hay còn gọi là sợi Bamboo, đây là loại chất liệu mềm mại hạn chế ma sát, có khả năng hút ẩm cao, đồng thời với khả năng kháng khuẩn và khử mùi đặc biệt thích hợp với những chuyến trekking, leo núi. Tuy nhiên giá thành của sản phẩm làm từ sợi tre có phần cao hơn 1 chút so với những chất liệu khác.
3. Kích thước tất
Đi một đôi tất vừa vặn sẽ giúp đôi chân của bạn thoải mái trong những chuyến leo núi, hiking. Nếu tất của bạn quá lớn, chúng có thể bị nhăn, tăng cọ xát và có thể gây phồng rộp. Quá nhỏ thì bề mặt tất sẽ căng, có thể tạo ra các điểm áp lực cao cũng dễ dàng gây phồng rộp và đồng thời tất nhỏ gây trượt tất, gây nguy hiểm cho bản thân khi di chuyển.
Việc chọn một đôi tất vừa chân cũng không quá khó, đối với loại tất được quy định size sẵn thì bạn chỉ cần căn cứ vào size giày mà chọn size tất cho phù hợp. Đối với những loại tất Free-size thì bạn có thể yên tâm vì tính co giãn của nó rất tốt, hoặc để chắc chắn hơn bạn có thể đến cửa hàng để thử.
4. Lớp đệm
Lớp đệm sẽ làm cho tất bạn dày hơn ở một số vị trí, hỗ trợ giảm sốc ở những vị trí chịu áp lực cao như gót chân, ngón chân, bên sườn chân.
Tuy nhiên nếu đệm quá dày cũng có khả năng gây hầm bí, đổ mồ hôi cao tạo cảm giác khó chịu cho người sử dụng. Đa số tất đều được thiết kế đệm ở gót chân, lớp đệm có thể dày hơn, hoặc được làm từ sợi có thành phần khác một xíu nhằm mục đích như đã nêu trên.
- Không có đệm: Những đôi tất siêu nhẹ này được thiết kế để sử dụng trong thời tiết nóng, Chúng rất thoáng khí và có ít đệm. Có thể sử dụng với những đôi giày thoát nước. Hoặc có thể sử dụng loại này như tất lót, nhằm mục đích hút ẩm khi di chuyển đường dài, giữ cho chân bạn luôn khô ráo.
- Đệm mỏng: Phù hợp với điều kiện ấm áp, chọn một đôi tất có đệm mỏng đồng nghĩa với việc bạn ưu tiên hút ẩm và thoải mái hơn là giữ ấm. Chúng tương đối mỏng, nhưng có một số đệm nhẹ ở những vị trí quan trọng như gót chân,…
- Đệm trung bình: Những đôi tất này cung cấp một lượng đệm tương đối dày ở gót chân và bên sườn của bàn chân để di chuyển đường dài và đủ ấm để sử dụng trong điều kiện khí hậu lạnh.
- Đệm dày: Đây thường là những loại tất dày nhất, ấm nhất nhưng chỉ thích hợp với loại khí hậu rất lạnh. Chúng quá dày và ấm cho những chuyến đi phượt trong thời tiết ấm áp và được khuyên dùng cho những chuyến leo núi hoặc đi phượt trong thời tiết có thể nói là lạnh giá đến khắc nghiệt.
Đối với khí hậu ở Việt Nam, bạn nên chọn cho mình một đôi tất không đệm hoặc đệm mỏng, nếu điểm đến là đỉnh núi cao Tây Bắc thì có thể xem xét loại đệm trung bình để bảo vệ chân tốt nhất.