1. Phân chia trọng lượng cơ thể, tạo độ ổn định
Khi tham gia leo núi, trekking thì việc mang vác hành lý với khối lượng lên đến hàng chục kg là điều bình thường. Phần trọng lượng cơ thể và trọng lượng hành lý tác động trực tiếp lên đôi vai và dồn hết xuống chân. Việc sử dụng gậy leo núi sẽ giúp phân bổ trọng lượng cơ thể và hành lý, không chỉ tập trung ở chân mà qua tay giảm một phần sức nặng lên gậy giúp cơ thể cảm giác nhẹ hơn khi di chuyển.
2. Giảm tác động lên đầu gối và mắt cá
Đầu gối và khớp cổ chân (Mắt cá) là 2 khớp chịu nhiều tác động của trọng lực cơ thể. Duy trì tác dụng trọng lực này sẽ làm hao tổn phần sụn và gân tổn thương các khớp, đặc biệt là 2 khớp kể trên. Sử dụng gậy giúp phân tán trọng lực từ đó giảm áp lực lên các khớp giúp hạn chế chấn thương.
3. Cung cấp cho cơ thể một lực đẩy
Vẫn là để giải quyết vấn đề trọng lượng cơ thể. Trọng lượng càng nặng thì bước đi càng nặng nề. Phần lớn bạn sử dụng lực đẩy từ đùi và cẳng chân. Việc sử dụng gậy sẽ dùng một phần lực tay để hỗ trợ nâng người lên.
4. Hỗ trợ giữ thăng bằng
Tại sao 4 chân giữ thăng bằng tốt hơn 2 chân?
Khi diện tích nối các điểm tiếp xúc với mặt đất càng lớn thì đi càng vững. Đối với các địa hình gập ghềnh, nhiều đá. Nếu lỡ có trượt chân thì vẫn có thể sử dụng gậy là trụ để giữ vững. Đồng thời khi balo quá nặng, việc di chuyển xuống dốc hay di chuyển quá nhanh dễ làm cơ thể ta chúi về phía trước, sử dụng gậy giúp bạn hạn chế trường hợp này.
5. Kiểm tra địa hình
Việc sử dụng gậy giúp bạn dò đường trước, đặc biệt đối với những địa hình vũng lầy, băng tuyết, nhưng khu rừng rậm đầy lá hay những nơi sa mạc cát lún cũng cần kiểm tra, đảm bảo an toàn mới tiếp tục di chuyển.
6. Sử dụng như dụng cụ sơ cứu khi bị chấn thương
Chấn thương nặng khi đi leo núi, trekking tất nhiên là không ai muốn nhưng đó là điều không ai dám chắc chắn 100% là không bị. Gậy leo núi có thể sử dụng làm nẹp các chấn thương gãy tay, gãy chân cơ bản, hỗ trợ thực hiện sơ cứu để giảm tỉ lệ thương tật sau này.
7. Sử dụng với tấm tăng hoặc lều
Việc căng tăng ở những nơi đầy cây cối thì không nói gì, nhưng nếu đó là nơi đồng không, ít hoặc thậm chí là không có vị trí nào lý tưởng để căng tăng thì bạn hãy tìm một nơi bằng phẳng, với 2 chiếc gậy bạn có thể tạo nên nơi trú. Nó sẽ không quá cao nhưng nếu bạn cần một nơi che mưa, chắn sương để ngủ thì đây là một nơi tuyệt vời. và cũng tương tự như vậy đối với lều
8. Có thể sử dụng để tự vệ
Trong trường hợp bất ngờ gặp phải thú rừng thì gậy leo núi có thể sử dụng như vũ khí để chống trả. Tuy nhiên chỉ nên áp dụng với những loại động vật nhỏ, không có tập tính ăn thịt. Còn gặp những loại ăn thịt hung tợn thì phải có kỹ năng sinh tồn dạng “master” mới dám đối mặc.
Ngoài ra bạn có thể chế nó thành một chiếc gậy chụp ảnh selfie dài 1m3.
9. Nhỏ gọn, dễ mang theo
Tại sao xét đến yếu tố nhỏ gọn? – Vì đây là yếu tố yêu cầu đáp ứng hàng đầu khi chọn dụng cụ dã ngoại, leo núi.
Bạn có thể chặt tạm một cây tre ngoài vườn để mang theo, nhưng nó không đáp ứng được yếu tố nhỏ gọn.
Nếu vậy thì đến rừng rồi chặt cây cũng được nhỉ? – Đừng nhé, chặt cây thì chắc chắn là không nên rồi. Hoặc bạn có thể nhặt cây khô để làm gậy, nhưng không có gì chắc chắn là bạn sẽ tìm được một cái cây vừa ý nên cứ mang theo cho chắc nhé!
Tất nhiên là có ưu điểm cũng sẽ có nhược điểm. Khi sử dụng gậy bạn sẽ sử dụng lực tay, có thể sẽ làm tiêu hao năng lượng nhiều hơn, hoặc sử dụng 2 tay để chống gậy thì không thể linh hoạt trong những hành động bám víu khác. Nhưng nhìn chung thì những hạn chế này vẫn không làm lu mờ được lợi ích mà khi sử dụng một chiếc gậy leo núi chuyên dụng đem lại.